Đàn cò trắng bay la đà phía trước chiếc xe đang chạy trên con đường bê-tông xuyên dọc giữa cánh đồng. Ngẫu nhiên thôi mà nhìn đàn cò bay như những kẻ dẫn đường cho chúng tôi về làng. Đưa ê-kíp làm phim thực hiện một số cảnh quay, ý đồ của kịch bản một phim văn nghệ là phải tìm cái cảnh bến bờ sông nước nào cho thật xưa, thật nhuốm màu “bến đò xưa”, vậy nên gặp đàn cò trắng bay lả bay la trên cánh đồng lúa xanh ngút ngát thế kia thì quả là một cảnh đẹp. Nhưng khi quay nhìn chung quanh, trụ điện và dây điện các loại giăng ngang trời đất, hiện đại cỡ ấy thì xưa thế nào cho được mà quay.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Về Đại Phong quê mình đi, mỗi cái làng Phường Đông bên bờ dòng Vu Gia đã có lắm cái bến xưa rồi: bến đò Lê, bến đò Thắng…, còn có cả cái bến Cựu Thị hàng mấy trăm năm đã chìm dưới sông sâu nữa. Tôi nói với những người bạn trong ê-kíp làm phim cùng đi với mình. Lâm - tác giả kịch bản và mọi người ngồi trên xe đều “ô-kê” hưởng ứng. Vậy là chuyến xe rời cánh đồng vùng ngoại ô Đà Nẵng theo đường 14 hướng về Đại Lộc.
Thực ra để dàn dựng một vài cảnh quay bến đò xưa, kiểu: Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn/ Bóng ai xách giỏ qua cồn hái dâu, thì cũng có thể loanh quanh mấy quãng sông ở vùng ngoại ô thành phố. Sông nào mà chẳng trăm năm, cộng với một số hình ảnh tư liệu, nào chiếc thuyền nan, đàn cò bay, bầy trẻ thơ thả diều trên bến bãi…, ngần ấy thôi chả đến nỗi khó khăn gì. Nhưng, ngoài tìm cảnh quay cho phim, tôi còn muốn nhân cơ hội này ghi lại một số hình ảnh của làng quê mình.
Từ khoảng hơn mười năm trở lại đây, hầu như năm nào bão lụt đến mùa trút xuống là làng tôi theo từng ấy năm gầy guộc lại. Cả một vùng đất màu mỡ tươi tốt ven sông có đến hàng trăm héc-ta đã lở xuống sông sâu. Cồn Mả Vôi, cồn Cây Duối, cồn Sậy, đến cả vùng đất nà Cựu Thị gần như đã xóa tên trong bản đồ đất nông nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, vùng sạt lở còn lấn sâu vào vườn tược, làng mạc, tất cả nhà dân buộc phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi ở mới. Ngay cái đình làng mới xây dựng lại cũng phải chọn khu vực giữa trung tâm đất làng, bỏ cái nền đình cũ trăm năm ở giữa vùng đất nà. Vẫn biết Nhà nước đã chi viện tiền tỷ xây dựng bờ kè dọc bờ sông để chống chọi lại nguy cơ sạt lở lan rộng, nhưng thiên tai bão lụt làm sao lượng định hết những rủi ro. Biết đâu những cảnh quay này may ra còn lưu lại dăm ba hình ảnh trước cảnh biển dâu diễn biến qua từng mùa lũ lụt mưa bão.
Xe chạy xuyên qua những cánh đồng Đại Cường, Đại Minh. Lâm thủ thỉ như nói thầm: “Quê anh nằm giữa ba dòng sông bao bọc, một mặt tựa lưng vào núi, vậy mà đường sá dẫn về làng xe cứ bon bon mà chạy, không phải đò giang gieo neo cách trở như những nơi khác”. Chẳng phải vì nghe người phương xa khen quê mình để lấy đó làm mừng, mà với tôi, mỗi ngày từng con đường làng được đổ bê-tông nâng cấp, từng ngôi nhà ngói mới mọc lên đã là tín hiệu vui rồi, huống là bây giờ thênh thang sáng rực những đường - trường - trạm, tức là giao thông, trường học và trạm y tế. Tôi nói với Lâm, và cũng là nói với mọi người ngồi trong xe: Vùng B Đại Lộc được như bây giờ, ngày xưa nằm mơ cũng không thấy. Tuy vậy cái mất do lụt bão gây nên, cái cảnh biển dâu diễn ra cũng khá cụ thể. Chỉ một trận lụt lớn thôi, hàng trăm mẫu đất làng lở trôi mất hút không còn để lại một dấu vết, mà để bồi đắp nên cũng chừng ấy đất thì cả trăm năm chưa chắc đã thành.
