Bà quê làng Thạch Bộ, thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) và là vợ của nhà yêu nước Phan Thanh. Mồ côi cha từ ngày còn rất bé, mẹ lại đi bước nữa, bà được chú bác nuôi nấng, cho đi học và thi đỗ bằng Thành Chung, dạy học ở Trường Đồng Khánh, Huế. Vào những năm ấy (1927-1928), bà là người phụ nữ đầu tiên của huyện Đại Lộc có văn bằng Tây học đến mức đó.
Tôi được biết bà vào những năm 1935-1936, khi mỗi kỳ nghỉ hè, bà theo chồng về thăm quê, là làng Bảo An, thuộc vùng Gò Nổi. Ông Phan Thanh và cha tôi (ông Phan Khôi) là anh em chú bác, nhà ở gần nhau, chỉ ngăn cách bởi một hàng keo xanh tốt.
Ông Phan Định, thân sinh của chú Thanh, qua đời đã lâu, chỉ còn bà mẹ già, người thấp nhỏ, lưng hơi còng, được người làng gọi là bà Biện Chín. Tôi thích sang chơi nhà bà những dịp chú Thanh đưa cả gia đình về thăm bà. Thím Lê Thị Xuyến là một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh đẹp, nhanh nhẹn, tươi vui, lại dịu dàng. Đối với bọn con nít nhà quê chúng tôi, thím nói năng nhỏ nhẹ, có điều gì chưa biết, thím ân cần chỉ bảo.
Tuy là một phụ nữ trí thức đang dạy học ở Hà Nội, nhưng về quê, thím rất chan hòa, gần gũi với bà con, chuyện trò thân mật, thưa gửi lễ phép, nhất là đối với những bà cô, bà bác, bà thím, bà chị bên chồng. Về quê dịp Tết, ngoài bánh mứt dâng cúng tổ tiên, ông bà, thím còn làm quà cho các cháu nhỏ mỗi đứa một đôi guốc sơn xinh xắn. Ngày mồng Một, thím ăn mặc chỉnh tề, cùng đi với các bà chị dâu, đến thăm, chúc Tết các nhà bà con quanh xóm.
Bà Biện Chín xuất thân từ một gia đình nho học nền nếp ở làng Nông Sơn và là chị ruột của học giả Lê Dư, người hiền lành, phúc hậu, cư xử với con dâu trong nhà cũng như bà con tộc họ rất mực thân tình, hòa nhã, không mếch lòng ai. Bà xem thím Xuyến như con gái, mà thím cũng yêu quý, kính trọng bà như mẹ ruột của mình. Trong thời gian khoảng 10 - 15 ngày ít ỏi về thăm bà, thím muốn làm lụng lặt vặt đỡ tay cho bà, nhưng tính bà lại ưng việc gì cũng tự mình làm lấy. Bà thường dậy rất sớm, nhẹ nhàng khép cửa rồi xuống bếp đun nước, nấu cơm. Thím Xuyến cũng ý tứ, theo bà vào bếp. Bà cười hiền, nói nhỏ nhẹ: “Dậy chi cho sớm, con, có làm chi nhiều đâu”. Thật thế, nhà bà cũng ít việc, chỉ nấu nồi cơm nhỏ, làm vài thức ăn đơn giản, xắt chuối cho heo. Thím cũng biết vậy, nhưng muốn tránh tiếng cho bà là cưng chiều cô dâu thành phố, thím cũng lăng xăng quét dọn, nấu nướng với bà, mẹ con thêm thân mật, gần gũi.
Hằng năm, chú thím mời bà ra Hà Nội chơi, nhưng không chuyến nào bà chịu ở lâu, nhiều lắm là một tháng, bà đã đòi về, chỉ vì “về quê có con gà, con heo, chứ ở ngoài nớ, suốt ngày quanh quẩn trong nhà, ăn uống đủ thứ mà buồn quá”.
Thím Lê Thị Xuyến là một phụ nữ rất có nghị lực. Chú Phan Thanh mất đột ngột ở tuổi 31, thím còn chưa đến 30, một mình phải nuôi dạy hai đứa con nhỏ, thím vẫn bình tĩnh, không hề sầu não đến bi lụy. Ban ngày đi làm việc ở Trường Thăng Long, ban đêm thím còn thức khuya lo làm cho xong sổ sách của nhà trường. Thỉnh thoảng, có điều kiện, thím đưa các con về quê thăm bà để bà vơi bớt nỗi buồn thương nhớ chú.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945 ít lâu, thím về Bảo An mang theo một số báo chí, tài liệu Việt Minh. Thời điểm này, anh ruột chú Thanh là ông Phan Nhụy cùng một số bạn tù ra khỏi trại giam Trà Khê (Phú Yên) về nhà bà Biện bàn bạc với nhau tiếp tục hoạt động đánh Pháp, đuổi Nhật. Trong những ngày tháng 7, tháng 8-1945, tại ngôi nhà này đã diễn ra nhiều cuộc họp, in truyền đơn, may cờ đỏ sao vàng chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Không chỉ ông Phan Nhụy và mấy bạn tù, mà còn có một số thanh niên nam, nữ yêu nước, tiến bộ trong xã và thím Lê Thị Xuyến tham gia.
