.

Lòng dân Hòa Châu

.

Ít ai biết rằng, ngôi nhà anh Nguyễn Văn Miễn ở thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu (Hòa Vang, Đà Nẵng) đang ở là nơi mà 44 năm trước anh hùng LLVTND Hà Văn Trí đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng và thi hài ông được an táng chu đáo cho đến sau ngày giải phóng được quy tập đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Châu.

Anh Nguyễn Văn Miễn (bên phải) thắp hương mộ liệt sĩ Hà Văn Trí tại nghĩa trang xã Hòa Châu.
Anh Nguyễn Văn Miễn (bên phải) thắp hương mộ liệt sĩ Hà Văn Trí tại nghĩa trang xã Hòa Châu.

Hà Văn Trí, nguyên là Đặc Khu ủy viên Quảng Đà, Tham mưu trưởng Mặt trận 4, kiêm Quận đội trưởng quận Nhất (Đà Nẵng). Cuộc đời ông là một bản hùng ca tuyệt đẹp về lòng yêu nước và tài năng, đức độ. Quê Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam, xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng kiên cường, có mẹ và chị gái đều là Bà mẹ VNAH. Ngay từ thời niên thiếu ông đã dấn thân trên con đường đánh giặc, cứu nước. Học đến Primair và học rất giỏi nhưng ông đã bỏ học và tham gia du kích.

Ngay từ khi là xã đội trưởng xã Điện Quang, ông đã thể hiện bản lĩnh người chỉ huy xuất sắc, từng được Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tuyên dương công trạng. Ông tập kết ra Bắc năm 1954 trong đội hình cán bộ Tỉnh đội Quảng Nam rồi làm Tiểu đoàn trưởng Pháo binh thuộc Sư đoàn 324, Quân khu 4. Chiến trường vẫy gọi, tạm biệt người vợ hiền và đứa con gái nhỏ 8 tháng ở hậu phương miền Bắc, đầu năm 1962, ông hành quân vào Nam chiến đấu. Khi làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 2, khi làm Tỉnh đội trưởng Quảng Ngãi, ở đâu ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, khi được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 ông đã chỉ huy đơn vị tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm đồi Quang Thạnh, Quảng Ngãi, loại khỏi vòng chiến đấu 400 tên thuộc 2 Lữ đoàn Rồng Xanh và Mãnh Hổ (Nam Triều Tiên), trả thù cho đồng bào Sơn Tịnh bị địch sát hại dã man.

Tháng 8-1968, Đặc Khu ủy Quảng Đà phát động chiến dịch tiến công và nổi dậy toàn Đặc khu mang tên X2. Chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Mặt trận 4, Quận đội trưởng quận Nhất Hà Văn Trí trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 89 Đặc công, Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 cùng các cánh quân đồng loạt nổ súng tấn công, giáng những đòn sấm sét vào các mục tiêu quan trọng của Mỹ - ngụy. Đây là trận tiến công quân sự lớn đầu tiên của quân ta vào quận lỵ Hòa Vang, một trong những chi khu quân sự lớn của địch. Tối ngày 24-8, đơn vị di chuyển ra phòng ngự tại Giáng Đông, xã Hòa Châu, tổ chức lại đội hình sẵn sàng cho cuộc quyết tử.

 Đúng như dự đoán, sáng ngày

25-8-1968, quân Mỹ, ngụy đã sử dụng lực lượng tương đương 1 trung đoàn, dùng hỏa lực máy bay ném bom, máy bay trực thăng vũ trang, pháo binh, xe tăng, xe lội nước chia thành 3 hướng tấn công vào thôn Giáng Đông, trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 2 bộ binh và Tiểu đoàn Đặc công 489. Chúng liên tục ném đủ các loại bom quét, bom đào và cả bom na-pan, hết đột kích không lực, địch chuyển sang đột kích bằng pháo binh.

Cuộc chiến đấu diễn ra  quyết liệt từ 6 giờ sáng đến 18 giờ cùng ngày. Sau khi dứt loạt bom pháo cuối cùng, xe tăng và bộ binh địch từ các hướng tiến vào làng Giáng Đông. Các cánh quân của ta đã tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ ngay trên công sự, loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên, bắn cháy 7 xe tăng.