Xe đã tới ngã tư Gia Cốc. Tùng- tài xế hỏi tôi: “Mình chạy theo lối nào đây hở anh ?”. Đưa tay chỉ phía trước, tôi bảo: “Cứ thẳng đường, độ cây số nữa là đến chợ Phường Đông, bọn mình sẽ uống cà phê ở đó rồi thư thả theo dọc bờ sông tha hồ mà quay bến lở bến bồi” .
Như kẻ tròn vai một hướng dẫn viên du lịch, hễ đi qua làng xã địa danh nào là tôi đều say sưa nói với các bạn đồng hành về những huyền thoại, giai thoại của vùng đất đó. Cũng có khi phải dẫn chứng từ những trang sách địa chí của thời xa xưa ghi chép tên làng, tên chợ, con sông, bến đò trên vùng đất này - một nơi mà đối với những người bạn đường của tôi, tuồng như mỗi bước chân qua là một xa lạ.
Đi làm phim văn hóa văn nghệ ở một quê xứ mà thổ nhưỡng, thần thái đất đai nơi ấy không thấm tháp chút nào vào tâm hồn người ta thì mọi hình ảnh ghi được chỉ là bản sao của thế giới. Ví như cái làng Gia Cốc này đây, địa danh này đã có ghi trong sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An (1514-1591), được biên soạn xong vào khoảng năm 1553, cũng tức là cái làng này tính đến nay đã tròm trèm 500 năm tuổi. Rất có thể thuở cha ông mở đất tiến về phương Nam, thời xa xưa ấy nơi đây còn là vùng rừng giáp với chân dãy Trường Sơn, tổ tiên ta chỉ mới khai phá lập nên ngôi làng đầu tiên này. Vậy mà cái làng cổ Gia Cốc trải qua bao dâu bể thời gian, bao cuộc chiến tranh và thiên tai địch họa đã tàn phá không còn một mảy may dấu vết cổ xưa nào, may mà còn lại những trang địa chí của tiền nhân lưu lại.
“Đến chợ Phường Đông rồi”. Ngước nhìn lên phía trước đọc dòng chữ to tướng trên mảng tường nóc chợ, tài xế xe reo lên như về tới quê nhà. Chợ Phường Đông hay còn gọi là chợ chiều, vì chợ chỉ đông vào buổi chiều, khác với chợ Gia Cốc - nơi chúng tôi vừa đi qua, chợ đông vào buổi sáng. Mới nửa buổi mai mà nắng nóng oi bức hừng hực rát cả mặt người. Lúc bấy giờ, đã tháng 9 âm lịch rồi, thường mọi năm đã bắt đầu vào mùa mưa lụt, nhưng năm nay đến bây giờ nắng nóng cứ như đang giữa mùa hạ. Tất cả chúng tôi xuống xe kéo vào một quán cà-phê phía trước chợ. Chưa bao giờ tôi về quê cùng với những bạn đường lỉnh kỉnh ba lô túi xách, máy quay, giá đỡ… ra vẻ “chinh chiến” với nghề nghiệp như thế này.
Chợ Phường Đông nằm ở vị trí trung tâm xã Đại Phong nhưng lại ở đầu thôn Mỹ Hảo. Đây là khu đất mới xây dựng lại chợ khoảng độ vài chục năm nay, chợ cũ trước kia ở về phía đông cách chợ mới này non cây số. Ở chợ cũ, ngày trước còn có cái cảng sông gọi là Cửa Khâu, nơi ghe thuyền đò dọc chở hàng nông sản của thương lái xuôi về bán ở Hội An, Đà Nẵng, và ngược lại chở hàng hóa từ thành phố về cho các nhà buôn, cửa tiệm ở chợ. Nói đến cái chợ Phường Đông xưa là tôi lại nhớ về năm tháng tuổi thơ ở làng, từng bao lần trốn học vì mê xem mấy gánh Sơn Đông mãi võ biểu diễn tuồng tích cải lương và võ thuật ở chợ để bán thuốc chữa bệnh. Mấy câu vọng cổ “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà” tôi thuộc nằm lòng là từ mấy gánh Sơn Đông này đây.
