Mặc dầu Đà Nẵng và Hà Nội đều trở thành thành phố nhượng địa của thực dân Pháp cùng một thời điểm - tháng 10 năm 1888, nhưng người Đà Nẵng không có nhiều cơ duyên với nghệ thuật thứ bảy như người Hà Nội.
Ngày 28 tháng 4 năm 1899, chỉ bốn năm sau khi ngành nghệ thuật non trẻ này ra đời ở Paris, Hà Nội đã có buổi chiếu phim đầu tiên miễn phí cho công chúng vào xem. Rạp chiếu phim đầu tiên tại Việt Nam là rạp Pathé được xây dựng cạnh hồ Hoàn Kiếm và khánh thành vào ngày 10 tháng 8 năm 1920.
Bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam là Kim Vân Kiều do Hãng Phim và Chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinéma/IFEC) thực hiện năm 1923 với dàn diễn viên Hà Nội là đào kép của Nhà hát tuồng Quảng Lạc - phần ngoại cảnh cũng được quay ở các vùng phụ cận Hà Nội.
Trong khi đó, đến thập niên 70 của thế kỷ trước, Đà Nẵng chỉ có khoảng dăm rạp chiếu phim: Rạp Kim/Công Nhân B trên đường Phan Đình Phùng, Rạp Lido/29 tháng 3 trên đường Phan Châu Trinh, Rạp Chợ Cồn/Tân Thanh trên đường Triệu Nữ Vương nối dài, Rạp Kinh Đô/Công Nhân A/Đà Nẵng và Rạp Kim Châu/Lê Độ trên đường Độc Lập/ Trần Phú…
Thời buổi phổ cập máy thu hình, ngồi ở nhà - thậm chí nằm trong phòng ngủ - vẫn có thể xem đủ loại phim trên màn ảnh nhỏ, các rạp chiếu phim của Đà Nẵng chịu chung cảnh “chợ chiều” thưa vắng khán giả. Và vì lẽ đó nên phần lớn rạp chiếu phim ở Đà Nẵng bây giờ chỉ còn trong ký ức của những người hoài cổ - nói phần lớn bởi đến nay Rạp Kim Châu/Lê Độ - của tin còn một chút này (thơ Nguyễn Du) - vẫn được chính quyền thành phố quyết định giữ lại và đang là nơi diễn ra nhiều sự kiện điện ảnh của thành phố bên sông Hàn.
Chẳng hạn tại đây đã diễn ra Liên hoan phim Anh 2012, Liên hoan phim Đức 2013, Liên hoan phim Nhật Bản 2014, Tuần phim Nga 2014, Liên hoan phim châu Âu 2015… Để tạo sức hấp dẫn mới nhằm lôi kéo khán giả đến rạp, những năm qua Đà Nẵng có thêm một số rạp chiếu phim hiện đại như rạp MegaStar nằm trong tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, hoặc như Lotte Cinema Đà Nẵng nằm trong trung tâm mua sắm Lotte Mart…
Năm 2014, Chương trình Gặp gỡ mùa Thu lần thứ hai dành cho các nhà làm phim trẻ đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Về nước tham gia sự kiện điện ảnh này, khi trả lời phỏng vấn của Báo Thể thao & Văn hóa, đạo diễn Trần Anh Hùng cho rằng Đà Nẵng thiệt thòi vì không có nhiều sự kiện về điện ảnh diễn ra ở đây, đồng thời cũng cho rằng việc đăng cai tổ chức Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng không phải là việc xa vời, bởi Đà Nẵng có thể học tập cách làm của Busan: Liên hoan phim Busan lúc đầu cũng chỉ vài người đến, và Busan cũng không cần xây dựng cái gì đó quá lớn để chuẩn bị cho sự kiện này, nhưng giờ đây lại thành liên hoan phim quốc tế có uy tín trong khu vực.
