.

Tạo niềm hứng thú

.

Hơn 10 năm qua, môn Tin học được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, hình ảnh những học sinh tiểu học tay gõ thoăn thoắt, mắt nhìn lên màn hình đã không còn hiếm. Việc dạy tốt, học tốt môn Tin học từ trong nhà trường sẽ làm bàn đạp giúp nhiều em trở thành những người ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin (CNTT).

Một tiết Tin học với máy móc, phòng ốc hiện đại của học sinh Trường THCS Tây Sơn. Ảnh: Q.T
Một tiết Tin học với máy móc, phòng ốc hiện đại của học sinh Trường THCS Tây Sơn. Ảnh: Q.T

Tin học là môn học “đặc biệt”

Từ năm học 2003-2004, Tin học được ngành Giáo dục đưa vào chương trình học bắt buộc đối với khối THPT và là môn học tự chọn cho các cấp tiểu học và THCS. Đến nay, sau hơn 10 năm có mặt trong chương trình, Tin học vẫn được xem là “môn phụ”, nhưng ngày càng thu hút học sinh. Cũng bởi, trong thời đại ngày nay, ngay từ nhỏ các em đã được cha mẹ cho tiếp xúc với máy tính, công nghệ nên việc được học chuyên sâu trong nhà trường sẽ tạo được hứng thú lớn. Chương trình Tin học cấp tiểu học nhằm tập cho các em làm quen với máy vi tính, thông qua đó, học những kỹ năng như đánh máy vi tính bằng 10 ngón tay không cần nhìn bàn phím; làm quen với những phần mềm như gõ tiếng Việt, vẽ hình ảnh, tính toán đơn giản; sử dụng thành thạo các phần mềm có sẵn trong máy vi tính, biết làm chủ hoàn toàn máy vi tính, phát triển cao hơn nữa khả năng tư duy sáng tạo… Dù thời lượng học ngắn, chỉ khoảng 1-2 tiết/tuần, nhưng thông qua những buổi “vừa học vừa chơi” như vậy, các em sẽ có niềm say mê với tin học, nắm bắt được những thao tác chuẩn xác khi làm việc với máy vi tính.

Phòng máy dành cho bộ môn Tin học của thầy trò Trường THCS Tây Sơn gồm 40 máy vi tính màn hình phẳng (mỗi em được ngồi 1 máy). Thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, việc ngành Giáo dục đưa Tin học vào giảng dạy trong chương trình Tiểu học, THCS là hoàn toàn hợp lý bởi các em được tiếp xúc với máy tính, Internet từ sớm sẽ thuận lợi cho việc tiếp cận CNTT về sau này. Mặc dù hiện nay, vì nhiều nguyên nhân khách quan, cơ sở vật chất của nhà trường còn chưa được đầy đủ nên chỉ mới ½ khối lớp được học Tin học nhưng cả phụ huynh và học sinh đều bày tỏ mong muốn được tăng tiết Tin học trong phân phối chương trình. Em Võ Huy Hoàng (học sinh lớp 6/1) hồn nhiên: Em đang học gõ bàn phím mà không cần nhìn xuống, khó lắm nhưng em thấy những người giỏi CNTT đều gõ như vậy, không ai vừa gõ vừa nhìn hết nên con sẽ cố gắng học.

Nói Tin học là môn học đặc biệt là bởi vì, không thể học “chay” mà không thực hành. Trừ những trường ở trung tâm thành phố, các trường ở ngoại thành đều thiếu máy vi tính trầm trọng. Điển hình như Trường tiểu học An Phước (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), toàn trường có 6 lớp được học Tin học (ở cơ sở chính), các cơ sở phụ đều không được học. Phòng máy của trường chỉ có 8 máy (3 máy còn lại thường xuyên hư hỏng) nên 4-5 em học sinh học chung 1 máy. Dù vậy, tiết Tin học nào của các em cũng tràn ngập tiếng cười. Cô Ngô Thái Thảo, giáo viên Tin học cho biết, dù trong điều kiện thiếu thốn nhưng các em tiếp thu kiến thức rất nhanh. Ở nhà, đôi khi các em bị cha mẹ cấm đoán “đụng” vô máy vi tính nhưng đến trường được sử dụng có kiểm soát nên cứ đến tiết tin học là các em vui lắm. Năm học trước, Trường tiểu học An Phước có một học sinh học lớp 4 là em Phạm Nguyễn Đăng Huy đoạt giải nhất giải kỳ thi Tin học trẻ cấp thành phố.

Cần linh động trong dạy và học

So với các môn học khác, Tin học là môn “sinh sau đẻ muộn”, khó học, có nhiều khái niệm trừu tượng, nhiều thuật ngữ chuyên nghành, sử dụng chủ yếu bằng ngôn ngữ tiếng Anh, vì vậy học sinh khó hiểu, khó hình dung. Nhiều học sinh có tâm lý “thích máy tính là sẽ học giỏi Tin học” là hoàn toàn sai lầm. Nhất là ở cấp tiểu học, lứa tuổi nói chưa rành, hiểu chưa thông, ngôn ngữ tiếng Việt nắm chưa vững nên việc học Tin học rất dễ bị chán nản (nếu học lý thuyết) và xảy ra ồn ào, náo động (mỗi tiết học thực hành). Một số thầy cô dạy Tin học ở các trường tiểu học cho biết, khó khăn nhất với thầy cô là việc thiếu máy tính thực hành. Thông thường sẽ có 4-5 em/máy, nhiều em học sinh nhút nhát nên bị giành máy, nếu thầy cô không quan sát kỹ để phân bố máy cho công bằng thì rất dễ gây tâm lý chán nản ở các em.
Còn đối với chương trình Tin học THCS, theo thầy Trần Ngọc Thiên Lâm, Tổ trưởng bộ môn Toán-Tin Trường THCS Tây Sơn, thì nội dung chương trình Tin học khá hợp lý nhưng vẫn nên cập nhật cho phù hợp với thực tế; bởi hiện nay, lớp 6 học Word, lớp 7 học Excel, lớp 8 học Pascal và lớp 9 học Powerpoint, mạng Internet. Trong khi học sinh ngay từ lớp 5, 6 đã biết tìm kiếm và sử dụng mạng Internet mà phải đợi đến lớp 9 mới dạy thì chương trình dạy không theo kịp trình độ học sinh. Chính vì vậy, theo thầy Lâm, thầy cô cần linh động, sáng tạo chương trình dạy, chú trọng đến mức độ tư duy nhận biết và thông hiểu của học sinh. Từ đó phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu tin học của các em, giúp các em lựa chọn đúng đắn hướng đi cho riêng mình.

Riêng đối với Tin học THPT, nhiều năm nay, học sinh đã “kêu ca” về học phần ngôn ngữ lập trình Pascal quá khó, đặc biệt là ở năm học lớp 11. Thầy Lê Văn Hoàng, giáo viên Tin học Trường THPT Hòa Vang thừa nhận, học phần về ngôn ngữ lập trình, thuật toán trong Pascal làm khó các em. Tuy nhiên, thầy cô luôn linh động trong cách dạy và cho điểm, chủ yếu để các em làm quen và đạt chuẩn khung của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Những em nào có niềm đam mê, nhu cầu học lên cao, thầy cô sẵn sàng hỗ trợ, bồi dưỡng thêm.

Với sự tiếp cận sớm đối với bộ môn Tin học và những kiến thức đã được giảng dạy, những em có niềm đam mê với Tin học sẽ được định hướng từ sớm và có thể sẽ trở thành những kỹ sư CNTT giỏi trong tương lai.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.