Mặc dù bằng cấp là một tiêu chí quan trọng của nhà tuyển dụng, nhưng tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp đang chuyển từ “bảng điểm học tập hoàn hảo” sang hướng đến việc phát triển các kỹ năng. Các nhà tuyển dụng nhấn mạnh tầm quan trọng của các kỹ năng mềm và phẩm chất hơn là việc có được điểm số học thuật cao.
Một tiết học thực hành kỹ năng mềm của sinh viên Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng. (Ảnh do trường cung cấp) |
Chỉ bằng “đẹp” thôi là chưa đủ
Vừa mới tốt nghiệp khoa Kỹ thuật điện - điện tử, chuyên ngành hệ thống điện (Trường CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng) được bốn tháng, Trịnh Anh Sang đã “nhảy việc” qua 3 công ty. “Đến công ty thứ ba thì em thấy phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, môi trường làm việc tốt, có cơ hội phát triển nghề nghiệp nên em quyết định sẽ gắn bó lâu dài”, Sang cho biết.
Vào làm ở Công ty Toàn Cầu Thịnh (Đà Nẵng) với lương khởi điểm học việc là 3,5 triệu đồng, sau nửa tháng thử việc, mức lương của Sang được tăng lên 6 triệu đồng/tháng và đảm nhiệm chức tổ trưởng. “Quá trình làm việc, em thấy kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng. Mỗi người chịu trách nhiệm cho từng mảng công việc, cuối giờ sẽ báo cáo tiến độ cho người phụ trách. Ngoài ra, khả năng giao tiếp cũng quyết định phần nào hiệu quả công việc, như cách trình bày với cấp trên như thế nào, điều hành công việc với cấp dưới ra sao... đều phụ thuộc nhiều vào cách diễn đạt và thuyết phục của mình”, Anh Sang chia sẻ. Như với vị trí tổ trưởng, lại vừa mới ra trường, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, trong khi có những thành viên trong tổ hơn mình đến gần chục tuổi, Sang kể, mình cũng phải khéo léo khi chỉ những sai sót trong vận hành, thi công. “Phải làm sao để các thành viên trong tổ đều hợp tác tốt với mình trong công việc vì hiệu quả của cả tổ cũng phụ thuộc vào từng thành viên”. Những kỹ năng này, Trịnh Anh Sang cho rằng, mình được trang bị từ khóa học kỹ năng trong khuôn khổ dự án Kỹ năng thành công cho thanh niên, do Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Đà Nẵng phối hợp với tổ chức Save the Children International (SCI) thực hiện tại Trường CĐ Công nghệ. Với kiến thức chuyên môn vững vàng, khả năng điều hành có hiệu quả, chắc chắn, những người như Sang sẽ còn vươn xa hơn nữa trong công việc.
Với chương trình đào tạo kỹ năng mềm của SCI, sinh viên (SV) năm cuối được trang bị các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tìm việc và phỏng vấn xin việc, phỏng vấn và thái độ làm việc, giáo dục tài chính. Ngay như cách nghe, các bạn SV cũng phải biết phân biệt được nghe và nghe có mục đích bởi “nghe cũng là một kỹ năng cần được rèn luyện và cần được lưu tâm tại nơi làm việc trong khi phỏng vấn”... Ngoài ra, ở những buổi học cuối cùng, khóa học còn tổ chức các buổi đối thoại, giao lưu để SV tiếp xúc với doanh nghiệp để thực hành phỏng vấn xin việc cũng như cách giải quyết các tình huống có thể xảy ra tại nơi làm việc.
Từ khóa học kỹ năng mềm cho SV năm cuối, Trần Quốc Cảnh (SV ngành Cơ - Điện tử, Trường CĐ Công nghệ) rất tự tin khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng tại Công ty Thang máy Misubishi tại thành phố Hồ Chí Minh. “Ngoài kiến thức chuyên môn, quá trình tuyển dụng chủ yếu doanh nghiệp hỏi về kỹ năng làm việc nhóm cũng như yêu cầu ứng viên giới thiệu các thế mạnh cá nhân, cách phân biệt giữa làm việc độc lập và làm việc nhóm. Do đã được thực hành trước một số tình huống khi tham gia tuyển dụng, tâm lý của em khá thoải mái”, Cảnh cho biết. Trong khi đó, một số bạn học cùng khóa với Cảnh rất lúng túng khi chuẩn bị hồ sơ tuyển dụng, thậm chí là không lọt qua được vòng sơ tuyển.
