1. Trước khi và kể cả nhiều thập niên sau khi trở thành Tourane - thành phố nhượng địa, Đà Nẵng vẫn chưa có cây cầu nào bắc qua dòng sông Hàn. Cho nên cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn được lịch sử ghi nhận chính là cầu De Lattre de Tassigny do người Pháp xây dựng đầu thập niên 50 của thế kỷ trước.
Sau khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Genève năm 1954, cây cầu này được đổi tên là Trình Minh Thế và thường được gọi nhầm thành Trịnh Minh Thế. Năm 1975 Đà Nẵng được giải phóng, chính quyền cách mạng đổi tên cầu Trình Minh Thế thành cầu Trần Thị Lý.
Đến nay cầu Trần Thị Lý - mà tiền thân là cầu De Lattre de Tassigny thời Pháp thuộc hay cầu Trình Minh Thế thời Mỹ thuộc - đã được tháo dỡ toàn bộ để xây dựng mới một cây cầu dây văng hiện đại với tháp trụ nghiêng hình chữ Y ngược cao vút và vẫn tiếp tục được mang danh tính của Người con gái Việt Nam (cách nhà thơ Tố Hữu tôn vinh nữ anh hùng Trần Thị Lý).
Ảnh: Văn Nở |
2. Từ chỗ có độc nhất một cây cầu bắc qua sông Hàn, ngày nay không tính số cây cầu bắc ngang qua các dòng sông khác trên địa bàn thành phố như sông Trường Định, sông Yên, sông Cẩm Lệ… - trong đó một số cây cầu như Cầu Đỏ hay cầu Thủy Tú nằm trên trục giao thông Bắc-Nam cũng có tuổi thọ và nổi tiếng không kém cầu De Lattre de Tassigny - mà chỉ tính riêng số cây cầu bắc qua sông Hàn thì Đà Nẵng đã xứng đáng được mệnh danh là Thành phố những cây cầu. Muốn trở thành Thành phố những cây cầu thì trước hết phải có nhiều cầu nhưng điều quan trọng hơn là phải tạo được sự đa dạng từ những cây cầu ấy.
Đầu tiên phải kể đến cầu Nguyễn Văn Trỗi - là cây cầu dã chiến có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni của quân viễn chinh Mỹ được bắc qua sông Hàn sau khi lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng những năm 60 của thế kỷ trước và từng được đặt tên là cầu Nguyễn Hoàng - đang được giữ lại bên cạnh cầu Trần Thị Lý để trở thành một bảo tàng chiến tranh sống động lưu giữ ký ức của người Đà Nẵng về một thời quê hương bị ngoại bang chiếm đóng.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi cũng sẽ trở thành cây cầu đi bộ, cùng với cây cầu đi bộ hình con sò - nằm khoảng giữa cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước - sắp được khởi công xây dựng vào năm nay nhằm phục vụ cho khách bộ hành muốn tìm những phút giây thư giãn trong cảnh quan thơ mộng của sóng nước sông Hàn.
3. Có một câu hỏi được đặt ra là tại sao người Mỹ lại bắc cây cầu dã chiến này bên cạnh cây cầu của người Pháp? Đó là vì độ thông thuyền của một cây cầu bằng sắt mang tính tạm thời chỉ cho phép cây cầu nằm ở vị trí gần sát cảng quân sự thường xuyên có nhiều tàu trọng tải lớn vào ra. Đây cũng là lý do vì sao đến đầu thế kỷ XXI, khi chưa dời được cảng quân sự đến địa điểm thích hợp hơn, người Đà Nẵng vẫn phải chấp nhận để cầu Sông Hàn trở thành một cây cầu quay-đang-quay.
Sở dĩ nói cầu quay-đang-quay là vì có không ít cầu quay đã từ lâu không còn quay nữa và khi mà công nghệ làm cầu phát triển vượt bậc như hiện nay cùng với nguồn vốn đầu tư đúng mức, thường người ta cũng không chọn phương án thiết kế cầu quay.
Tuy nhiên cái hấp dẫn của cầu Sông Hàn lại nằm ngay ở nhược điểm “lạc hậu” này: rất nhiều du khách thập phương đến Đà Nẵng ráng thức khuya xem cầu Sông Hàn quay qua quay lại để biết một cây cầu quay quay như thế nào, và nhược điểm “lạc hậu” này không chừng cũng là cách mà cầu Sông Hàn đóng góp vào sự đa dạng của Thành phố những cây cầu.
4. Đương nhiên ấn tượng về cầu Sông Hàn không chỉ ở chỗ là cầu quay. Trong phạm vi đất Quảng, Đà Nẵng được xếp vào loại đô thị hóa sớm, có lẽ chỉ sau Hội An. Đã đô thị hóa ắt phải chấp nhận sự xuất hiện của phố cùng tất cả khác biệt giữa phố với làng, tức là chấp nhận làng - phố phân chia.
Song đáng chú ý là ngay buổi đầu của quá trình đô thị hóa - tức từ cuối thế kỷ XIX, số phận lịch sử đã đẩy Đà Nẵng vào cái thế làng - phố phân chia khá độc đáo, có thể nói thấm đẫm màu sắc chính trị: “Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá, đứng bên tê Hà Thân ngó về Hàn phố xá nghênh ngang...”.
