Phóng viên - cái nghề cần đi nhiều, giao tiếp rộng, cần một chút yếu tố ngoại hình để dễ giao tiếp, vậy mà Adam Henry Pearson với khuôn mặt dị dạng có hơn 10 năm làm phóng viên của hãng tin BBC. Câu chuyện của anh là câu chuyện về nghị lực và niềm tin, lạc quan - những yếu tố tinh thần đã mang lại thành công cho con người, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Adam Henry Pearson (thứ 2, từ trái) tiếp xúc với một gia đình nạn nhân da cam ở Đà Nẵng trong chuyến đi. Ảnh: P.T |
Khuôn mặt dị dạng của Adam Henry Pearson khiến trẻ con cũng phải khóc thét khi nhìn thấy. Adam Henry Pearson, hiện đang là phóng viên của BBC, một trong những hãng truyền thông lớn nhất thế giới với khoảng 23.000 nhân viên.
Gặp anh gần đây trong một lần anh đi cùng đoàn phóng viên BBC đến làm việc tại Đà Nẵng, người ta luôn thấy anh mạnh dạn và tự tin. “Dường như không có sự xấu hổ, ngại ngùng hay lo sợ bị kỳ thị khi mình và những người khác tiếp xúc với anh ấy. Tôi đã thấy nhiều người như anh ấy ở nước mình chỉ trốn trong bốn bức tường, không dám ra đường chứ đừng nói có thể đi làm”, Lương Hoàng Giáp, cán bộ phụ trách báo chí của Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao nói về Adam.
Giáp bảo, trong suốt mấy ngày liền đi cùng đoàn phóng viên người Anh - trong đó có Adam, để thu xếp chương trình và phiên dịch cho đoàn khi ở Việt Nam làm việc, chưa bao giờ anh thấy Adam có lúc nào đó ngại ngùng hay rụt rè. “Anh ấy có kiến thức sâu rộng”, Giáp nói.
Và mặc dù ít khi nào nói về mình nhưng qua “lý lịch trích ngang”, mới thấy Adam đã nỗ lực rất nhiều mới được như ngày hôm nay. Anh đã học đại học, có rất nhiều bằng cấp và làm cho BBC hơn 10 năm qua. Adam cũng rất yêu quý mẹ. Mỗi khi đến một nơi mới, anh lại gọi điện thoại cho mẹ để trò chuyện, chia sẻ ríu rít như cậu bé, khác hẳn việc anh thể hiện mình là một phóng viên lão luyện trong làng báo khi nói chuyện với người khác.
Tại gia đình các nạn nhân da cam Đà Nẵng, Adam đã thực sự xúc động. “Sốc” là cảm xúc mà anh chia sẻ với cả đoàn khi nhìn thấy nỗi đau mà các nạn nhân da cam đang phải chịu đựng. “Quá bất công. Chiến tranh đã qua hơn 40 năm rồi, tại sao họ có thể phải chịu đựng những nỗi đau lớn lao như vậy? Tôi nghĩ họ đã vượt qua chính nỗi đau ấy, với sự hỗ trợ lớn từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng và cộng đồng cũng như tất cả người dân Việt Nam”, Adam chia sẻ.
Lương Hoàng Giáp cho biết, trong 7 năm làm việc ở Bộ Ngoại giao và dẫn hàng trăm phóng viên nước ngoài tác nghiệp ở nhiều chương trình về da cam, rất ít lần anh chứng kiến cảnh cả đoàn quay phim xúc động và rơi nước mắt như khi đến với các nạn nhân da cam ở Đà Nẵng.
Adam bảo anh rất ấn tượng về cô Hiền (bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin Đà Nẵng – DAVA - PV) vì những câu nói, câu chuyện của cô rất cảm xúc và thuyết phục, cho thấy DAVA đã làm rất tốt và những nạn nhân da cam ở Đà Nẵng có cuộc sống khó khăn thế nào, nhưng họ vẫn hòa nhập với cộng đồng như bao người bình thường khác.
Adam không phải là nạn nhân chiến tranh, anh là bệnh nhân của bệnh u xơ thần kinh (NF1). Mục đích chuyến đi lần này của anh và các cộng sự ngoài việc tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam, về sự thật đằng sau những nỗi đau mang tên da cam mà người dân phải gánh chịu, còn là ước muốn được tiếp xúc với những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực di truyền, chất độc da cam và chuyên gia về căn bệnh NF1.
Adam cho biết, căn bệnh của anh khó có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Phần lớn chuyên gia cho rằng do di truyền hoặc do anh bị nhiễm từ môi trường sống. Nhưng cũng có thể do một loại chất độc, như chất độc da cam chẳng hạn, vô tình bị nhiễm đâu đó. Bởi vậy anh mới cùng đoàn qua Việt Nam và tìm hiểu thông tin về chất độc và nạn nhân da cam.
Chia sẻ về gia đình mình, Adam cho biết, gia đình anh hiện ở Luân Đôn. Adam còn có một người anh sinh đôi và cũng bị u xơ thần kinh nhưng triệu chứng khác. Anh thì bị dị tật ở khuôn mặt còn anh trai có về vấn đề thần kinh và bị chứng mất trí nhớ tạm thời nên không thể nhớ được bất cứ điều gì quá 20 phút. Anh bảo, dẫu sao mình còn may mắn hơn người anh trai là còn cái đầu tỉnh táo để làm việc.
Adam cho biết, anh sẽ trở lại Đà Nẵng, trong một ngày gần nhất để viết tiếp câu chuyện về thành phố biển xinh đẹp, thân thiện và mến khách, thành phố của tình người.
PHƯƠNG TRÀ