.

Thương nhớ hoa học trò

.

Có thể ít ai trong chúng ta biết rằng cây phượng vĩ có nguồn gốc từ Madagascar và được người Pháp mang trồng vào Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX. Nhưng, một điều chắc rằng ai cũng nhớ những phút giây thảng thốt khi bắt gặp những chùm hoa nở thắm sân trường một thời đi học.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Thái Phiên trong một lần chia tay cuối khóa.Ảnh: N.H
Học sinh lớp 12 Trường THPT Thái Phiên trong một lần chia tay cuối khóa. Ảnh: N.H

Có thể khi ở bên trời Tây, phượng vĩ chỉ là loại cây che bóng mát, hoặc giả đôi khi nó được xem là loài cây xâm hại vì bộ rễ đồ sộ lấn át các loại cây trồng khác, nhưng đến Việt Nam thì phượng vĩ  trở thành biểu tượng gắn liền với tuổi học trò.

Không hiểu từ bao giờ và ai đã có ý tưởng thật tuyệt vời là trồng những cây phượng nơi trường học. Ở Đà Nẵng, những hàng phượng già sù sì theo năm tháng ở các trường Phan Châu Trinh, Hòa Vang, Thái Phiên... xưa giờ vẫn nở hoa trong trí nhớ của người dân thành phố. Phượng nở có nghĩa là hạ sang. Những bông hoa đỏ thắm như nhắc nhở ngày chia tay của niên học đã sắp gần kề, những kỳ thi cuối cấp đang chờ ở phía trước. Ở cái thời chưa có điện thoại, chưa có Internet, ta mới thấm thía được cái cách xa biền biệt của hai chữ chia ly. Mỗi lần nghe câu hát: “Màu hoa phượng thắm như máu con tim. Mỗi lần hè sang kỷ niệm. Người xưa biết đâu mà tìm!” trong bài Nỗi buồn hoa phượng của nhạc sĩ Thanh Sơn, biết bao “người xưa” đã được đánh thức trong trái tim con người về một thời cắp sách khó quên.

Trong những dòng lưu bút của bao thế hệ học trò, phượng vĩ hiện ra theo bốn mùa hoa lá. Mùa hè nhặt cánh phượng rơi ép vào trang vở. Mùa thu lá phượng rắc vàng sân trường, theo gió bay bay vương vào mái tóc khiến bao trái tim học trò lỗi nhịp! Rồi mùa đông lặng lẽ đến, những gốc phượng sân trường suy tư chìm trong cơn mưa trắng trời miền Trung... Và khi xuân đến, những đôi mắt biếc ngẩn ngơ nhìn lũ sâu đo từ đu mình xuống cặm cụi đo “từng xăng-ti-mét hạnh phúc” trong sân trường.

Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận ra rằng, phượng vĩ không chỉ còn là cây che bóng mát trong chương trình phủ xanh đô thị mà là một nét văn hóa chính thống biểu tượng cho tuổi học trò tinh khôi nhiều ước vọng. Việc tiếp tục giữ gìn và trồng loài cây này ở khuôn viên trường học là một điều vô cùng cần thiết. Nhưng, có nhiều trường học được sửa chữa, xây mới khang trang, môi trường xanh được chú trọng không chỉ ở sân trường và cả ở hành lang lớp học, nhưng chỉ tiếc một điều, hình như trong bức tranh hoa lá ấy thiếu đi sắc màu phượng vĩ.

Một lần được phân công coi thi tại Trường PT Hermann Gmeiner Đà Nẵng, chúng tôi đã rất ngỡ ngàng trước một không gian rực màu hoa phượng. Màu hoa đỏ ấy cứ xốn xang bao kỷ niệm! Không ai bảo ai nhưng lại cùng một ý nghĩ: Nhặt một cánh phượng rơi để níu chặt lòng mình. Mỗi lần trở về dự lễ kỷ niệm thành lập trường, các thế hệ thầy và trò Trường THPT Phan Châu Trinh và một số trường khác trong thành phố luôn tự hỏi: Đâu rồi màu phượng vĩ ngày xưa. Bởi đó không chỉ là cây mà còn là kỷ niệm, là những ngọn nến khổng lồ thắp sáng những đam mê, là phút rung động đầu đời của một thuở thanh xuân...

Nếu như ở xứ sở Mặt trời mọc, hoa đào trở thành nét văn hóa Nhật, bởi vẻ đẹp tịnh tâm, kiêu hãnh từ lúc nở cho đến lúc rời cành đã biến hoa đào thành biểu tượng cho tinh thần võ sĩ Samura, thì phượng vĩ ở xứ ta luôn đồng hành cùng tuổi học sinh với rực cháy những đam mê khát vọng. Điều đó đã được chắt lọc theo dòng thời gian gần hai thế kỷ qua, kể từ lúc phượng vĩ được du nhập vào nước ta. Vậy mà bỗng dưng bây giờ lại có nguy cơ đi vào quên lãng. Vài đoạn đường Nguyễn Chí Thanh, Lê Lợi... vẫn rợp hồng bóng phượng khi hè về nhưng giá như nó được đặt đúng chỗ trong các khuôn viên trường học.

Người Huế có câu: Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng... Bất cứ cây gì, nếu được trồng đúng chỗ thì mới tạo nên ý nghĩa. Và cây phượng cũng không là ngoại lệ. Chính vì vậy, đôi khi tự hỏi lòng mình, với cách trồng cây sân trường quá mới như hiện nay, phải chăng một ngày nào đó, phượng vĩ, loài hoa học trò chỉ còn là nỗi niềm cổ tích?!

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.