Đương thời con sông Hàn trở thành ranh giới không chỉ giữa phố với làng mà còn giữa địch với ta. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, màu sắc chính trị nói trên phai nhạt dần nhưng sự khác biệt làng - phố ở hai bờ sông Hàn thì vẫn còn nguyên cho đến năm cuối cùng của thế kỷ XX, khi cầu Sông Hàn được bắc ngang sông Hàn như cố níu đôi bờ gần lại.
Có thể nói cầu Sông Hàn không chỉ nối liền hai không gian địa lý nằm ở đôi bờ con sông chảy giữa lòng thành phố mà còn nối liền hai trình độ văn minh đô thị. Đây là điều mà hai cây cầu bắc qua sông Hàn hồi thập niên 50 và thập niên 60 trước đó chưa thể có. Có thể nói với cầu Sông Hàn, người Đà Nẵng khá thành công trong việc phố hóa, đô thị hóa hữu ngạn sông Hàn mới ngày nào còn là mấy làng chài nghèo khó cách trở đò giang...
5. Cái độc đáo của cây cầu Tuyên Sơn - còn gọi cầu Tiên Sơn - nằm ở tầm cỡ quốc gia và khu vực: đây là cây cầu vượt sông cuối cùng trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây trước khi con đường xuyên Á này vươn ra biển Đông qua cảng nước sâu Tiên Sa. Cái độc đáo nữa nằm ở tên gọi cây cầu, đúng hơn là nằm ở quá trình Quảng Nam hay cãi về tên gọi cây cầu nhằm khẳng định rằng giữa Tuyên Sơn và Tiên Sơn thì cách gọi nào đúng với ý tưởng của cha ông xưa khi đặt địa danh này.
Mặc dầu Hội đồng nhân dân thành phố đã ra nghị quyết khẳng định Tiên Sơn là đúng nhưng dường như cuộc tranh luận về chữ nghĩa vẫn đương tiếp diễn - bởi trước hết dừng cãi ngay thì đâu còn là dân Quảng Nam và quan trọng hơn là về văn bản học thì cho đến nay vẫn chưa ai tìm được tự dạng chữ Hán gốc của địa danh này từ nguồn thư tịch cổ đáng tin cậy để có cơ sở chắc chắn là Tuyên hay Tiên.
Tuy nhiên Tuyên Sơn hay Tiên Sơn thì cây cầu tầm cỡ quốc gia và khu vực này chỉ mới nằm trên đường ra biển, khác với cầu Thuận Phước - cây cầu dây võng dài nhất ở Việt Nam hiện nay - nằm ngay trên vịnh Đà Nẵng lồng lộng gió biển Đông.
Ngày mới khởi công xây dựng cầu Thuận Phước và ngay cả khi khánh thành cây cầu này, người Đà Nẵng vẫn có cảm giác cầu Thuận Phước nằm rất xa, cô đơn tận nơi cuối sông đầu biển. Nhưng với con đường Bạch Đằng nối dài, giờ đây người Đà Nẵng đã có thể đi dọc sông Hàn về phía cửa biển, đến sát chân cầu và cảm thấy cầu Thuận Phước đang ở giữa phố phường nhộn nhịp.
6. Cây cầu tạo ấn tượng độc đáo nhất về mỹ thuật và vì vậy mà góp phần đáng kể tạo nên sự đa dạng của những cây cầu Đà Nẵng chính là cầu Rồng. Sở dĩ đặt tên cầu Rồng là vì cây cầu này thể hiện hình dáng một con rồng thép đang bay qua sông Hàn hướng ra biển lớn - nếu không có một số đoạn thân rồng nằm bên dưới mặt cầu do yêu cầu kỹ thuật phải đúc bằng bê-tông cốt thép thì đã được sách Kỷ lục Guinness 2013 công nhận là con rồng thép lớn nhất thế giới hiện nay.
Nhưng có lẽ ấn tượng độc đáo về mỹ thuật không chỉ nằm ở nghệ thuật tạo dáng con rồng mang phong cách Việt mà còn nằm ở chỗ cây cầu đã được thiết kế sao cho không làm mất đi mỹ quan của một công trình mỹ thuật khác là Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Sau khi khánh thành, đầu phía Đông cây cầu này sẽ là nơi để du khách thập phương và người Đà Nẵng tụ tập tham quan con rồng sắt định kỳ phun nước và phun lửa.
Rồng phun nước - biểu tượng của mưa thuận gió hòa - không có gì đáng nói vì rất phù hợp với hình ảnh con rồng xưa nay trong cái nhìn truyền thống của châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, cho nên cái mới ở đây là rồng phun lửa. Tuy nhiên nếu truyền thuyết Việt Nam từng xuất hiện hình ảnh con ngựa sắt của Thánh Gióng phun lửa thiêu đốt kẻ thù trong chiến trận xưa kia, thì con rồng sắt của người Đà Nẵng ngày nay cũng có thể phun lửa - ngọn lửa tượng trưng cho nhiệt huyết nồng cháy sục sôi của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình, hiểu rất rõ cái giá của một ngày bình yên nhưng khi cần lại biết sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ vùng trời vùng biển thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mình.
BÙI VĂN TIẾNG