.

Những ngôi nhà bằng giấy

.

Giải Pritzker 2014 - giải thưởng mang tính quốc tế thuộc ngành kiến trúc - đã dành cho kiến trúc sư người Nhật, ông Shigeru Ban bởi công trình thiết kế mang tính nhân đạo cùng với cách sử dụng vật liệu xây dựng đơn giản, bình dị như giấy các-tông và các loại giấy cứng mang hình ống trụ.

Một trong những công trình tiêu biểu từ thiết kế của kiến trúc sư Shigeru Ban là Nhà nguyện ở New Zealand Christchurch. Trước đây, sau trận động đất Kobe năm 1995, Shigeru Ban đã thiết kế và xây dựng một dãy “nhà bằng giấy” dành cho người tị nạn.    

Ngoài công việc nhân đạo qua các công trình bằng giấy, dự án thiết kế đáng kể của Shigeru Ban có thêm những công trình hoàn hảo như Trung tâm Pompidou - Metz, một bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở Metz, Pháp. Tòa nhà này có mái cong được thiết kế độc đáo và thực hiện  bằng gỗ; công trình “Naked House” - nhà lộ thiên ở Saitama, Nhật Bản sử dụng ngoài vật liệu giấy ra, còn trang trí lớp sóng bằng nhựa đậm nét trên các bức tường bên ngoài và phủ lớp sơn mịn màu trắng trên một khung gỗ.

 Mẫu nhà bằng giấy ở Kobe, Nhật Bản thực hiện sau trận động đất 1995.
Mẫu nhà bằng giấy ở Kobe, Nhật Bản thực hiện sau trận động đất 1995.

Shigeru Ban sinh ra ở Tokyo, Nhật Bản. Ông học tại Đại học Nghệ thuật Tokyo và Viện Kiến trúc Nam California. Sau đó ông học tiếp ở trường Cooper Union ngành kiến trúc, nơi đây ông theo học với John Hejduk, tốt nghiệp vào năm 1984. John Hejduk (1929 - 2000), kiến trúc sư người Mỹ, nghệ sĩ, nhà giáo dục có nguồn gốc từ Cộng hòa Séc đã dành phần lớn cuộc đời của mình ở thành phố New York, Mỹ, là giảng viên nổi tiếng với các thuyết giảng mang tính thi pháp trong kiến trúc.

Đối với Shigeru Ban, một trong những chủ đề quan trọng nhất trong công việc của mình là “cấu trúc không hình dạng”. Đó là cách ông không công khai thể hiện yếu tố cấu trúc của mình. Đầu tiên,  là một kiến ​​trúc sư Nhật Bản, ông sử dụng nhiều chủ đề và các phương pháp được tìm thấy trong kiến trúc Nhật Bản truyền thống và ý tưởng về một “mặt sàn tổng quát” để tạo được sự kết nối liên tục các phòng trong một ngôi nhà. Được học hỏi và tìm hiểu phong cách kiến trúc của phương Tây, Shigeru Ban trở thành một trong những kiến trúc sư “tiền phong” của Nhật Bản biết cách nắm lấy sự kết hợp phương Tây và Đông cùng với  hình thức, phương pháp xây dựng để tạo ra không gian truyền thống - nhưng cực kỳ hiện đại Nhật Bản để có được phiên bản thiết kế  hợp lý.

Nhà thờ nguyện ở New Zealand, xây dựng bằng giấy cứng và giấy ống.
Nhà thờ nguyện ở New Zealand, xây dựng bằng giấy cứng và giấy ống.

Là kiến trúc sư đầu tiên ở Nhật Bản xây dựng một tòa nhà chủ yếu bằng giấy, ông cũng đang đề nghị và mong mỏi được chấp thuận để các công trình xây dựng bằng giấy vượt qua các quy định cấm đoán trong điều luật xây dựng của nước Nhật với các ưu điểm hết sức thu hút vì chi phí thấp, có thể tái chế, công nghệ thấp và an toàn đối với môi trường, thiên tai. Chẳng hạn như một công trình do Ban thực hiện ở gian hàng Nhật Bản tại hội chợ triển lãm năm 2000 tại Hanover phối hợp với các kiến trúc sư Frei Otto và kỹ sư kết cấu Buro Happold. Công trình dài 72 mét đã được thực hiện với ống giấy. Nhưng do pháp luật xây dựng nghiêm ngặt ở Đức, mái nhà đã được gia cố với một cấu trúc con. Sau triển lãm, công trình được tái chế trở lại thành bột giấy.

Shigeru Ban xứng đáng được xếp vào danh mục “kiến trúc sư sinh thái” hiện đại, một nhà thực nghiệm của Nhật Bản. Natias Neutert, nhà tư tưởng Đức, nhà phê bình, nhà thơ, đã nhìn nhận Shigeru Ban trong bài viết của mình: “Một nhà cách mạng nhẹ nhàng... hướng dẫn kiến trúc đương đại theo hướng minh bạch, kết nối các hình cầu và hình mở đơn giản nhưng độc đáo - Một người tạo ra được những công trình không  lãng phí, tổng hợp triết lý và thực hành…”.

Phát biểu về chiến thắng giải thưởng Pritzker, thường được gọi là giải Nobel kiến trúc, Shigeru Ban cho biết ông cảm thấy mình không xứng đáng với giải thưởng này. Ông nói: “Vẫn còn quá sớm, tôi chưa thực xứng đáng, vì vậy, tôi xem giải thưởng lần này như sự khuyến khích cho công việc tương lai của tôi”.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.