Tại sao mọi người không thể thực hiện một việc khá đơn giản là bỏ rác vào thùng? Có phải do thói quen hay do chính thùng rác bẩn và hôi nên người dân “ngại” đến bỏ rác? Từ những suy nghĩ như thế, các bạn học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Châu Trinh đã chế tạo ra chiếc thùng rác “hấp dẫn” người sử dụng bằng lời nói.
Lê Đình Duy bên chiếc thùng rác thông minh. |
“Đi qua nhiều nơi công cộng, đặc biệt là các công viên, bờ hồ, hai bên bờ sông…., tụi em cảm thấy buồn vì nhiều người không bỏ rác vào thùng, thậm chí bỏ ngay bên cạnh thùng rác tạo thành một bãi rác tự phát khiến mùi hôi bốc lên.
Điều này không chỉ gây mất mỹ quan nơi công cộng, mà về sau nó còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng là ô nhiễm môi trường nước ở sông, hồ, ô nhiễm môi trường sống của nhiều loại sinh vật tự nhiên, ảnh hưởng đến hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bởi vậy, tụi em nảy ra ý tưởng sáng chế ra một chiếc thùng rác có khả năng giao tiếp với con người để vận động, nhắc nhở họ bỏ rác vào thùng”, Lê Đình Duy (học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Châu Trinh), trưởng nhóm chế tạo thùng rác thông minh kể về ý tưởng của cả nhóm gồm Duy và Nguyễn Việt Hoàng, Dương Thành Trung và Huỳnh Khôi Nguyên.
Lên ý tưởng trong 1 tháng và 3 tháng còn lại để thực hiện, cả nhóm phải đi tìm những vật liệu phù hợp và có giá thành rẻ ở chợ đồ cũ và ở một số xưởng cơ khí. Ngày đi học, đêm đến cả nhóm lại cặm cụi làm. Có lúc mỗi người một ý, chẳng ai chịu ai, mất mấy ngày mới tìm được tiếng nói chung.
“Khó khăn lớn nhất với tụi em là phần lập trình, bởi các thành viên đều học chuyên về vật lý, cơ học. Tụi em phải học hỏi thêm các anh chị đi trước, học trên Internet để có thể hoàn thành sản phẩm theo đúng ý tưởng của mình”, Nguyễn Việt Hoàng chia sẻ.
Với gần 1 triệu đồng hỗ trợ của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, nhóm của Lê Đình Duy đã chế tạo ra thùng rác “biết nói”. Ấn tượng đập vào mắt mọi người là thùng rác phải sạch sẽ, xinh xắn và “bắt mắt”. Thùng rác có thể nhận biết và chủ động “giao tiếp” với con người nhờ thông qua hệ thống cảm biến siêu âm.
Khi có người đi ngang qua (khoảng cách 1,5 - 2 m), thùng rác sẽ phát ra âm thanh: “Hãy giữ gìn vệ sinh vì một môi trường xanh - sạch - đẹp”. Mỗi lúc có người đến bỏ rác (khoảng cách 20cm) nắp thùng sẽ tự mở và phát âm thanh hướng dẫn bỏ rác đúng cách “màu xanh là rác hữu cơ, màu đỏ là rác vô cơ, hãy bỏ đúng theo hướng dẫn các bạn nhé”. Sau khi rác đã được bỏ vào, thùng sẽ nói: “Cảm ơn bạn”. Còn nếu có người đến mà không cho rác vào, thùng sẽ “nhắc nhở”: “Cho tôi xin rác”.
Lê Đình Duy cho biết, thùng rác thông minh được thiết kế hiện đại, với thể tích 1,2m3, sử dụng nguồn năng lượng nhỏ (dùng điện trực tiếp thông qua ổn áp hoặc dùng pin năng lượng mặt trời - cộng thêm giá thành khoảng 300.000 đồng), phù hợp lắp đặt ở những điểm đông người và ít bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi của thời tiết.
Với chi phí thấp, chỉ dưới 500.000 đồng và nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, không đòi hỏi công nghệ chế tạo đặc biệt, thùng rác thông minh có thể triển khai sản xuất hàng loạt để cung cấp ra thị trường.
“Thùng rác thông minh còn giúp giải quyết phần nào gánh nặng về vấn đề phân loại rác đầu nguồn. Nó không chỉ giảm được chi phí xử lý mà còn giúp tái sử dụng một cách thuận tiện, nhanh chóng đối với loại rác thải có thể tái chế - nguồn tài nguyên giàu tiềm năng hiện nay. Điều này thực sự có ý nghĩa trong tình hình rác thải sinh hoạt ngày một gia tăng chóng mặt cùng với sự gia tăng dân số như hiện nay”, Duy khẳng định.
Vừa qua, thùng rác thông minh của nhóm Duy đã giành một số giải thưởng như giải nhất cuộc thi Robonic, giải nhì cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông toàn thành phố Đà Nẵng năm 2015, và giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo trẻ toàn quốc Vifotec 2015.
Duy mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành để có thể đưa sản phẩm vào sản xuất, đưa đến những nơi xa xôi cho bà con sử dụng. Theo Duy, thùng rác thông minh không chỉ là sản phẩm gần gũi, thân thiện với môi trường mà còn là một phương tiện truyền thông giúp tuyên truyền, kêu gọi người dân, đặc biệt là các em nhỏ có ý thức bảo vệ môi trường nói chung, và biết giữ gìn vệ sinh nơi công cộng nói riêng.
KIM NGÂN