.

Kỷ nguyên quản lý nước

.

Chẳng phải “ngẫu nhiên” mà LHQ chọn năm 2013 là năm hợp tác quốc tế về nguồn nước. Những thống kê và dự báo về nguồn nước của các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải thay đổi liên tục trong vòng một năm qua.

Năm 2012, LHQ tự tin tuyên bố, 1 trong 7 mục tiêu thiên niên kỷ là giảm một nửa số người không có nước sạch vào năm 2015 đang tiến tới rất gần bởi vì “chỉ còn” 783 triệu người. Vậy mà trong hội nghị do WHO tổ chức tại Gyeonbuk Daegu (Hàn Quốc) trong hai ngày 14 và 15-5 vừa qua, WHO phải điều chỉnh số liệu từ 783 triệu người lên 2,4 tỷ người - tức chiếm 1/3 dân số toàn thế giới không có nước sạch để uống.

Quân đội Thái Lan chở nước sạch đóng chai tới vùng dân cư thiếu nước sạch.
Quân đội Thái Lan chở nước sạch đóng chai tới vùng dân cư thiếu nước sạch.

Nguyên nhân ban đầu vẫn là biến đổi khí hậu dẫn tới hạn hán kéo dài, nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và cả công nghiệp tăng quá cao. Nhưng LHQ nhận định khả năng quản lý nguồn nước không đồng bộ là nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng nguồn nước. Phần lớn các chuyên gia nhận định vấn đề nước sạch có thể nâng mức báo động an ninh toàn cầu từ vị trí thứ tư lên vị trí thứ hai trong thời gian tới. Dự báo tới năm 2025, có tới 2/3 dân số thế giới sẽ phải đối diện với sự khan hiếm nước sạch nếu chúng ta không hành động kịp thời và quyết liệt.

LHQ cho đây là thời điểm bắt đầu kỷ nguyên về quản lý nguồn nước và bên cạnh đó là tăng cường hợp tác. Một nghiên cứu về khủng hoảng nguồn nước ở Nam Phi cho biết, cứ 1% nguồn nước mất đi là “cuốn” theo 200.000 việc làm, giảm GDP 5,7% và tăng chi phí của chính phủ lên 5%. Trên toàn thế giới, có tới 60% lượng nước mất đi là do ống dẫn bị rò rỉ, tương đương 14 tỷ USD mỗi năm. Chính vì thế, LHQ cho biết cần phải mở rộng khả năng tăng cường hợp tác thông qua các kênh giáo dục, ngoại giao, quản lý và tài chính.

Thách thức về nước đang ngày một lớn khi chúng ta đang ở trong thời kỳ dữ liệu được ghi nhận rất nhiều và kỹ lưỡng, khả năng phân tích sâu rộng. Hai thứ đó giúp cho chúng ta có thể thay đổi và tối ưu hệ thống nước chảy. Tuy nhiên, yếu tố kỹ thuật đó sẽ không đạt kết quả tốt nếu con người không chấp nhận hợp tác để giải quyết khủng hoảng nước một cách tốt nhất.

ANH THƯ (Theo Le Monde)

;
.
.
.
.
.