Các bạn làng đồng thời với tôi hẳn không quên cái tiệm tạp hóa của ông Nhạc ở dầu dốc chợ. Thời cuối những năm năm mươi đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, cả vùng quê này chỉ mỗi ông Nhạc là có chiếc xe gắn máy, dân quê thời đó gọi là xe máy dầu, sau này lớn lên tôi mới biết đấy là loại xe Goebel do Đức sản xuất. Hễ mỗi khi nghe tiếng xe máy của ông Nhạc nổ lạch bạch đầu trên hay xóm dưới, là bọn trẻ chúng tôi cắm đầu cắm cổ chạy theo để được hả hê… ngửi khói. Cũng thời đó, chợ Phường Đông còn có cái quán mỳ Quảng bà Kỷ, ngon thuộc vào hàng huyền thoại. Tôi chẳng rõ bà Kỷ làm mỳ bằng thứ nước nhưn gì, chỉ có điều hơn nửa thế kỷ qua rồi, và có lẽ tôi cũng đã ăn mỳ Quảng khắp mọi nơi, nhưng dường như chẳng đâu sánh bằng mỳ bà Kỷ ở chợ Phường Đông ngày xưa…
Nhưng tất cả đấy là những chuyện còn có kẻ quên người nhớ, nghĩa là chưa xưa lắm. Xưa như sách Ô Châu Cận Lục thấp thoáng cái làng Gia Cốc 500 năm tuổi mới là xưa. Xưa như sách Đại Nam Nhất Thống Chí thời vương triều nhà Nguyễn, ghi cái chợ Phường Đông thuộc các làng: Bàn An, Đông Phước, An Thôn và Thất Châu, bây giờ về quê hỏi tên mấy cái làng ấy, trẻ không biết đã đành, hỏi người già thì cũng như đi tìm làng trong cổ tích. Cho dù vậy, từ những trang sách địa chí xưa quý hiếm ghi lại ít ỏi dăm ba địa danh, hay tên con sông, bãi chợ, bến đò, ta cũng có thể lần dò theo những tuổi tên ấy, như vịn vào chút tro than của ánh lửa khai hoang mở đất của tiền nhân mà truy tìm dấu vết quê hương bản xứ của mình.
Rời quán cà-phê, xe chúng tôi chạy trên con đường qua trước cổng sân đình làng mới, rồi chạy dọc theo đường bờ sông và dừng lại trên bãi cồn Chùa, sau cái vườn đình (cũ) Tam Châu Đông Phúc. Bước xuống xe, đứng nhìn dọc theo bờ sông dài lở lói nham nhở, nhất là những mảnh vườn, nửa đã lở sụp xuống sông sâu, nửa còn lại chênh vênh trên miệng vực như một niềm nuối tiếc gắng gỏi bám vào làng. Dân làng Ấp Bắc cũng đã di dời gần hết, con đường làng quạnh quẽ không một bóng người qua. Vậy mà nơi đây từng một thời được xem là thôn xóm yên vui, trù phú vào loại hàng đầu của xã Đại Phong. Sôi nổi nhất là vào các mùa thu hoạch: dưa hấu, thuốc lá, đậu phụng, rồi mía đường…, làng Ấp Bắc tháng năm ấy vào những vụ mùa đông vui như trẩy hội. Mà hội hè thật đấy! Đá bóng, đua ghe, hát bội…, dường như mọi sinh hoạt sôi nổi của làng xã đều xuất phát từ đây.
Chỉ tay về hướng dòng sông, tôi nói với Lâm: Đất của làng này ngày trước qua tận bên kia bờ sông kia đấy. Từ chỗ mình đứng đây ra tới bến sông là cả biền dâu xanh rộng hàng cây số, vậy mà giờ đây mênh mông nước. Có điều, nào phải chỉ thiên tai gieo xuống tai họa làng trôi xóm mất không đâu, mà góp vào sự tàn phá ghê gớm đó còn có bàn tay con người. Lâm tặc, khoáng tặc, vàng tặc, sa tặc…, có khi còn cả mấy cái thủy điện trên vùng đầu nguồn ấy nữa. Trước đây, nếu chưa đến mùa mưa lụt, dòng Vu Gia trong veo trong vắt chảy bình yên đẹp đến nao lòng giữa đôi bờ cát trắng, thế mà bây giờ ngầu đục, sủi bọt chảy lừ đừ mệt mỏi như chở theo trong lòng một vết thương trầm thống vô phương cứu chữa.
Thôi mặc, còn bấy nhiêu bờ bãi, vườn tược, quay được cảnh nào cứ quay, ghi chép được gì cứ ghi chép. Những hình ảnh chúng tôi ghi được bây giờ cũng là một thứ lửa gìn giữ quá khứ của một vùng đất, để lỡ mốt mai thiên tai lại tiếp tục lụt lở làng trôi còn có thể vịn vào lửa ấy mà tìm về quê quán, cho dẫu chỉ là chút khói mong manh dẫn đường. Tôi chợt nhớ đến kinh nghiệm một vị thầy địa chí từng nói với mình: Muốn tìm lại quê xưa đã bao lần dâu bể, anh chị hãy nhắm mắt nhìn vào khói mây thăm thẳm bến bờ ấy, nhìn càng xa càng thấy những ngày xưa tấp nập quay về. Có điều con người ta có những giờ phút hồi niệm quay về như thế hay không, hay là rồi quê quán xứ sở quá khứ đã sa mạc trắng xóa trên mọi cánh đồng ký ức.
Bút ký NGUYỄN NHÃ TIÊN