Những câu chuyện về sự thiếu trung thực, vô cảm, xem thường tính mạng bệnh nhân của một bộ phận y, bác sĩ thời gian gần đây không chỉ khiến dư luận cả nước bàng hoàng, mà còn khiến những “thầy thuốc” chân chính cảm thấy bị tổn thương.
Bác sĩ Đỗ Văn Thành đang khám cho một trường hợp trẻ sơ sinh bị bàn chân khều. Ảnh: T.Y |
Giỏi chuyên môn thôi chưa đủ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm thầy thuốc là một nghề đặc biệt khi nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Trong thư gửi Hội nghị Quân y ngày 3-1-1948, Bác viết “Người thầy thuốc phải coi sự đau đớn của người bệnh như mình đau đớn. Người thầy thuốc phải có chí chịu khó, chịu khổ, giàu lòng bác ái, hy sinh. Gốc của người thầy thuốc là lương y phải như từ mẫu”. Bởi khi có được tấm lòng người mẹ, thì thầy thuốc sẽ niềm nở khi tiếp xúc, cẩn thận, chu đáo khi chữa trị, chăm sóc bệnh nhân. Bác sĩ Trần Thị Hoa Ban, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng chia sẻ, tại sao thầy thuốc được gọi là thầy, là bác mà không phải là chú, là chị, hay là anh. Một sinh viên ngành y mới ra trường đã được bệnh nhân coi trọng, đặt niềm tin. “Công việc nào cũng cần cái đức, cái tâm. Y đức không chỉ là đạo đức mà còn là trách nhiệm của ngành y đối với sức khỏe nhân dân”, bà nói.
Nếu như trước đây, đạo đức y tế được dạy lồng ghép trong các môn học thì từ năm 2010, bộ môn này được ngành y chú trọng, tách ra thành môn độc lập với tên gọi Y xã hội học và Y đức. Bác sĩ Nguyễn Đăng Quốc Chấn, Trưởng khoa y dược (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, đối với sinh viên ngành y, giỏi về chuyên môn là chưa đủ mà còn phải có một y đức sáng. Y đức không sẵn có mà đó là một quá trình học tập, rèn luyện, trau dồi. Do vậy việc chú trọng giảng dạy môn y đức trong chương trình đào tạo giúp cho sinh viên ngành y có những khái niệm, hiểu biết, quy tắc chung về đạo đức nghề nghiệp. Cũng trong môn học này, sinh viên được tiếp cận lời thề Hyppocrate, Tuyên ngôn Geneve, nội dung 12 điều y đức và các quy định của Bộ Y tế về đạo đức của người thầy thuốc trong thực hành lâm sàng và nghiên cứu khoa học.
Qua nhiều năm gắn bó với công việc chuyên môn cũng như giảng dạy, bác sĩ Chấn chia sẻ, y đức là kết quả của sự giáo dục và rèn luyện liên tục trong môi trường từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Hiện nay, nhiều lãnh đạo, giảng viên tại các trường ĐH, CĐ, Trung cấp Y tế là bác sĩ trực tiếp làm việc tại các bệnh viện, phòng khám. Vì thế, thái độ làm việc cũng như cách tiếp cận, ứng xử của họ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tư duy công tác của sinh viên sau này. Về lâu dài, bác sĩ Chấn nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có những kế hoạch và chiến lược lâu dài hơn, rộng lớn hơn để có được những thế hệ y, bác sĩ có y đức sáng chứ không phải chỉ là việc đưa môn học y đức giảng dạy trong trường y”.
Trách nhiệm lương tâm
Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 2013, lần đầu tiên, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức trao giải thưởng “Tỏa sáng blouse trắng” cho 20 bác sĩ, nhân viên điều dưỡng đang công tác tại các đơn vị y tế công lập trực thuộc Sở Y tế thành phố. Tiêu chí để bình chọn giải thưởng này không dựa trên học hàm, học vị mà dựa trên tài năng, sự tận tụy, đức độ trong hành nghề và ứng xử với người bệnh của cán bộ công tác trong ngành y. Trong 20 người nhận giải thì có đến gần 70% là nữ hộ lý, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên… Theo lý giải của bác sĩ Hoa Ban, hình ảnh người hộ lý, điều dưỡng tại mỗi bệnh viện rất quan trọng vì cách tiếp xúc, ứng xử của họ với bệnh nhân ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh, uy tín của bệnh viện đó.