Cách mạng Tháng 8 thắng lợi. Thím Xuyến được cử làm Ủy viên Ủy ban lâm thời Bảo An. Công việc bề bộn nhưng thím vừa tích cực công tác, vừa tranh thủ hướng dẫn cho chị em phụ nữ cứu quốc xã một số lề lối làm việc, sinh hoạt đoàn thể, vì đối với công tác mới mẻ này, ai cũng còn bỡ ngỡ. Tháng 1-1946, thím trúng cử Đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Nam và là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I cho đến khóa V. Từ 1946 cho đến 1956, thím là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Năm 1994, nhân đọc hồi ức của tôi về quê hương gia đình, thím đã viết thư cho tôi với lẽ vừa thân tình, vừa rất cảm động. Bức thư có đoạn: “... Thím như trông thấy lại trước mắt làng quê Bảo An thân thiết của chúng ta, cái làng được thành thị hóa lúc bấy giờ, trật tự, sạch sẽ, tươi mát, đầy vẻ thanh lịch. Thím nhớ lại những buổi cùng chú Thanh từ Thạch Bộ về, qua Văn Ly, La Kham, đường nắng chang chang, thế mà khi bước tới đầu làng đã thấy mát rượi. Các hàng tre hai bên đường làng chụm ngọn thành vòm cao, tỏa bóng râm, càng thêm đẹp mắt.
Có làng nông thôn nào mà sáng sớm, hàng thịt heo luộc còn nóng hổi, mùi thơm phức, gánh vào tận nhà chào mời, bán cho bà con ăn bữa sáng. Rồi các hàng rong như mì tôm cua, bánh bèo, đậu hủ, xoa xoa, vòng qua đường làng ngõ xóm mời mọc, bán mua thân mật. Mấy nhà bà con mình ở quây quần gần nhau cứ lách qua hàng rào keo phía sau mà qua lại với nhau hằng ngày. Hôm nào nấu hến, luộc nồi hạt mít to, hay bổ quả mít chín ra một rổ thì nhà nọ lại chuyển sang nhà kia hay ới một tiếng là chạy sang cùng ăn với nhau đông vui, thân mật, ấm cúng…”.
Phải là người có tình cảm lắm với quê hương, người phụ nữ ngoài tám mươi xuân mới tả lại rất đúng từng chi tiết sinh hoạt của làng tôi, của bà con chòm xóm tôi năm sáu mươi năm về trước như thế. Lúc đó, đọc thư thím, tôi cảm thấy bùi ngùi vì làng tôi nay đã đổi thay nhiều lắm, qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, kẻ mất người còn, tản mác bốn phương trời.
Người bạn đời thứ hai của thím là ông Lê Văn Hiến, một cán bộ cách mạng quê ở Đà Nẵng, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính trong Chính phủ thời kháng chiến chống Pháp. Những năm sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, hai ông bà vẫn còn khỏe, thỉnh thoảng tôi ghé thăm. Là cán bộ cao cấp nghỉ hưu, cuộc sống và mọi sinh hoạt rất giản dị, tác phong thân mật, gần gũi, cởi mở. Thím hỏi đủ thứ chuyện, nhất là chuyện xây dựng nhà thờ tộc Phan, chuyện di dời và trùng tu mồ mả... Nghe nói mộ bà Biện còn thất lạc trong kháng chiến chống Mỹ, thím lộ vẻ buồn: “… Bà là một bà mẹ hiền đức, hiếm thấy trên đời”.
… Thấm thoắt đã 16 năm thím tôi đi xa. Những phẩm chất tốt đẹp của bà qua các mẩu chuyện đã từ lâu được ghi trong tiềm thức của những đứa cháu như tôi. Bà là một đảng viên trung thành, tận tụy, suốt đời hy sinh cho sự nghiệp của Đảng, một cán bộ phụ nữ nhân hậu đối với bạn bè, đồng chí. Trong gia đình tộc Phan chúng tôi, bà là một nàng dâu dịu hiền hiếu thảo, trung thực, thật thà được nhiều bà con cô bác quý mến, là một tấm gương sáng cho các cháu noi theo.
Phan Thị Mỹ Khanh