Tối đầu tuần vừa rồi, dừng xe sát lề đường Bạch Đằng định ghé sông Hàn hóng gió. Chỗ vạch vôi trắng kẻ dọc lề đường này vốn là nơi mọi người có thể đậu, đỗ xe máy để đi bộ ngắm sông Hàn.
Thế nhưng, ngay khi chúng tôi vừa dựng chân chống xe, 3 nam thanh niên (trong đó có 2 người mặc đồng phục vệ sĩ) liền xuất hiện và có ý dắt xe chúng tôi đi đâu đó. “Có việc gì vậy?”, tôi hỏi. Người thanh niên mặc đồng phục hất mặt sang bên kia đường, nơi có quán cà-phê hai tầng sáng loáng nằm ngay góc Bạch Đằng-Nguyễn Thái Học và trả lời: “Dắt xe anh chị sang chỗ khác, dãy này là của quán cà-phê”.
“Khu vực này thành phố không cho người dân tự ý đỗ xe nữa sao, và quán cà-phê đã thuê luôn phần đường bên này à?”, tôi lại thắc mắc. “Không. Chỉ là chỗ này của quán cà-phê”, người thanh niên không buồn trả lời dài dòng và không quên dặn dò: “Thôi anh chị cứ để xe ở đây cũng được, nhưng nhớ đừng khóa cổ”.
“Lòng đường phần ai nấy để, không có người trông, chúng tôi phải khóa để bảo quản xe chứ”. Thấy có vẻ không xê dịch được cái xe “cứng đầu”, 3 nam thanh niên tụm lại nói: “Ô-kê, anh chị cứ để thoải mái”. Không hiểu đó là các anh nói thiệt hay có ẩn ý gì khác, nên suốt buổi, chúng tôi chỉ ngay ngáy lo ngó chừng cái xe, không còn tâm trạng thư thái ngắm trời mây sông nước.
Tưởng kiểu chiếm đường chung thành của riêng như vậy sẽ gặp nhiều sự phản ứng tương tự như tôi. Nhưng thật lạ, suốt 1 giờ đồng hồ quan sát, dù vào dịp lễ nên người tới lui tấp nập, song tuyệt nhiên chẳng ai có phản ứng gì. Đơn giản, tất cả người dựng xe tại đây đều là khách hàng của quán cà-phê đó. Ngoại trừ chúng tôi, không ai lại dựng xe ở đây với mục đích lên bờ sông đi dạo. Hình như từ lâu rồi, mọi người đã ngầm hiểu: “khu vực này là của quán cà-phê.
Muốn lên lề đi dạo bộ thì tự biết phải dừng xe ở nơi khác”. Chợt nhớ ra, tại mình không để ý nên mới thấy lạ, chứ hầu hết các quán nước, nhất là khu vực dừa tươi, cà-phê đoạn này phần nhiều đều làm vậy. Tức là lề đường bên quán họ làm chỗ khách ngồi và lòng, lề đường phía đối diện làm “bãi đậu xe” cho khách!
Bị một chút bệnh nghề nghiệp nên ngay sau vài lời giành “quyền” đỗ xe, tôi chỉ muốn gọi điện thoại cho đồng nghiệp phụ trách mảng an ninh trật tự hay thị trường hoặc gọi đường dây nóng của cơ quan chức năng phản ánh sự lộn xộn trên con đường bộ mặt của thành phố. Nhưng rồi khi ngồi quan sát cái quán đó, bỗng tự đặt mình vào vị trí chủ quán, rằng nếu mình cũng mở một quán cà-phê như vậy, ngay vị trí như vậy, thì mình sẽ dựng xe của khách ở đâu?
Lề đường thì không được rồi, vì ngoại trừ chỗ có vạch vôi cho phép đậu đỗ xe, còn lại hai bên lề đường Bạch Đằng chỉ dành cho người dân và du khách đi bộ nhằm bảo đảm trật tự, mỹ quan đường phố. Xung quanh cái quán đó chỉ toàn nhà cửa san sát nhau. Bãi đỗ xe công cộng càng là điều không tưởng.
Bãi đỗ xe công cộng, xem ra đây là nguyên do căn bản dẫn đến những cuộc “rượt đuổi” luần quần giữa lực lượng trật tự đô thị và người dân từ bao lâu nay. Người dân dựng xe lấn chiếm lòng, lề đường. Bị bắt. Bắt xong. Người dân lại…dựng xe lấn chiếm lòng, lề đường. Trong một vài tình huống, người dân không muốn chiếm cũng phải chiếm, vì có bãi đỗ xe đâu mà đưa cái xe của mình vào cho đúng trật tự! Rất nhiều lề đường bây giờ được “trang điểm” thêm vạch vôi để phân định khu vực đi bộ, khu vực đỗ xe hay chỗ có thể được để hàng hóa thò ra một tí. Tất cả cũng là nhằm “chữa cháy” cho tình hình người càng đông, xe cộ càng nhiều mà bãi đỗ xe công cộng mãi càng không thấy.
Nói về hành vi chấp hành trật tự xã hội, người ta thường nhắc đến người Nhật. Nhiều người nghĩ rằng sự kỷ luật này có được từ trong trứng nước, từ tinh thần võ sĩ đạo hay sự thượng tôn pháp luật… Nhưng nói đi rồi cũng phải nghĩ lại, nếu một người có tất cả các điều đó, nhưng các điều kiện xã hội không cho phép họ được thực hiện hành động tôn trọng kỷ luật, thì quả thật muốn được sống văn minh, tử tế cũng khó. Một người được giáo dục ra đường phải đậu đỗ xe đúng quy định, nhưng khi ra đường, tìm đỏ con mắt cũng chẳng thấy bãi đỗ xe đâu thì chỉ còn cách… đỗ đại ở lòng, lề đường, dù hiểu rằng như vậy là không được văn minh, hợp pháp!
Đâu phải người Nhật là giống người có “dòng máu” biết tôn ti trật tự. Trên các con đường của họ, bãi đỗ xe công cộng là thứ phổ biến và có thể dễ dàng tìm thấy nhất. Không chỉ nhiều, bãi đỗ xe còn tiện dụng với tất cả mọi thứ đều tự động hóa, từ việc ra vào cổng đến thao tác đơn giản nhất là khóa xe. Chẳng ai phải cúi người xuống cột thêm cái dây xích hay sợi khóa cho chắc ăn, mà bánh xe chỉ cần được lăn đến đúng điểm sẽ được tự động “chốt” kỹ. Muốn đỗ xe bậy bạ trong môi trường này cũng hơi khó vì xem ra đưa xe vào bãi đỗ có vẻ đơn giản hơn nhiều!
Khuyến cáo người dân sống có trật tự kỷ cương là chưa đủ, nếu không có chỗ để đặt ý thức trật tự kỷ cương ấy vào. Trong trường hợp này, cứ bắt bớ, “tăng cường nhận thức” của người dân về việc đậu, đỗ xe đúng quy định, nhưng bãi đỗ xe công cộng không có thì biết phải làm sao?
CHÍCH BÔNG