.

Sinh viên nghiên cứu khoa học Vì lợi ích cộng đồng

.

Hiện nay, các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên, đặc biệt là sinh viên khối ngành kỹ thuật yêu cầu phải có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, thậm chí phải có cả sản phẩm hoàn chỉnh. Chính vì vậy, đây không đơn thuần chỉ là phong trào, là sân chơi mà thực sự là một thử thách của sinh viên.

Thiết kế hệ thống điều khiển xe lăn đa chức năng, đội Three Idiots Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, giải nhất MCU 2013 sau khi vượt qua 9 đội mạnh nhất ở vòng chung kết, được đánh giá cao về tính ứng dụng.
Thiết kế hệ thống điều khiển xe lăn đa chức năng, đội Three Idiots Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, giải nhất MCU 2013 sau khi vượt qua 9 đội mạnh nhất ở vòng chung kết, được đánh giá cao về tính ứng dụng.

Đề cao tính ứng dụng trong thực tiễn

Ngoài một số cuộc thi như giải thưởng Loa Thành, tài năng NCKH trẻ của Bộ GD&ĐT, Robocon… sinh viên (SV) học các ngành kỹ thuật còn có cơ hội thể hiện sự sáng tạo ở một số cuộc thi khác như Holcim Prize, Honda yes award, thi thiết kế hệ thống các chip vi điều khiển (MCU).

Giải thưởng Holcim Prize tôn vinh 3 vấn đề là ý tưởng của SV về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và lợi ích cộng đồng. Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng là một trong 7 trường đại học trong cả nước được tham gia cuộc thi này. Năm 2012 một nhóm SV của trường đã đoạt giải khuyến khích về đề tài nghiên cứu sản xuất biochar cải tạo đất nhiễm mặn. Và năm nay một nhóm SV khác đoạt giải Bảo vệ môi trường của cuộc thi này khi nghiên cứu sản xuất tấm panel từ phế phẩm nông nghiệp để làm tường cách nhiệt.

Tính ứng dụng trong NCKH được xem như là một tiêu chí để nhiều đề tài nghiên cứu vượt qua các vòng loại để tiến gần hơn đến giải thưởng, và cơ bản là sản phẩm từ phòng nghiên cứu đã gần với thực tiễn hơn. Cách đây 1 tuần, tại vòng chung kết cuộc thi Thiết kế ứng dụng với MCU (vi điều khiển) tại Việt Nam do Texas Instruments (TI) – công ty điện tử bán dẫn và công nghệ xử lý tín hiệu số hàng đầu thế giới - tổ chức tại ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, đội Three Idiots, ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã giành vị trí quán quân. Đây là dự án hệ thống trợ giúp đa chức năng cho người tàn tật, giới thiệu một loạt xe lăn mới giúp người tàn tật cũng như các bệnh nhân có thể tự di chuyển mà không cần trợ giúp.

TS Phạm Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm xuất sắc, Trường ĐH Bách khoa, nhận xét: Những sản phẩm đã vượt qua sự chấm chọn gắt gao của cuộc thi thiết kế MCU của TI đều là những ý tưởng hay, có tính thực tiễn cao, có thể tạo thành sản phẩm nếu được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Trong đó, có những ý tưởng có thể chuyển giao ngay công nghệ. Chẳng hạn với đề tài nghiên cứu “A Wirelee ECG” (Hệ thống đo điện tim và giám sát cảnh báo qua giao tiếp không dây), nhóm tác giả Trà Khuê, Nguyễn Duy Khiêm và Lai Thị Kim Phụng - SV khoa Điện tử - Viễn thông Trường  ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã đạt giải ba ở vòng chung kết toàn quốc năm 2012. Lai Thị Kim Phụng, đại diện nhóm cho biết: “Từ ý tưởng theo dõi bệnh té, ngã của người già bằng hệ thống quay camera của các anh chị đi trước, chúng em đã nghĩ ra ý tưởng sáng chế loại máy có thể đo điện tim và giám sát cảnh báo nó bằng giao tiếp không dây. Qua tìm hiểu, chúng em được biết bệnh tim mạch là một căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Hằng năm, có khoảng 200.000 ca đột quỵ do bệnh tim mạch gây ra… Trong khi đó, thiết bị đo điện tim hiện nay rất đắt và cồng kềnh, chỉ có ở bệnh viện”. Với sản phẩm thiết kế của nhóm Khuê, Khiêm và Phụng, mọi người, đặc biệt là người già, có thể đo và theo dõi điện tim ngay tại nhà bằng hệ thống không dây với giá rất rẻ, rất thuận tiện. Ngoài ra, với việc đặt thêm một máy tính chủ tại phòng trực của bệnh viện, thiết bị này có thể giúp đội ngũ y bác sĩ theo dõi kịp thời diễn biến bệnh tim mạch của các bệnh nhân, góp phần giải quyết được vấn đề thiếu đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện, trung tâm y tế hiện nay…