Cả Sang và Cảnh đều nhận xét rằng, trong quá trình học tập, SV thường không chú trọng nhiều đến việc rèn luyện và tích lũy kỹ năng mềm, nhưng khi bắt đầu tham gia tuyển dụng, đặc biệt là trong quá trình làm việc, mới thấy kỹ năng là rất quan trọng, đôi khi là yếu tố quyết định đến sự thành công trong công việc. Như câu chuyện một SV Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã trúng tuyển trong đợt tuyển dụng nhân sự của một tập đoàn viễn thông: Nhà tuyển dụng đặt ra tình huống: Nếu bạn là cửa hàng trưởng, trong tình huống có một khách hàng đến khiếu nại vào lúc 8 giờ tối trong tình trạng đã say xỉn, bạn giải quyết thế nào? Bạn SV này đã lọt qua cửa tuyển dụng một cách thuyết phục với câu trả lời rất “sáng tạo”, không hề có trong sách vở: Sẽ mời vị khách thêm vài lon bia nữa cho xỉn luôn, chứ lúc đó có cố giải thích thì khách cũng sẽ không lưu tâm mà chỉ có làm cho cửa hàng thêm ầm ĩ, ảnh hưởng đến những khách hàng khác. Và đúng là chỉ sau một thời gian ngắn, người có câu trả lời táo bạo đã được bổ nhiệm làm cửa hàng trưởng của một chi nhánh.
Đầu tư kỹ năng để tránh thất nghiệp
Chia sẻ của ông Phillip Allen, Giám đốc Nghiên cứu thị trường UTS: INSEARCH tại Hội thảo Định hướng và tư vấn xu hướng nghề nghiệp trong năm 2020 và tương lai cho SV Việt Nam mới tổ chức tại Đà Nẵng rất đáng được lưu tâm: “Những sinh viên nắm chắc kỹ năng chuyên môn trong quá trình học tập tại đại học, bất kể ở chuyên ngành nào, kết hợp với kỹ năng tiếng Anh và kỹ năng mềm vững vàng, sẽ là những người có thể thích ứng tốt nhất và được các nhà tuyển dụng săn đón trên thị trường lao động toàn cầu đang có nhiều đổi thay”.
Có lẽ chính vì vậy mà 4 năm trở lại đây, Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng xây dựng chương trình kỹ năng mềm trở thành một yêu cầu của chuẩn đầu ra. Thầy Nguyễn Tiền Tiến, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngoài kỹ năng cứng, trong chương trình đào tạo, chúng tôi xây dựng 10 kỹ năng mềm mà SV buộc phải có trong chuẩn đầu ra, gồm có tin học và ngoại ngữ và kỹ năng sống. Ngoài tin học và ngoại ngữ, hiện nay, nhà trường đã đảm nhận giảng dạy được các kỹ năng sống như tư duy sáng tạo, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thuyết trình, lập kế hoạch và tổ chức công việc, kỹ năng quản lý thời gian. Riêng kỹ năng chịu áp lực, nhà trường chưa tổ chức đào tạo được”.
Thường từ học kỳ II của năm thứ nhất, SV bắt đầu đăng ký học các kỹ năng để trước khi tốt nghiệp ra trường, buộc phải có chứng chỉ kỹ năng mềm. Mỗi lớp học chỉ có tối đa là 40 SV với 6 buổi học/kỹ năng, trong đó, 2 buổi học cuối sẽ có 2 giảng viên đảm nhận để thực hành các tình huống theo nhóm. Thầy Nguyễn Tiền Tiến cũng đảm nhiệm giảng dạy lớp kỹ năng giải quyết vấn đề, nhận xét: “Học kỹ năng sống cũng giống như học bơi, phải xuống nước mới tập bơi được. Các em đều biết có câu chuyện phải bơi, nhưng bơi thế nào mới là quan trọng. Thế nên, từ những kiến thức trong khóa học trở thành kỹ năng ứng xử, thành thói quen thì với chỉ hai buổi thực hành là không đủ, các em phải tham gia các hoạt động xã hội ở trường, lớp, các câu lạc bộ - đội - nhóm, đi làm thêm hay chỉ đơn giản là học tập theo nhóm”. Chẳng hạn như, có những SV đã hoàn thành khóa học kỹ năng giải quyết vấn đề nhưng vẫn nhờ thầy tư vấn cho cách xin số liệu kế toán trong đợt thực tập, vì “em không có cách nào tiếp cận được với người hướng dẫn”.