Vì thế, việc tôn vinh những người trong lĩnh vực này sẽ động viên, khích lệ cũng như nêu cao thái độ hòa nhã và hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức trong toàn ngành.
Thời gian qua, những vụ việc vi phạm nghiêm trọng về chuyên môn, đạo đức trong ngành y đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý làm việc của đội ngũ y, bác sĩ tại Đà Nẵng. Một số ý kiến cho rằng, đây chỉ là con số nhỏ trong hàng ngàn y, bác sĩ đang ngày đêm làm công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân nhưng đã để lại hậu quả rất lớn đối với uy tín của ngành này. Cũng vì những “con sâu” này mà người đến khám bệnh tỏ ra hoài nghi với chuyên môn và sự nhiệt tình của bác sĩ. Một bác sĩ (xin giấu tên) đang giữ chức vụ quản lý tại một bệnh viện công lập ở Đà Nẵng tâm sự: “Vì sự mất uy tín này mà hiện nay, mọi hành động của bác sĩ tại phòng khám đều bị người nhà bệnh nhân đánh giá theo quan điểm cá nhân. Ví như nếu giải thích nhanh, gọn thì họ nói bác sĩ không nhiệt tình, còn giải thích dài dòng, nhắc đi nhắc lại thì nói bác sĩ muốn phong bì bồi dưỡng”. Cũng theo bác sĩ này, trong công việc chuyên môn của mình, không ít lần ông đối mặt với những gương mặt hầm hố, ra điều muốn “cảnh cáo” bác sĩ rằng nếu không khám bệnh đàng hoàng thì sẽ “không yên thân” với họ.
Gặp BS. Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng khi ông đang tất bật trong vai trò vừa là quản lý, vừa là bác sĩ trực tiếp khám, chữa bệnh. Về công tác tại Bệnh viện Chỉnh hỉnh và Phục hồi chức năng Đà Nẵng từ năm 1999 khi địa chỉ này còn là một cơ sở y tế ra đời với mục đích phục vụ cho những đối tượng gia đình chính sách, thương bệnh binh, người nghèo. Dù không phải ca trực, nhưng bất cứ khi nào bệnh viện gọi, ông Thành cũng có mặt kịp thời để làm nhiệm vụ cứu người. Ông chia sẻ, niềm vui lớn nhất của ông trong công việc là đã tìm được phương pháp điều trị bàn chân khều cho bệnh nhân mà không cần phải qua mổ phẫu thuật. Đây là một căn bệnh rất khó chữa trị ở Việt Nam. Nhờ có vốn tiếng Anh lưu loát, ông tiếp cận được phương pháp điều trị này qua tài liệu y học nước ngoài, dịch chúng và sau đó đi tập huấn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Chị Trần Thị Hạnh, quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bảo rằng, mẹ con chị xem bác sĩ Thành là ân nhân của cuộc đời mình, bởi chính ông là người đã trực tiếp chữa trị cho chị thời gian qua. Chị bảo, đôi bàn chân chị khi vừa mới sinh ra đã bị khều, đi lại vô cùng khó khăn. Tám năm trước, khi 20 tuổi, chị đã gặp được bác sĩ Thành khi ông cùng đồng nghiệp đến quê chị khám bệnh từ thiện. Cuộc đời chị bước sang trang mới khi khăn gói rời quê vào Đà Nẵng chữa bệnh. Tại đây, chị gặp người chồng tương lai của mình và 2 người đã có với nhau một mụn con. “Khi vừa sinh con ra, mình rất buồn khi thấy đôi bàn chân con mình cũng bị khều giống mẹ. Nhưng lòng mình yên tâm hơn khi nghĩ đến bác sĩ Thành. Sau 15 ngày sinh nở, mình và con trai lại khăn gói vào Đà Nẵng nhờ bác sĩ Thành. Bây giờ con mình đã đi lại bình thường và phát triển tốt”.
Đề cập đến vấn đề y đức bị xuống cấp hiện nay ở một số bệnh viện trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng xuống cấp đạo đức, trong đó chủ yếu là do y, bác sĩ không tự rèn luyện, muốn kiếm được nhiều tiền cũng như tình trạng quá tải bệnh viện nên thái độ và trách nhiệm của người thầy thuốc không đáp ứng được những đòi hỏi của người dân. Người thầy thuốc, ngoài trách nhiệm chuyên môn còn có trách nhiệm lương tâm nên hết sức căng thẳng và đòi hỏi học tập suốt đời.
TIỂU YẾN