.

Tổng quan Ngày Hội Sử học Đà Nẵng 2013

Vào cuối năm 2003, giới sử học ở thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công Ngày Hội Sử học (NHSH) lần thứ nhất và từ đó đến nay hằng năm đều tổ chức ngày hội này. Đi sau mười năm, giới sử học ở thành phố bên bờ sông Hàn lấy ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11 làm thời điểm tổ chức NHSH Đà Nẵng 2013. Khác với các đồng nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, NHSH hằng năm thường được tổ chức trong khuôn viên một trường đại học, tập trung chủ yếu vào việc trao đổi học thuật và diễn ra chỉ trong một ngày, NHSH Đà Nẵng 2013 kéo dài suốt ba tháng. Bên cạnh hoạt động học thuật và cũng nhằm vào khu vực đại học thông qua lực lượng nòng cốt của Hội tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và thông qua liên kết với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế, NHSH Đà Nẵng 2013 còn nhằm đến một công chúng đông đảo là học sinh phổ thông toàn thành phố.

Chính vì nhằm đến một công chúng đông đảo hơn là học sinh phổ thông nên ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã tích cực hưởng ứng và có nhiều hoạt động hướng đến NHSH Đà Nẵng 2013. Với tư cách là đơn vị đồng tổ chức ngày hội này, ngay sau ngày khai giảng năm học mới, Sở GD-ĐT đã ban hành kế hoạch tổ chức hội thi hùng biện và tốp ca về danh nhân hoặc địa danh trường mang tên dành cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Đây là lần đầu tiên một hội thi quy mô toàn ngành được tổ chức để thi tài hùng biện trong học sinh nhằm chọn người giới thiệu hay nhất tiểu sử danh nhân hoặc lịch sử địa danh mà trường mang tên; cũng như để thi chọn tốp ca hát hay nhất bài hát liên quan đến danh nhân hoặc địa danh mà trường mang tên hoặc bài hát thuộc đề tài lịch sử như nhiều ca khúc nổi tiếng của Lưu Hữu Phước như Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng… Vòng chung kết cuộc thi này đã được tổ chức vào ngày 12-11 vừa qua.

Có thể khẳng định Hội thi đã tác động sâu sắc tới nhận thức và tình cảm của hàng vạn học sinh, cô giáo, thầy giáo và cha mẹ học sinh. Ngoài ra, bản thân ngành giáo dục và đào tạo thành phố còn chủ động thực hiện một số hoạt động khác hoàn toàn phù hợp với mục đích và yêu cầu của NHSH Đà Nẵng 2013. Sở Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp với Thành Đoàn, Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức giao lưu “Biển đảo quê hương qua trang sách Kim Đồng” giúp học sinh có cơ hội giao lưu các tác giả của các cuốn sách viết về Hoàng Sa, Trường Sa như: “Tổ quốc nơi đầu sóng”, “Cùng chúng em tìm hiểu Hoàng Sa - Trường Sa”, “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”… Đây là một hoạt động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nhận thức Thành Điện Hải không chỉ là một di sản văn hóa vật thể mà còn là và chủ yếu là một di sản văn hóa phi vật thể, Sở GD-ĐT cũng đã phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện chương trình “Hành trình đến với Bảo tàng - Thành Điện Hải” dành cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

Các hoạt động kỷ niệm 155 năm Ngày Đà Nẵng kháng Pháp (1858 - 2013), 140 năm ngày mất của Nguyễn Tri Phương (1873 - 2013) hướng tới NHSH Đà Nẵng 2013 đã tạo nên một tiếng vang lớn ở trong và ngoài thành phố. Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho lãnh đạo thành phố tổ chức đoàn đại biểu do đồng chí Trần Thọ - Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và đồng chí Văn Hữu Chiến - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố dẫn đầu, vào sáng 30-8, đến đặt vòng hoa và dâng hương tại Nghĩa trủng Phước Ninh mới ở nghĩa trang Sơn Gà, nơi quy tập khoảng 3.000 hài cốt nghĩa sĩ đã vị quốc vong thân trong cuộc kháng chiến 1858-1860. Nhân dịp này, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố đã cùng với PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế và PGS.TS Ngô Văn Minh - Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn trong chương trình tọa đàm “Đà Nẵng trận đầu đánh Pháp” tại Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng.