Thầy Nguyễn Tiền Tiến cũng nhận xét rằng, thường trong quá trình học, các bạn SV không ý thức được tầm quan trọng của việc tích lũy kỹ năng mềm, nhưng qua phản hồi từ cựu SV cho thấy, khi va đập thực tế công việc, thì mới thấy được hết sự cần thiết của những kiến thức từ những khóa huấn luyện kỹ năng sống mới. Việc Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng tổ chức cho SV năm cuối vấn đáp báo cáo thực tập cũng được xem như là một cuộc tập dượt, sát hạch kỹ năng cứng và kỹ năng mềm của SV trước khi ra trường.
Không phải là một chứng chỉ bắt buộc cho chuẩn đầu ra, Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) đưa nội dung về kỹ năng giao tiếp trở thành môn học tự chọn với dung lượng 2 tín chỉ áp dụng cho những SV năm cuối. Ngoài ra, nhà trường có kết nối với Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Đà Nẵng để triển khai dự án Kỹ năng thành công cho thanh niên áp dụng cho SV năm cuối được 2 năm nay.
Thực tế tuyển dụng cho thấy, mỗi một hồ sơ của ứng viên, bộ phận nhân sự chỉ xem trong chưa đầy một phút, nên bằng cấp của SV chưa phải là điều quan trọng, mà phải là những chi tiết liên quan đến thế mạnh của mỗi cá nhân. Và quan niệm chú trọng đến bằng cấp, điểm số phải được thay thế bằng công thức mới: kiến thức + kỹ năng + thái độ.
9 kỹ năng cần thiết với sinh viên Kỹ năng xác định mục tiêu phù hợp Để đạt được những thành công trong cuộc sống, cần phải biết đặt ra những mục tiêu phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và quyết tâm thực hiện chúng. Mục tiêu phù hợp sẽ giúp con người sống có mục đích, biết quý trọng cuộc sống của mình và đặt mình vào cuộc sống có ý nghĩa. Kỹ năng tự nhận thức Tự nhận thức là tự biết mình là ai, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, mối quan hệ với những người xung quanh… Nhận thức rõ về bản thân giúp cá nhân thể hiện sự tự tin và tính kiên định để có thể giải quyết vấn đề và ra quyết định hiệu quả. Kỹ năng giao tiếp Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường xuyên phải giao tiếp với nhiều người, với nhiều đối tượng thuộc các tầng lớp khác nhau. Sự tinh tế, khéo léo trong cách ứng xử với mọi người đã giúp cho chúng ta đạt tới nghệ thuật giao tiếp. Giao tiếp tốt chính là chìa khóa dẫn đến 85% thành công trong công việc. Kỹ năng ra quyết định và xử lý vấn đề Ra quyết định là việc làm quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Việc ra quyết định đòi hỏi suy nghĩ linh hoạt, kịp thời, sáng tạo. Điều đó sẽ giúp sinh viên luôn có sự lựa chọn đúng đắn trong các mối quan hệ giữa tình bạn – tình yêu, việc học tập cũng như đi thực tập của bản thân. Kỹ năng làm việc theo nhóm Khi làm việc theo nhóm thì hiệu quả công việc cao hơn nhiều so với làm việc đơn lẻ. Biết lắng nghe và học hỏi từ những lời phê bình của người khác Việc giữ thái độ bình tĩnh và có thái độ ứng xử phù hợp trước những lời phê bình là vô cùng cần thiết, nó phản ánh thái độ cầu thị của một sinh viên. Năng động, tự tin và biết thuyết phục người khác Thái độ tự tin là rất quan trọng khi bạn muốn gây ấn tượng với một ai đó. Việc bạn tỏ ra khiêm tốn khi nhận được lời tán dương của người khác là rất quan trọng nhưng việc bạn làm cho người khác nhận rõ những điểm mạnh của bạn cũng quan trọng không kém. Kỹ năng ứng phó với cảm xúc căng thẳng Thích nghi với sự căng thẳng sẽ giúp sinh viên có suy nghĩ tích cực dù khó khăn, dần biến sự căng thẳng thành một động lực tích cực. Làm được điều đó, cuộc sống của bạn sẽ luôn tươi mới. Kỹ năng làm chủ và tự đánh giá bản thân Tập cách tự suy nghĩ và quyết định cho bản thân từ việc ngành nghề cho đến học hành. Tìm hiểu bản thân mình để xác định cho mình mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng. Không ai hiểu rõ mình hơn chính bản thân mình. Tìm hiểu những điểm mạnh yếu của bản thân để phát huy tối đa sở trường và hoàn thiện chính mình. H.N (dẫn theo Vietnamnet.vn, 30-11-2013) |
HÀ TRẦN