Vũ Tông Phan (còn gọi là Võ Tông Phan) tự Hoán Phủ, hiệu Lỗ Am, Đường Xuyên sinh năm Canh Thân (1800), nguyên quán làng Hoa Đường, huyện Đường An sau đổi là làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Do ông nội đỗ hương cống (cử nhân) làm Thị nội Văn chức trông coi việc học hành trong phủ Chúa Trịnh, nên gia đình ông đã di cư ra phường Báo Thiên, sau là thôn Tự Tháp, ven bờ phía tây hồ Hoàn Kiếm. Tại đây, ông theo học danh sĩ Phạm Quý Thích, làm bạn với Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu...
Năm 1825, ông đỗ cử nhân, năm sau đỗ tiến sĩ, được bổ làm quan ở Viện Hàn lâm (Huế). Năm 1827, ông thăng Tri phủ Bình Hòa (Khánh Hòa), rồi Lang trung Bộ Binh, duyệt quyển thi Đình. Năm 1830, ông làm tham hiệp Tuyên Quang, Thái Nguyên. Năm 1832, giữ chức Đốc học tỉnh Bắc Ninh.
Thế rồi, chán cảnh quan trường, năm 33 tuổi, ông cáo bệnh về mở trường Trường Hồ Đình, dạy học ở thôn Tự Tháp ven bờ phía tây hồ Hoàn Kiếm, từ đó người đời gọi ông là ông Nghè Tự Tháp. Học trò ông nhiều người đỗ đạt cao, không chỉ trở thành những trọng thần trong triều Nguyễn mà còn là những văn thân, sĩ phu yêu nước thương dân, kiên quyết đứng vào phe chủ chiến chống quân xâm lược Pháp, điển hình như Hoàng giáp Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Tư Giản, Hoàng giáp Đốc học Hà Nội Lê Đình Diên, các Phó bảng Phạm Hy Lượng, Dương Danh Lập, các Cử nhân Vũ Duy Ninh và Ngô Văn Dạng...
Ông là một nhà hoạt động văn hóa lỗi lạc trong nửa đầu thế kỷ XIX. Trước tình trạng sa sút của Hà Nội về văn hóa - xã hội (do chủ trương hạ thấp văn hóa Thăng Long, độc tôn văn hóa Huế), ông đã cùng các danh sĩ như các Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, Lê Duy Trung, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu... tập hợp sĩ phu khởi xướng công cuộc chấn hưng văn hóa Thăng Long.
Ngoài ra, ông còn chủ trì việc dựng Văn chỉ Thọ Xương (năm 1836) và sáng lập đền Ngọc Sơn (năm 1841), chủ yếu dùng làm những trụ sở hoạt động chấn hưng văn hóa Thăng Long. Đền Ngọc Sơn tương truyền là đài câu cá dưới thời Lê Trịnh, về sau trở thành ngôi chùa của gia đình một nhà nho quê ở Thường Tín; về sau, người này nhượng lại cho Hội Khuyến thiện do Vũ Tông Phan làm Hội trưởng. Từ đây, Ngọc Sơn được sửa thành đền, là trụ sở của Hội Khuyến thiện, một tổ chức của các sĩ phu
danh tiếng đất Thăng Long lúc đó.
Về sau triều đình vời ông ra, nhưng ông từ chối, được vua Tự Đức ban bốn chữ “Đào thục hậu tiến” (rèn giũa, giáo dục những điều thuần hậu, cao đẹp cho đời sau). Ông mất năm Tân Hợi (1851), thọ 51 tuổi.
Vũ Tông Phan còn là một nhà thơ lớn của đất Thăng Long, là bạn xướng họa với Thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu), Thánh Quát (Cao Bá Quát).
Ông để lại khoảng 300-400 bài thơ, được người đời sau đánh giá là có nhiều suy ngẫm độc đáo, mang tính triết lý sâu sắc về thế sự. Thơ ông đầy trăn trở trước nhân tình thế thái và những định hướng hoạt động văn hóa, giáo dục, của cả một lớp người tâm huyết với di sản văn hiến của dân tộc, biết đồng tâm hiệp lực để gìn giữ và phát huy di sản quý giá ấy. Những tác phẩm tiêu biểu: Tô Khê tùy bút tập; Lỗ An di cảo thi tập; Thăng Long hoài cổ; Kiếm hồ thập vịnh…
Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 414m, rộng 5,5m, từ đường Vũ Đình Long đến đường Hồ Học Lãm, khu dân cư bắc và nam Phan Bá Phiến, thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 80/2009/NQ/HĐND ngày 9-7-2009 về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC