.

Một góc nhìn mới rất đời, rất nghề

.

Đời và Nghề (Nhà Xuất bản Văn học, 2013) là cuốn sách thứ hai của Phạm Quốc Toàn tiếp sau cuốn Tản mạn về Đời (2012), tác phẩm được sự hoan nghênh và đồng cảm của bạn bè, đồng nghiệp, độc giả - mà tôi từng mạn phép có lời bình: Đời dĩ nhiên là Người nhưng Đời ở đây cũng là Nghề, cái nghề báo đầy đam mê và lắm gian truân mà tác giả đeo đẳng trọn đời.

 

Cuốn sau tương đồng cuốn trước ở chất nhân văn trong cảm nhận, tấm lòng đôn hậu với đời, với bạn, cái giọng thủ thỉ tâm tình. Cái khác, nếu cuốn trước dành nhiều trang nhớ về người thân, bằng hữu không ít vị đã khuất bóng từ lâu, hơi văn trữ tình có khi hoài niệm, thì cuốn sau bàn chuyện đời chuyện nghề đang diễn ra sôi động quanh ta, văn thoáng hoạt, giàu chất trào lộng, một thứ quý hiếm trong văn chương nước ta thời nay; trào lộng Phạm Quốc Toàn không những có duyên mà còn thấm đậm nhân tình.

Viết về người đã khuất, có đủ độ lùi thời gian để nhân vật hiện lên trắng đen rõ nét trong tâm trí ta; viết về nghề, về bạn ta tiếp cận hằng ngày dễ bị chi phối bởi buồn vui giận ghét. Đã thế, các vị khuất núi, nhỡ người viết có điều gì không phải, chẳng lo các cụ tung mồ ngồi dậy dạy bảo. Trong khi những nhân vật đang sống được tái hiện vào văn chương, đụng đến thói tật của ai, tránh sao khỏi phản xạ tự nhiên, gặp người nóng tính nổi khùng đòi làm to chuyện là khác - những việc ấy giả sử có xảy ra, âu cũng là chuyện… đời thường. Tác giả đã xử lý khéo cái khó xử. Những nhân vật này anh trân trọng tính danh đầy đủ, thời điểm chuẩn xác, hội đủ 5W; những nhân vật kia lại thay tên đổi họ, viết tắt, thậm chí phiếm chỉ, nhiều sự việc tác giả làm như nói trống không giữa trời. Dù vậy bạn cùng nghề đọc vẫn nhận ra nguyên mẫu, và nhiều người trong cuộc chỉ biết cười trừ. Vả chăng chẳng mấy ai nỡ để bụng giận anh. Người viết tùy bối cảnh, làm như lúc tỉnh lúc say, có khi cố tình chập chập một chút, đời thật nghề thật vẫn hiện lên rõ mồn một. “Cuộc đời - chuyện nghề. Hâm và không hâm? Vui buồn nào ai biết?”. Xin trăm phần chia sẻ tâm tư tác giả Đời và Nghề. Tuy nhiên hãy yên tâm đi, anh Phạm Quốc Toàn ơi, chẳng có gì người dân không biết.

Những câu chuyện bếp núc, chuyện đời, chuyện bạn, chuyện nghề, mang ra hàn huyên nơi quán nhậu cuối tuần, trước bàn dân thiên hạ, thế tất anh em, đồng nghiệp ít nhiều cũng có hay. Duy những chuyện trớ trêu như tòa soạn báo nọ mở Văn phòng đại diện tại thành phố to nhất nước, khai trương rất đình đám rồi mất tăm lúc nào, lặng yên tựa mặt nước ao bèo; chuyện chia phần (chia địa hạt và chia phần trăm) khi các nhà báo được phân công đi tìm quảng cáo; hay cảnh mấy chị em thân thiết vác ghế ục nhau ngay giữa tòa soạn chỉ vì thói quen hay “tám” - từ này thời đại lắm, tôi thú thật không rành, có phải đồng nghĩa “buôn dưa lê” hay nội hàm phong phú hơn, hiện đại hơn, dữ dội hơn? Rồi chuyện một số Tổng biên tập báo địa phương nào đó giao ước với nhau “nối vòng tay lớn”, luân phiên gặp mặt, và đã ngồi vào nhậu thì nhậu kỳ tới bến mới thôi. Muốn có bạn nhậu, tất phải “rèn cán chỉnh quân”, bậc đàn anh tập cho đồng nghiệp lớp em, tửu lượng lúc vào nghề chỉ cần “cạn một chén đế làng Vân”, đã đủ buộc bạn nhậu phải bế lên giường, anh bạn trẻ ấy nhờ được đàn anh rèn cán, chỉ sau hai năm “trở thành kỳ phùng địch thủ, mấy tay chơi báo bạn đến giao lưu cứ gọi anh này là bậc sư phụ”… Những câu chuyện như trên, tác giả nếu không phải là người nhiều năm đứng ở trung tâm đời sống báo chí nước nhà, làm sao có thể viết. Chuyện cười mà tuôn nước mắt, chuyện đau lòng lại hả dạ bởi có người nói hộ ta, Phạm Quốc Toàn không ngần ngại mang ra trình làng.

Một tác giả nước ngoài lừng danh từng có câu nói bất hủ đã đi vào sách giáo khoa: Nhà báo là thư ký của thời đại. Chí lý chí tình. Tuy nhiên cá nhân tôi chưa bao giờ dám viện dẫn đến câu danh ngôn, bởi những lo sẽ lố bịch khi tự mình khoa trương cái nghề vừa sang vừa mọn của mình. Đời và Nghề của Phạm Quốc Toàn không bàn quốc gia đại sự, vậy mà đọc xong tôi thấm thía, giả thiết có nhà làm sử nào muốn tái hiện diện mạo văn hóa tinh thần nước Việt Nam ta đang ngày đêm chuyển động hội nhập, vào những năm giao thoa hai thiên niên kỷ, chắc không thể không cần đến cuốn sách thực như đời thường mà ảo tựa cổ tích của ký giả thâm niên.

 Sách in đẹp, trình bày trang nhã, mỗi bài kèm theo một minh họa, làm bật lên tiếng cười sâu lắng (*)…

PHAN QUANG


(*) Những câu trong dấu ngoặc kép là trích lời tác giả Phạm Quốc Toàn.

;
.
.
.
.
.