.

Thư viết từ bệnh viện

.

Đà Nẵng 24-11-2013

Thân gửi Th.

Em và các bạn đến thăm, mình rất cảm động, muốn nói chuyện nhưng sức khỏe chưa cho phép. Mình rất muốn kể em nghe những cảm nhận của mình sau hơn nửa tháng ở Bệnh viện Đà Nẵng nhưng không được phép nói nhiều  nên viết vài dòng chia sẻ với em. Hy vọng là được em đọc như một kênh thông tin cá nhân về một lĩnh vực đang làm tốn nhiều bút mực của dư luận.

Xã hội cần có cái nhìn đúng về những bác sĩ, y tá tận tâm với nghề. Ảnh: THU HOA
Xã hội cần có cái nhìn đúng về những bác sĩ, y tá tận tâm với nghề. Ảnh: THU HOA

Chuyện đầu tiên mình muốn kể Th. nghe là tình cảm giữa con người và con người nơi mình nằm. Tính từ ngày lên bàn mổ đến khi được phép về nhà, mình nằm ở khoa Tiết niệu-Lồng ngực hơn mười ngày. Ở giữa nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh ấy mình vẫn cảm nhận được một niềm lạc quan đầy ý nghĩa không giống như bất kỳ nơi nào khác.

Những lúc tỉnh táo, mình thích nhìn ngắm mọi người chung quanh mình. Bà già nuôi ông già, cậu con trai nuôi mẹ, chú cán bộ nuôi vợ... mỗi người mỗi vẻ, mỗi kiểu nói năng nhưng vẻ mặt ai cũng dịu dàng. Cái đẹp dịu dàng của nỗi khổ và tình thương. Hình như đó là cái Phật tính của từng người được khởi hiện ra trong hoàn cảnh lắm khổ đau này.

Mọi người mời nhau từng trái cam, miếng bánh, nhường nhau cái ghế, chỗ nằm, tranh nhau chạy gọi người nhà, mua giúp tờ báo, tô cháo, rồi chăm bệnh giúp nhau để “đi gội cái đầu”, “đi hút điếu thuốc”. Làm cho người khác mà miệng cười tươi dù mới khóc với người nhà, dù đang lo lũ về nhanh quá, lo sắp hết tiền rồi.

Mình nhớ thời trẻ đọc Sartre mình thích câu: “Địa ngục chính là tha nhân” (Hình như mình cũng có lần giảng cho các bạn câu này). Dần dà với tuổi tác và trải nghiệm chuyện đời, mình hiểu tha nhân là địa ngục nhưng cũng là thiên đường.

Nơi mình đang nằm những ngày này, tha nhân là thiên đường. Chỉ cần một ánh mắt, một cái vẫy tay của người khác là có niềm vui. Ban ngày là thế giới của những người áo trắng: bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc nỗi đau thân xác. Đêm về, người nhà bệnh nhân họp thành một cộng đồng yêu thương, dìu nhau qua những giờ phút đau thương. Mình nói với vợ mình đây là một nơi mà ai cũng thương nhau.

Chắc Th. cũng muốn biết cảm nhận của mình về những người áo trắng? Mình sẽ nói ngay đây nhưng trước hết mình phải “thanh minh” một chút: Mình có người thân, bạn bè là bác sĩ, y tá nên có thể nói là được “gửi gắm”. Tuy vậy những cảm nhận của mình viết ra đây không đến từ những gì chỉ liên quan đến cá nhân mình.

Bắt đầu từ lúc ngọ nguậy ngồi dậy được sau ca phẫu thuật, mình bắt đầu làm quen với “hàng xóm”. Trong nhật ký mình còn ghi rõ. Phía trái mình là Nguyễn Đình Đơn, một cán bộ xã ở Nông Sơn (Quảng Nam), phải mổ cấp cứu do bị kẻ xấu đâm ba nhát từ sau lưng suýt chết. Anh này phục hồi chậm và khi ngồi dậy được thì chén sạch một tô bún giò. Đối diện mình là một ông trạc tuổi mình tên Nguyễn Văn Tám ở Điện Bàn (Quảng Nam) phải mổ u, cắt bỏ một quả thận. Ông này kêu bác sĩ, y tá suốt đêm. Bên phải mình là một chú trung niên rất cường tráng tên Nguyễn Hữu Châu ở Liên Chiểu (Đà Nẵng). Ông Châu chống bão, bị té từ mái nhà, xương sườn xóc vào phổi. Cả ba trường hợp đều thuộc loại bệnh nặng và được các bác sĩ, y tá chăm sóc rất chu đáo không thua chi mình là “loại được gửi gắm”. Mình hỏi thử cả ba vị thì chẳng ai biết tên những bác sĩ đã mổ cho mình. Ông Châu  nói rất tự nhiên là trước khi được gây mê chỉ nhớ có hai ông hỏi nhau đã ăn mì tôm chưa. Hôm ấy là thứ bảy, cả thành phố đang gồng mình chống bão mà!

