.

Tiêu dùng hiện đại

.

Thương mại điện tử (TMĐT) hiện diện ở Việt Nam suốt 10 năm qua và đặc biệt “bùng nổ” trong 3 năm gần đây. Nó có mặt hầu như trong mọi vấn đề giao dịch từ hành chính điện tử đến thương mại, nhưng đa số người dân mới hiểu TMĐT trên góc độ mua bán hàng trực tuyến trên mạng Internet là chính.

Sở Công thương đã tổ chức và phối hợp tổ chức 9 lớp tập huấn, 5 hội thảo về TMĐT cho hơn 800 học viên là các cán bộ QLNN và doanh nghiệp trên địa bàn về các nội dung như giới thiệu xu hướng phát triển TMĐT của Việt Nam và thế giới. Ảnh: H.N
Sở Công thương đã tổ chức và phối hợp tổ chức 9 lớp tập huấn, 5 hội thảo về TMĐT cho hơn 800 học viên là các cán bộ QLNN và doanh nghiệp trên địa bàn về các nội dung như giới thiệu xu hướng phát triển TMĐT của Việt Nam và thế giới. Ảnh: H.N

Ngồi một chỗ, nhấp chuột mua hàng

Chỉ những cuốn sách vừa nhận được, chị Minh Hương (đường Duy Tân, quận Hải Châu) cho biết, khoảng 4 năm nay chị chưa hề đi nhà sách, trừ khi vào tiệm mua văn phòng phẩm cho con gái đang học lớp 5. “Chị toàn đặt sách trên mạng, ở các trang như vinabook.com, Tiki.vn hoặc nhasachphuongnam.com.

Mua sách trên mạng được một cái hay là mình đọc được những đoạn ngắn giới thiệu nội dung cuốn sách trước khi quyết định mua, được giảm giá thường xuyên mà nếu đi ra nhà sách mua trực tiếp thì không được giảm giá; rồi mua những cuốn sách mới ra mà ở Đà Nẵng chưa có.

Chưa kể là có nhiều cuốn sách có nội dung nghiên cứu hoặc lịch sử, tìm ở nhiều nơi không thấy nhưng nếu chịu khó tìm kiếm, hoặc để lại nội dung yêu cầu trên các trang bán sách đó, lúc nào có sách họ sẽ gửi email thông báo cho mình”.

Không chỉ mua sách, anh Nguyễn Quốc Khánh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) và vợ còn mua nhiều thứ là dồ dùng gia đình, áo quần, mỹ phẩm cho mình và các con. “Hồi trước chỉ có vợ tôi mới hay vô các trang bán hàng online đặt mua áo quần, mỹ phẩm.

Cũng có cái mua về mặc được, có cái mặc không được, một phần do người mình mặc không chuẩn size. Sau rồi chúng tôi chỉ chọn những trang web bán hàng có uy tín, có thể đổi trả được. Tôi thấy mua hàng trên mạng cũng có nhiều cái hay như mua đồ điện tử thường xuyên được giảm giá.

Tôi hay đặt mua mấy thứ như đồ điện, máy tập thể dục, được họ giao tận nhà mà không phải đi chọn mất công. Còn sách tôi chỉ mua trên mạng thôi vì mua ở đó mới được giảm giá”.

Không chỉ anh Khánh hay chị Hương chọn mua hàng online, mà khi hỏi nhiều người, (chủ yếu là người trẻ) thì ai cũng có một vài lần đặt mua các món hàng qua mạng Internet. Chị Kim Anh (phường Vĩnh Trung, quận Cẩm Lệ) thường có thói quen nhấp chuột tìm món hàng mình định mua trên các trang web hoặc trên facebook, tham khảo về giá trước khi đặt mua.

“Có khi mình vô siêu thị hoặc ra cửa hàng mua trực tiếp, nhưng vẫn tìm hiểu về giá, mẫu mã, chất lượng sản phẩm trên mạng rồi mới quyết định. Nếu món đồ đó mà chưa cần gấp thì thấy đặt mua online rẻ hơn, vài ngày sau sẽ có người giao hàng tận nơi”. 

Thương mại điện tử có mặt ở khắp mọi nơi

Cô Hoàng Ngọc Ca Dao, Giám đốc thương hiệu của trang mua sắm trực tuyến Tiki.vn cho biết, cách đây 6 năm, khi mới thành lập, Tiki.vn chỉ bán sách tiếng Anh, 1 năm sau mở thêm ngành sách tiếng Việt và hiện nay trang web này có tổng cộng 12 ngành hàng, với mục tiêu trở thành trang TMĐT uy tín nhất Việt Nam (doanh nghiệp xuất phát từ Việt Nam chứ không phải của nước ngoài).

