Cái quà Tết Trung thu đầu tiên tôi biết đến là… nải chuối chín vàng ươm ở ngôi chùa làng. Nào phải chỉ ngần ấy đâu, còn những bài ca nữa chứ! Nhưng lại chẳng phải là những bài ca hát về Tết Trung thu, mà bài ca cũng của… chùa nốt, tức là bài ca hát về Phật: Dòng Ô Nô Ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh… Hình như sự “lãng mạn” của tuổi thơ tôi nghiêng về chiều hướng… ăn uống và ngu ngơ ca hát hơn là biết thưởng thức mọi thứ khác. Ví như ánh trăng thu dẫu có đẹp đến nhường nào, cũng không bằng nải chuối chín vàng ươm trên tay bác hộ tự (người lo công việc của chùa) đứng giữa sân chùa bẻ từng trái chia đều cho lũ trẻ con trong làng… ăn Tết Trung thu.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Giờ ngồi kể lại, lũ con cháu nhà tôi nghe cứ như là nghe chuyện cổ tích. Có đứa thậm thụt xầm xì với nhau: “Tết Trung thu gì chỉ toàn chuối với chuối”. Thôi thì, cổ tích vậy! Giữa bánh trái ê hề các loại, và tràn ngập những thứ đồ chơi trẻ con như: đèn ông sao nhấp nháy, xe gắn pin chạy hú còi inh ỏi, súng điện tử nổ chát bùm phun lửa sáng rực…, thì những chuyện cổ tích như thế này, cũng tỉ như ngọn heo may gieo vào đâu đó chút ngày xưa se sắt.
Cho đến tuổi lên năm lên bảy, tôi mới phát hiện ra cả một vườn trăng lấp lánh vung vãi ánh vàng đầy trong vườn mẹ. Vườn nhà mẹ tôi chỉ trồng toàn chuối, bốn phía tre xanh che chắn thành tường rào. Cố nhiên là chuối chín trong vườn các loại như: chuối tiêu, chuối cau, chuối hờn, chuối mốc… tôi ăn không biết cơ man nào nhớ nổi, nhưng kỳ lạ thay, chuối ở chùa làng vào dịp Tết Trung thu mới là thứ chuối ngọt lịm ngây ngất tâm hồn. Cái làng quê nghèo gieo neo bên bờ sông Vu Gia như làng tôi thời xưa ấy, cái ăn cái mặc còn không no đủ, vì vậy chuyện lo Tết Trung thu cho tuổi thơ chẳng mấy ai để ý tới. Mà người lớn đã thường quên như thế, thì lũ trẻ con trong làng lấy gì để nhớ nếu như không có ngôi chùa làng để chúng tôi tụ tập lại ca hát dưới ánh trăng rằm. Làng nghèo nên chùa làng cũng nghèo theo. Dân làng, con nhà Phật làm ra lúa ra bắp thì cúng dường lúa bắp, vườn tược có trái mít nải chuối thì cúng dường chuối mít. Tuổi thơ tôi chưa từng thấy có vị thầy hay một ni cô nào về trụ trì ở chùa làng. Việc chùa chỉ có một ban hộ tự, mà sau này lớn lên tôi mới hiểu, đứng ra lo chuyện kinh kệ lễ lạc. Có lẽ nhiều sinh hoạt khác của xã hội thời ấy cũng nương nhờ vào mái hiên chùa, đại loại như Tết Trung thu cho trẻ em trong làng hằng năm là cả một thiên đường trong ký ức tuổi thơ tôi.
Mới độ hơn quá nửa chiều là mọi sự chờ đợi, mọi niềm nôn nao đón Tết Trung thu của lũ trẻ con chúng tôi đã òa vỡ khắp sân chùa. Cái sân khấu cho đêm văn nghệ được dựng lên ở một góc sân trước thềm hiên đã làm xong tự bao giờ. Trong khi mấy anh chị lớn tuổi, người lo treo phông màn, người lo treo đèn măng-xông (manchon) để tối thắp lên, thì bác hộ tự già đã bưng mấy cái mủng chất đầy chuối chín ra đứng giữa sân, tập họp chúng tôi lại đứng thành hàng để phát quà Tết Trung thu. Thời xưa ấy làm gì có đoàn thể thanh niên để mà hướng dẫn hoặc tập tành cho bọn trẻ chúng tôi sinh hoạt ca hát. Cái bài hát Dòng Ô Nô Ma mà tôi thuộc nằm lòng là từ cái sân khấu văn nghệ trên sân chùa làng này đây. Cứ theo mấy anh chị phật tử hát, mãi rồi thành ra lắng sâu vào trí nhớ. Đấy cũng là cái duyên lành tôi chạm ngõ từ bi từ buổi da thịt còn thơm tho mùi sữa. Chúng tôi ngồi trước sân khấu bóc từng trái chuối chín đựng đầy trong túi áo túi quần của mỗi đứa ra ăn, chờ đến khi chiếc đèn măng-xông thắp sáng lên để được xem văn nghệ. Hình như trăng rằm đã lên tự lúc nào tôi chẳng hề hay biết. Con mắt trẻ thơ lại thêm lần reo lên khi chiếc màn sân khấu được kéo ra. Và cứ thế, chúng tôi vỗ tay hò reo vang trời sau từng màn trình diễn - một thứ thanh âm trong veo lấp lánh niềm thơ dại như suối khe róc rách buổi đầu nguồn. Cho đến khi đêm văn nghệ qua rồi mà lũ trẻ chúng tôi chẳng ai chịu về, mải mê chạy nhảy trong sân chùa, nô đùa dưới ánh trăng rằm khuya khoắt như muốn níu kéo chút hương mùa thu tinh khôi còn ở lại mãi bên mình.
Cái chùa quê - một mảnh linh hồn của làng tôi, một góc trời thiên đường của tuổi thơ tôi, rồi cũng theo thời gian “biển đã xanh dâu”! Trải qua bao cuộc nguy biến thiên tai và chiến tranh đổ nát dằng dặc có hơn nửa thế kỷ. Ngày bình yên tôi về thì ngôi chùa làng năm xưa chỉ còn trơ vơ cái nền đất đá loang lổ. Mãi đến gần hai mươi năm sau, nhờ công đức của tứ chúng mười phương chung sức với dân làng, ngôi chùa mới được phục dựng trên cái nền cũ. Bây giờ thì làng hóa phố khắp nơi, Trung thu điện đóm sáng rực một vùng trời, những món quà Tết Trung thu cũng ngổn ngang màu sắc bánh trái các loại. Ngôi chùa làng tôi bây giờ cũng đã có vị ni cô trẻ về trụ trì, chẳng quạnh quẽ như ngày xưa. Nhưng sao trong mọi thứ đủ đầy nhóm màu hiện đại ấy, tôi vẫn thấy trống vắng. Thấy khuyết một chỗ đứng chỗ ngồi, một reo vui như tiếng vang ngân đâu đó. Sân chùa quá đỗi mênh mông hay gió heo may chưa về!
NGUYỄN NHÃ TIÊN