Rồi tác giả phim Mùi đu đủ xanh nhấn mạnh: Hãy bắt đầu từ những bước đi nhỏ nhưng vững chắc(1). Càng không phải là việc xa vời đối với giấc mơ đăng cai tổ chức Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng khi những người làm điện ảnh Đà Nẵng đang liên tục gặt hái nhiều thành tựu trong nghề. Phim Chiếc chiếu của bà Bứa/ Mrs Bua’s Carpet của đạo diễn Dương Mộng Thu từng đoạt giải Ogawa Shinsuke - giải cao nhất hạng mục phim tài liệu châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Yamagata 2013.
Nhà văn Trần Trung Sáng từng nhận xét: “Giải Ogawa Shinsuke cho bộ phim Mrs Bua’s Carpet của đạo diễn Dương Mộng Thu như một cú hích cho điện ảnh Đà Nẵng, vốn được xem là còn non trẻ nhất so với các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác của thành phố”(2).
Cú hích ấy rất quan trọng nhưng dẫu sao cũng mới chỉ là một cú hích. Muốn tạo thành động lực thực sự để giấc mơ về một Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng sớm thành sự thật nhãn tiền, những người làm điện ảnh Đà Nẵng nói chung và hội viên Hội Điện ảnh Đà Nẵng nói riêng cần thấy rõ mình đang đứng ở tọa độ nào trên bản đồ điện ảnh cả nước.
Có thể nói điện ảnh Đà Nẵng hiện nay chủ yếu gắn với truyền hình, và hầu hết thành tựu trong nghề đều nằm ở lĩnh vực phim tài liệu truyền hình. Nói hầu hết là bởi Đà Nẵng cũng có một vài đạo diễn chuyên làm phim truyện - như Lê Ngọc Linh, một vài nhà văn chuyên viết kịch bản phim truyện - như Quế Hương, một vài diễn viên chuyên đóng phim truyện - như Hoàng Hải, nhưng tất cả đều phải cộng tác với các hãng phim của thiên hạ - như Hoàng Hải từng bộc bạch: “Tôi thấy mình vẫn nợ Đà Nẵng khi chưa làm gì được cho điện ảnh quê hương mình”(3)…
Sáng tác phim tài liệu có giá trị nghệ thuật không dễ, đòi hỏi người làm phim phải có tài năng - từ việc chọn vấn đề sao cho có cái mới - kể cả ôn cố tri tân, tiếp cận vấn đề sao cho có dấu ấn sáng tạo cá nhân, phát hiện chi tiết nghệ thuật sao cho độc đáo, đến việc quay phim lồng tiếng và làm hậu kỳ sao cho đảm bảo chất lượng kỹ thuật…
Chính vì vậy, tuy xác định đây là thế mạnh/sở trường trong nghề, nhưng những người làm điện ảnh Đà Nẵng vẫn luôn có ý thức học tập để vươn lên. Hội Điện ảnh thành phố từng phối hợp với Hiệp hội Điện ảnh Ateliers Varan của Cộng hòa Pháp mở hai khóa bồi dưỡng sáng tác phim tài liệu vào các năm 2010 và 2011 dành cho hội viên của Hội…
Mặt khác, Hội Điện ảnh thành phố cũng tìm cách hướng đến việc tạo nguồn công chúng điện ảnh: từ năm 2007 đến nay, chương trình Điện ảnh học đường dành cho học sinh trung học phổ thông được tổ chức đều đặn tại Rạp chiếu phim Lê Độ. Qua việc trình chiếu các bộ phim liên quan đến những tác phẩm văn chương trong nhà trường, chương trình Điện ảnh học đường đã tạo hiệu ứng tích cực đối với việc dạy - học môn Văn, đồng thời khơi gợi được niềm đam mê đối với nghệ thuật thứ bảy...
BÙI VĂN TIẾNG
(1) Xem bài Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tài năng điện ảnh Việt, phải chờ thôi!, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 2-12-2014.
(2) Xem Trần Trung Sáng: Ogawa Shinsuke và điện ảnh Đà Nẵng, Thời Báo Ngân Hàng điện tử ngày 6-12-2013.
(3) Xem Thúy Hằng: Sao phim truyền hình ngày ấy, bây giờ: "Thầy thuốc Hải" giờ làm giám đốc, Báo Thanh Niên điện tử ngày 10-6-2015.