Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh ngày 25-8-1935 ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Ông là tác giả nhiều bài thơ tình nổi tiếng từ thời chiến tranh, đặc biệt là Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, về sau là Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn… Ông còn là dịch giả rất có duyên về văn học Trung Quốc đương đại. Văn chương Hoài Vũ luôn tự nhiên, trẻ trung, da diết và nhân hậu như chính con người của ông.
Nhà thơ Hoài Vũ. |
Đã tròn 78 tuổi mà trông nhà thơ Hoài Vũ vẫn rất mạnh khỏe, lạc quan yêu đời, nụ cười lúc nào cũng tươi trên môi. Trong chuyến thăm căn cứ văn nghệ ở Củ Chi mới đây, lão nhà văn đã hòa nhập một cách “khỏe khoắn” với các bạn văn trẻ TP. Hồ Chí Minh, lòng ông sống lại những ký ức đẹp và bi tráng của một thời oanh liệt mà ông đã trải qua chính tại vùng đất thép này.
Dù sinh trưởng ở miền Trung nhưng sự nghiệp cách mạng và văn chương của Hoài Vũ hoàn toàn gắn với Nam Bộ. Ông là một trong những văn nghệ sĩ hiếm hoi có mặt xuyên suốt chiến trường chống Mỹ, trải qua những thời điểm gian khổ và ác liệt nhất. Thực tế đau thương và hào hùng của chiến trường đã giúp Hoài Vũ trưởng thành và viết nên những tác phẩm trung thực, sâu sắc. Trong câu chuyện với tôi, nhà thơ Hoài Vũ thổ lộ:
- Một điều tôi lấy làm tự hào là tất cả tác phẩm của mình đều được kết tinh từ tấm lòng và vốn sống thực tế chớ không phải bịa đặt. Đó là vốn sống của chính tôi, vốn sống của đồng đội và nhân dân ngay trên chiến trường khắc nghiệt nhưng cũng đầy tình yêu thương.
* Nói đến Hoài Vũ là người yêu thơ nghĩ ngay đến bài thơ Vàm Cỏ Đông, một trong những bài thơ tình hay nhất trong nền thơ chống Mỹ. Thưa nhà thơ, ông nhớ gì về hoàn cảnh ra đời của bài thơ này?
- Cuối năm 1963, tôi có mặt ở chiến trường Nam Bộ. Vào một đêm tôi cùng Giang Nam qua sông Vàm Cỏ Đông trong sự rập rình của tàu địch, về nằm giấu mình trong một chòi vịt của dân giữa đồng. Đêm ấy, Giang Nam viết bài thơ Qua sông Vàm Cỏ, còn tôi thì hoàn thành Vàm Cỏ Đông. Bài thơ được sáng tác rất nhanh. Một hôm khác, giữa lúc tôi và Giang Nam đang đi thì nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài Vàm Cỏ Đông. Giang Nam mang bên mình chiếc radio, kêu tôi lại cùng nghe. Nghe thơ Vàm Cỏ Đông lúc đang chiến đấu ở Vàm Cỏ Đông thì sướng biết chừng nào.
Năm 1966, nhạc sĩ Trương Quang Lục khi ấy đang là kỹ sư hóa chất nhà máy Lâm Thao, tình cờ nghe nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm Vàm Cỏ Đông trên Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi sau đó được đọc bài thơ này trên báo Văn nghệ, anh ấy xúc động phổ nhạc. Lần đầu tôi được nghe bản nhạc Vàm Cỏ Đông phát trên đài cũng vào một đêm cùng với Giang Nam bên sông Vàm Cỏ Đông.
* Ông là một trong những văn nghệ sĩ bám trụ xuyên suốt chiến trường Nam Bộ, trải qua những thời điểm khốc liệt nhất của lịch sử. Nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống, trong đó có những tên tuổi như Trần Hữu Trang, Nguyễn Thi, Lê Vĩnh Hòa, Lê Anh Xuân,… Được còn lại với hôm nay, ông có nghĩ mình may mắn?