Tiki có nghĩa là tiết kiệm, tin cậy và tìm kiếm nên trang bán hàng này đặt ra tiêu chí các mặt hàng phải rẻ hơn trên thị trường, đa dạng sản phẩm và tạo dựng được lòng tin khách hàng.

“Chúng tôi nhận thấy khó khăn nhất là về mặt công nghệ. Làm sao để khách hàng trải nghiệm online dễ nhất, muốn làm được điều đó chúng tôi phải cải thiện tất cả các khâu, từ khi khách tìm được thứ mình muốn, đặt hàng, trả tiền như thế nào, đóng gói làm sao. Khách hàng có thể theo dõi món hàng của mình đến đâu qua điện thoại, email của nhân viên Tiki”.

Từ năm 2010-2013, hầu hết khách hàng của Tiki nằm trong độ tuổi 15-25, nay số khách hàng từ 18-28 tuổi chiếm 40% và 29-34 tuổi chiếm 15%.

Ở một số trang web bán hàng có tính toàn cầu như zalora.com, khi bạn mua hàng, nhận hàng nhưng không ưng ý với món hàng mình đã chọn, có thể gửi trả lại sản phẩm trong vòng 30 ngày sau đó. Món tiền hoàn trả sẽ được đưa vào ví điện tử trong tài khoản của bạn, sẽ được khấu trừ khi bạn mua món hàng tiếp theo.

Chưa kể những email, hay một nhân viên nào đó sẽ gọi điện, gửi thư hỏi xem bạn có ưng ý với món hàng mình đã mua không. Nói như chị Nguyễn Thị Thủy (đường Dương Vân Nga, quận Sơn Trà) là “cảm thấy ấm áp vì mua hàng trực tuyến mà còn được quan tâm, chia sẻ hơn cả đi mua hàng trực tiếp”.  

Theo số liệu từ Bộ Công thương, hơn 40% trong tổng 92 triệu dân của Việt Nam sử dụng Internet, 58% trong số này đã từng tham gia mua hàng trực tuyến; và trong số hơn 120 triệu thuê bao di động có gần 2/3 khách hàng sử dụng smartphone để mua hàng trực tuyến. 

Các phương thức thương mại hiện đại như mua hàng trực tuyến hoặc mua hàng trên các thiết bị di động thông minh đang nổi lên như một xu hướng mới đối với người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, với quỹ thời gian ngày càng eo hẹp, người tiêu dùng sẽ ưu tiên những thứ tiện lợi, lựa chọn các phương thức mua hàng hiệu quả, không tốn nhiều thời gian. Chị Trần Thị Thu Nhung, chuyên viên Sở Công thương Đà Nẵng nhận định TMĐT có mặt ở khắp mọi nơi trong đời sống, đặc biệt nó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Đà Nẵng có khoảng 14 nghìn doanh nghiệp, hầu hết đã kết nối Internet.

Từ năm 2011, Sở Công thương đã triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT như xây dựng miễn phí 49 website TMĐT; 25 doanh nghiệp tham gia quảng bá thương hiệu và sản phẩm trên Cổng giao tiếp TMĐT quốc gia ECVN (ecvn.com); triển khai cập nhật, quảng bá thông tin về tiềm năng xuất khẩu của thành phố và thông tin DN xuất khẩu của Đà Nẵng lên Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam (www.vietnamexport.com); khai thác thông tin, các cơ hội giao thương trên Cổng thông tin thị trường nước ngoài (www.tttt.com.vn) để cung cấp cho các DN.

Đà Nẵng 3 năm qua luôn giữ vị trí thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành về chỉ số TMĐT (EBI). Ngày 16-2 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng vừa ra quyết định về việc ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) của thành phố giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, ngoài phát triển cơ sở hạ tầng TMĐT, phát triển nguồn nhân lực, thì vấn đề môi trường ứng dụng TMĐT đề ra các tiêu chí cụ thể như: mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến ở người tiêu dùng, 60% doanh nghiệp hiện diện trên Internet, 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng qua mạng, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt… với tổng kinh phí thực hiện dự kiến trên 5.000 tỷ đồng.

Theo từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia: Thương mại điện tử, hay còn gọi là e-commerce, e-comm hay EC, là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính. TMĐT dựa trên một số công nghệ như chuyển tiền điện tử, quản lý chuỗi dây chuyền cung ứng, tiếp thị Internet, quá trình giao dịch trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), các hệ thống quản lý hàng tồn kho, và các hệ thống tự động thu thập dữ liệu. TMĐT hiện đại thường sử dụng mạng World Wide Web là một điểm ít nhất phải có trong chu trình giao dịch, mặc dù nó có thể bao gồm một phạm vi lớn hơn về mặt công nghệ như email, các thiết bị di động cũng như điện thoại.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.