Hội thảo Khoa học “Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống Liên quân Pháp-Tây Ban Nha 1858-1860” do Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức vào ngày 28 tháng 9 tại Bảo tàng Đà Nẵng mong muốn góp phần làm rõ những đóng góp của Nguyễn Tri Phương vào trận đầu nhân dân Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước chống lại âm mưu của thực dân phương Tây muốn nuốt chững nước Đại Nam qua cửa ngõ Đà Nẵng. Đã có hàng chục tham luận - chủ yếu là của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Huế và Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng - gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo, tạm xếp theo hai chủ đề: Triều đình Huế với chiến trường Đà Nẵng và Danh tướng Nguyễn Tri Phương. Tất cả đều được đưa vào kỷ yếu của Hội thảo và kỷ yếu này sắp được Nhà Xuất bản Giáo dục in thành sách nhằm giúp giáo viên và học sinh Đà Nẵng và không chỉ Đà Nẵng có thêm tài liệu tham khảo để dạy-học lịch sử địa phương. Người Đà Nẵng luôn tự hào về Nguyễn Tri Phương, luôn dành cho ông sự tôn kính và ngưỡng mộ. Người Đà Nẵng đã hai lần đặt tên đường Nguyễn Tri Phương, đã dựng tượng ông ngay trong thành Điện Hải và ngày 30-4 vừa qua, đã khánh thành một cây cầu mới bắc qua sông Cẩm Lệ và Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định đặt tên là Cầu Nguyễn Tri Phương. Chính vì thế, hội thảo này cũng có thể xem là một nén tâm nhang thắp lên nhân kỷ niệm 140 năm ngày mất của ông - đúng hơn là ngày ông hy sinh vì đất nước.

NHSH Đà Nẵng 2013 được đánh giá cao không chỉ do hàm lượng khoa học trong các hoạt động học thuật hay do được triển khai trên diện rộng nhằm tạo hiệu ứng tâm lý đối với số đông công chúng mà còn nhờ được quảng bá sâu rộng trên các phương tiện thông tin truyền thông và trực quan cổ động. Vào những thời điểm cao trào của ngày hội này, trên nhiều đường phố Đà Nẵng đã xuất hiện các biểu ngữ - đóng góp của một trong những cơ quan đồng tổ chức là Sở VH-TT&DL - vừa tuyên truyền cho các sự kiện liên quan đến ngày hội vừa nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc, trong đó có tác dụng giáo dục sâu sắc là những biểu ngữ ghi lời dạy đầy tâm huyết của Bác Hồ: Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Đóng góp của Sở VH-TT&DL còn tập trung vào nhiều hoạt động nghiệp vụ đa dạng phong phú của Bảo tàng Đà Nẵng và của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Trong Lễ tổng kết NHSH Đà Nẵng 2013 tổ chức vào đêm 23-11, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ biểu diễn một trích đoạn trong vở tuồng Hoàng Diệu - tác phẩm vừa đoạt giải toàn đoàn cao nhất trong cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013.

Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng - cũng là một trong những cơ quan đồng tổ chức - có nhiều hoạt động hướng tới NHSH Đà Nẵng 2013. Từ đầu tháng 9 đến nay, Đài đã mở chuyên mục “Dân ta phải biết sử ta” với thời lượng từ 20 đến 25 phút, phát sóng định kỳ hằng tuần vào giờ “vàng” trên cả hai kênh DRT1 và DRT2 và sẽ duy trì chuyên mục này đến cuối năm 2014. Nội dung chuyên mục là các phim tài liệu phản ánh truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, giới thiệu nhiều danh nhân của đất nước nói chung, của đất Quảng nói riêng qua các thời kỳ lịch sử. Đài còn làm tốt công tác truyền thông nhằm quảng bá NHSH Đà Nẵng 2013, nhất là về các hoạt động kỷ niệm 155 năm Ngày Đà Nẵng kháng Pháp và 140 năm ngày mất của Nguyễn Tri Phương. Cuộc tọa đàm “Đà Nẵng trận đầu đánh Pháp” nói ở trên kia đã được phát sóng nhiều lần trên kênh DRT1, DRT2 và sẽ được Đài lưu trữ lâu dài làm tư liệu. Tất nhiên ở đây không thể không kể đến đóng góp của một cơ quan đồng tổ chức là Báo Đà Nẵng. Ngoài việc kịp thời đưa tin về các hoạt động của NHSH Đà Nẵng 2013 trên cả báo giấy và báo điện tử, Báo Đà Nẵng đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử thành phố để thực hiện ba số chuyên đề 155 năm Ngày Đà Nẵng kháng Pháp (Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày mồng 1 tháng 9), 140 năm ngày mất của Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 29 tháng 9) và NHSH Đà Nẵng 2013 (Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 24 tháng 11).

Với những kết quả rất đáng khích lệ nêu trên, có thể nói NHSH Đà Nẵng 2013 đã khép lại vai trò lịch sử của “người lính đi đầu” đồng thời đang mở ra triển vọng đầy hứa hẹn cho NHSH 2014 sắp đến.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.