Trò chuyện với nhiều người, mình biết Khoa này có một ê-kíp bác sĩ tuy còn khá trẻ nhưng rất vững vàng về chuyên môn. Bác sĩ Vũ chuyên về lồng ngực, bác sĩ Nguyên chuyên về thận. Rồi bác sĩ Phượng, bác sĩ Bình. Tất cả đều rất đẹp, rất sáng trong chiếc áo blouse trắng. Nhìn họ hỏi thăm bệnh nhân và ứng xử với người nhà nuôi bệnh, mình cứ mong sao bác sĩ nào của mình, ở đâu, lúc nào cũng được như họ thì thật là hạnh phúc cho ngành y. Rồi các cô điều dưỡng mà mình trông thấy gần như thường xuyên. Cứ mở mắt ra là nhìn thấy hoặc cô Cúc hoặc cô Lãng hoặc Nhung hoặc Phương. Cô Cúc rất nghiêm, nói năng rành rọt mình không dám đùa, chỉ biết thực hiện y lệnh. Cô Lãng ít nói, đi đứng nhẹ nhàng, duyên dáng y như một bà Tôn nữ. Nhung và Bích Phương là hai y tá trẻ luôn xưng cháu và năn nỉ với mọi người. “Bác xoay lưng lại giùm cháu chút!”, “Hết giờ rồi mời mọi người ra ngoài giùm cháu xí!”... Ai đã dạy cho các cô  cách nói dịu dàng, nhã nhặn như vậy? Mình nghĩ chắc không phải từ những quy định khô khan của ngành mà xuất phát từ tấm lòng của các cô hiểu được nỗi đau của người bệnh và thân nhân. Mình cũng sẽ không bao giờ quên cô Hải, người hộ lý luôn cười rất tươi với mọi người. Đưa bệnh nhân đi xét nghiệm, chụp phim, đón bệnh nhân mới, thay áo quần, khăn trải giường, lấy cái bô, rót giúp ly nước, chuyện gì cũng đến tay cô và cô làm với nụ cười trên môi.

Mình thật sự xót xa khi biết chuyện Huyền và Trí - hai y tá học việc hơn hai năm nay.  Trí mang kính cận y như sinh viên, ít nói, chỉ cặm cụi làm, thỉnh thoảng còn bị mắng oan. Huyền có khuôn mặt rất duyên, nhà ở tận Hòa Phú, “được cha mẹ nuôi cơm, cho tiền đổ xăng”.  Mình rất thích nhìn hai cô bé làm việc. Làm việc như những y tá thực thụ và mong được vào làm hợp đồng. Mà lương hợp đồng là bao nhiêu, Th. biết không? Mình ước chi Nhà nước mình loại bỏ càng sớm càng tốt loại cán bộ ăn không ngồi rồi để có chỗ cho những y tá trẻ tận tâm như Huyền và Trí.

Hôm ra viện mình có chút cảm giác nao nao. Mình cố tìm bác sĩ Chín, Trưởng khoa để chào nhưng không gặp. Trước đây mình không quen bác sĩ Chín nhưng từ nay mình nhớ mãi người bác sĩ Trưởng khoa với lối nói ung dung chậm rãi như một giáo sư, với tác phong tỉ mỉ chu đáo đến từng chi tiết khi vào việc. Khi chia tay, mình nói với cô Ngọc, điều dưỡng trưởng rằng hơn mười ngày nằm ở đây giúp mình hiểu thêm và yêu các bạn nhiều hơn. Cô Ngọc nắm tay mình nói em mong có được nhiều người hiểu như thầy.

Hiểu để yêu thương thêm những người ngành y. Đó cũng là điều mình muốn tâm sự với Th.

Vì sao mình muốn nói điều ấy? Không biết từ lúc nào và do đâu mà xã hội mình ngày càng nghi ngờ, cảnh giác với những chuyện tử tế, tốt lành. Mọi người có vẻ như ngại nói chuyện hay chuyện phải mà có xu hướng đua nhau nói chuyện tiêu cực. Báo giấy, báo mạng tranh nhau đưa tin chuyện ác, chuyện xấu và gần như có một hiệu ứng đám đông khi nói về cái xấu. Viết về cái xấu, đọc chuyện xấu rồi bàn tán với chút vẻ hả hê, thỏa mãn với vẻ mặt ta đây là người tốt. Chuyện ngành y chẳng hạn, từ vài tháng nay hầu như ngày nào cũng được đưa lên trang nhất. Rồi những từ “y đức xuống cấp”, rồi “thầy thuốc táng tận lương tâm”, “vô nhân đạo”... được lặp đi lặp lại, in đậm trên hàng chục trang báo cổ xúy cho loại tin truyền miệng kiểu “không đưa tiền là chích đau”, “chưa có tiền chưa mổ” làm mọi người càng nhìn ngành y với vẻ nghi ngờ sợ hãi.

Đành rằng nhiều chuyện tiêu cực là có thật và sự chống chế của vài vị lãnh đạo là quá vụng về nhưng liệu có cần phải miêu tả cái xấu một cách tỉ mỉ, chi tiết đến thế không? Có cần tạo một dư luận ầm ĩ về những bất cập đó không?

Mình mong các nhà báo luôn vững vàng và mạnh dạn góp phần điều chỉnh dư luận. Điều chỉnh bằng sự bám sát thực tiễn và nói lên sự thật. Điều chỉnh bằng sự phân tích sâu sắc nguồn gốc của tiêu cực và đề xuất giải pháp.

Không cần đến ngày thầy thuốc để tôn vinh họ Th. à! Cũng không đợi phải nằm bệnh viện nửa tháng như mình để hiểu họ. Nhà báo là tai mắt của xã hội, nói lên nỗi lòng của xã hội. Vậy thì Th. và các đồng nghiệp nói hộ mình đi: vẫn còn rất nhiều người đáng quý, đáng kính trọng trong ngành y. Hãy đến với họ để hiểu họ, bớt đi định kiến và thương họ nhiều hơn.

Rất mong lại có dịp chuyện trò với Th. Chúc em luôn an vui, ngày càng  PUR, DUR, SUR (trong sáng, cứng cỏi, tự tin)!

Thân mến!

T.S LÊ VIẾT DŨNG

(Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.