- Đúng là số tôi may mắn. Nhiều lần tôi thoát chết trong gang tấc. Có lúc tôi đang đi thì bị bom B52 hất lấp, may có bụi le ngã gần, tôi liền níu ngoi lên chớ không đã toi mạng. Một lần khác tôi qua sông Bé, nước chảy mạnh làm đứt dây mây, tôi trôi giữa dòng nước lồng lộn, nhưng may tấp vào một gốc cây to…
Tôi nhớ nhất là những lúc đi chiến trường ba bốn tháng bám dân, có những vùng bị đánh trắng, không còn sự sống, khi nước lên thì nhìn những dòng kênh rất thơ mộng, nhưng lúc nước rút thì xương người trắng xóa, có cả những mái tóc dài thiếu nữ quấn vào thân tràm. Đau lòng lắm. Dù vậy, người dân vẫn cố bám đất, bám làng, cày cấy dưới làn bom đạn, không chịu vào ấp chiến lược. Từ đau thương đó mới thấy sự vĩ đại của một dân tộc không chịu khuất phục trước ngoại xâm. Và cứ mỗi chuyến đi thực tế như vậy tôi đã viết được năm bảy truyện ngắn, bút ký và vài bài thơ…
* Chiến tranh đã lùi xa. Bây giờ, mỗi khi có dịp hồi tưởng về chiến trường xưa, nhất là hoạt động văn nghệ trong bưng biền, thì hình ảnh đẹp của những đồng nghiệp nào thường đến trong tâm trí ông?
- Tôi nhớ anh Lý Văn Sâm, một nhà văn có tài, một chiến sĩ cộng sản vào tù ra khám suốt đời bám trụ chiến đấu với tất cả tấm lòng. Tôi cũng quí anh Trang Thế Hy, một cây bút tâm huyết, đáng trân trọng. Anh Đoàn Giỏi, một tài năng văn chương đích thực. Anh Nguyễn Văn Bổng, một nhà văn gốc Quảng Nam nhưng chí cốt với Nam Bộ, bất cứ nơi nào cần đến là anh có mặt. Và không thể quên anh Giang Nam, một con người chơn chất, bình dị, sống có tình, gắn bó mật thiết với nhân dân. Giang Nam với tôi có đầy ắp kỷ niệm với nhau trên chiến trường Nam Bộ. Còn nhiều và nhiều nhà văn đáng nói đến nữa, nhất là những người đã đem sinh mạng của mình đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Không chỉ làm thơ, viết văn, Hoài Vũ còn được biết đến như một dịch giả rất có duyên với văn học Trung Quốc đương đại, mới đây tập truyện dịch Gió mưa đưa đẩy đôi ta của ông được ấn hành năm 2013. Ông nói: “Văn học Trung Quốc được dịch ở nước ta đã trở thành truyền thống, nhất là văn học cổ điển. Trước năm 1975, sách văn học Trung Quốc tràn ngập Sài Gòn; bên cạnh văn học cổ điển là các tác phẩm đến từ Đài Loan, Hong Kong mà tiêu biểu là hai tác giả Kim Dung và Quỳnh Giao. Có cả sách đồi trụy, như bộ Hoa Hoa công tử của Hạ Phi rất dung tục, thác loạn. Tuy nhiên, chỉ có các tác phẩm kinh điển mới đứng vững lâu dài trong lòng bạn đọc”.
Một điều mà tôi cùng nhiều bạn đọc ngạc nhiên là vì sao với những đóng góp không nhỏ và ấn tượng của nhà thơ Hoài Vũ cho nền văn học cách mạng, mà cho đến nay ông vẫn chưa được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật? Giữa bom đạn chiến trường ông may mắn sống sót, với bạn đọc ông may mắn có những tác phẩm được mến mộ, còn với giải thưởng này thì phải chăng ông không may mắn như nhiều đồng nghiệp?
PHAN HOÀNG