Ông Nguyễn Bột, còn gọi là Tường chỉ ngay trên nền nhà phía sau của cháu mình là anh Hai Miễn, xúc động nói: “Chỗ này trước đây là hầm bí mật. Anh Trí đã hy sinh ở đây. Tôi là người đầu  tiên phát hiện. Mới đó mà đã 44 năm rồi”. Tuổi đã trên 80, nhưng ông Bột còn khá minh mẫn. Dấu ấn sâu sắc về người chỉ huy Hà Văn Trí làm ông linh hoạt hẳn. Từng chi tiết của trận đánh 44 năm trước được ông tái hiện mồn một như mới hôm qua.

Ngày đó, thôn Giáng Đông bỗng tấp nập khác thường. Dân làng sơ tán hết, nhường nhà cho bộ đội làm trận địa. Nhà của bà chị dâu ông, tức là Trần Thị Hè là nơi đóng cơ quan đầu não. Ông đoán vậy bởi ông thấy có một cán bộ tướng tá đĩnh đạc, đeo súng ngắn, có người bảo vệ. Bộ đội khẩn trương làm hầm kiên cố trong nhà và ngoài vườn. Là cán bộ vùng đội, nên ông được giao ở lại trụ bám. Ông lấy từ nhà mình gỗ, táp-lô, ván ép, có bao nhiêu đem hết cho bộ đội làm vật liệu xây dựng. Dưới chiếc hầm lớn tránh đại bác là chiếc hầm bí mật, có thể trú cả chục người. Mặc cho bom đạn gầm rú, vợ ông, bà Hai Tường cùng con gái từ thôn Quan Châu gánh cơm về cho bộ đội.

 Ngày 25-8-1968, ông Tường được lệnh lùi về tuyến sau. Máy bay địch oanh tạc dữ đội, tiếng súng từ các ngôi nhà cũng đáp trả quyết liệt. Ông hoảng hốt khi thấy tiếng bom ầm ào rơi ngay góc nhà chị dâu mình. Sẫm tối, đợi ngớt tiếng bom, ông băng bộ về thì thấy người cán bộ ông đã gặp hy sinh ngay trong hầm bí mật, tay còn cầm đèn pin trong tư thế đi kiểm tra chiến trường. Ông vội đưa thi hài lên trên, rồi bò lại xuống hầm lấy 13 khẩu súng giao cho các đồng chí còn lại. Lúc đó hai nữ cán bộ huyện tên là Hoành và Tĩnh nghẹn ngào nói với ông: “Đây là đồng chí chỉ huy…”. Tầm 6 giờ tối, ông đã rửa thi hài người cán bộ, cẩn trọng quấn vào vải dù, đặt vào hòm, đưa ra vườn Dung, khu vườn hoang chôn cất, làm dấu cho dễ nhớ. Hôm đó ngoài ông ra còn có một số người dân cốt cán từ các nơi về, tất cả đều lặng lẽ, đau đớn đưa thi hài người cán bộ đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Sau này khi bị bắt vào tù, ông Bột mới biết rằng người mà ông chôn cất là Tham mưu trưởng Mặt trận 4 Hà Văn Trí.

Sau nhiều năm kiên trì tìm kiếm, thông qua đồng đội của cha, năm 2000, chị Hà Tô Lệ, con gái duy nhất của liệt sĩ Hà Văn Trí hiện làm việc ở Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Ngãi đã tìm được nhà anh Nguyễn Văn Miễn và biết được nơi yên nghỉ của cha mình. Khi biết tình cảm của người dân Giáng Đông suốt bao nhiêu năm đã luôn hương khói cho người cha yêu quý của mình, chị đã ôm lấy bà con mà khóc.

Anh Nguyễn Văn Miễn, làm nghề dạy học, hiện là chủ nhân của ngôi nhà lịch sử ấy kể lại: “Sau trận chiến đấu ác liệt ấy, gia đình tôi trở về quê tiếp tục bám trụ, lập cái miếu trong vườn nhà để thờ cúng liệt sĩ. Riêng mộ chú Hà Văn Trí luôn được mẹ bí mật thắp hương cho đến sau ngày giải phóng thì được xã quy tập đưa về nghĩa trang liệt sĩ. Vì không biết tên nên chỉ đánh số hiệu. Cũng muốn báo cho gia đình chú ấy nhưng không biết ở đâu. Xung quanh mảnh vườn này vẫn còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ. Cách đây mấy năm chúng tôi còn tìm được 12 hài cốt liệt sĩ và báo cho cơ quan chức năng…”.

Năm 2001, liệt sĩ Hà Văn Trí được truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND. Người dân Giáng Đông càng tự hào vì mảnh đất này đã góp phần làm nên vóc dáng người anh hùng trong chiến trận…

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.