Hay như với thiết kế Ultrasound anh human-computer interaction (Tương tác giữa con người với máy tính dựa trên kỹ thuật sóng siêu âm) cũng được đánh giá cao về tính nhân văn cũng như khả năng ứng dụng cao. Nhóm đã làm ra một hệ thống điều khiển máy tính bằng cử chỉ giúp những người bị khuyết tật hoặc vì lý do sức khỏe sử dụng bằng tay khó khăn có thể sử dụng được máy tính thông qua cử chỉ. Thiết bị rất nhỏ gọn, được tích hợp thông qua USB, có giá thành khá thấp. Thiết bị này còn phục vụ hiệu quả cho việc trình chiếu, thuyết trình tại các hội nghị, hội thảo.

Dạy SV phương pháp NCKH

Kể từ khi chuyển sang phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) còn đưa nội dung về phương pháp học tập và NCKH vào giảng dạy thành học phần tự chọn. TS Võ Như Tiến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, riêng phần phương pháp NCKH, mỗi học kỳ có khoảng 100 SV đăng ký học. SV được hướng dẫn từ cách tìm kiếm đề tài từ thực tiễn, cách thức tư duy, phương pháp tìm kiếm tài liệu có liên quan, mục tiêu, phương pháp tiến hành cho đến cách thức viết báo cáo…

Trong khi đó dù Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tuy không tổ chức thành môn học cụ thể, nhưng SV được tiếp cận với phương pháp NCKH thông qua nhiều kênh khác nhau trong quá trình học. Trong đó, Phòng Khoa học của trường sẽ hỗ trợ cho SV cách thức trình bày còn phương pháp nghiên cứu, SV sẽ được hướng dẫn theo khoa chuyên môn.

Theo đánh giá của TS Võ Như Tiến, khoảng 3 năm trở lại đây, các đề tài NCKH của SV ngày càng sát sườn hơn với thực tế cuộc sống, phục vụ trở lại cho quá trình dạy - học, bớt tính lý thuyết và hàn lâm. Điều này chứng tỏ SV đã dành nhiều thời gian tìm hiểu nhu cầu, đòi hỏi trong cuộc sống, nhu cầu trong phát triển KT-XH của địa phương, thực tiễn và yêu cầu của giảng đường, nhu cầu trong sinh hoạt, học tập của chính các em… PGS.TS Võ Chí Chính cho biết, mỗi năm, trường ĐH Bách khoa dành khoảng 200 triệu hỗ trợ cho SV trong NCKH. “Sự hỗ trợ kinh phí của nhà trường căn cứ vào tính ứng dụng của đề tài. Đề tài mang tính ứng dụng cao sẽ được hỗ trợ nhiều”. Ở trường CĐ Công nghệ, mức độ hỗ trợ có thể tương đương với đề tài khoa học cấp cơ sở của giảng viên…

SONG LINH

;
.
.
.
.
.