Những ngày gay cấn đến “nghẹt thở” cùng nước Mỹ tạm khép lại với cái tên Donald Trump. Xem bầu cử tổng thống Mỹ hồi hộp như xem trận chung kết Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, “cô” nào được xướng tên mãi đến phút chót vẫn gây tò mò. Đến khi tìm ra được “hoa hậu”, người ta vẫn ngập trong mớ cảm xúc ngổn ngang và đối lập: vỡ òa hạnh phúc-tiếc nuối bất tận, kể cả những tranh cãi không dứt về sự xứng đáng của ngôi vị.
Đã và sẽ còn nhiều, nhiều các diễn đàn mổ xẻ “chuyện gì đang xảy ra với nước Mỹ”, nhưng có một điều hiển nhiên đó là: Cứ ước mơ đi, không gì là không thể!
Hiến pháp Mỹ đưa ra quy định rất thoáng đối với người muốn làm tổng thống nước này, như chỉ cần đủ các điều kiện: Sinh ra ở Mỹ, trên 35 tuổi, công dân Mỹ trong 14 năm. Thế nhưng, một “tay” chuyên làm kinh tế và mang tiếng “lơ mơ” chính trường cũng lập tức bị chế nhạo khi “bon chen” làm người đứng đầu chính phủ, dù người này đủ 3 điều kiện cần trên. Bởi trước đó, người ta liệt kê hàng loạt các ứng viên tổng thống Mỹ lọt đến vòng chung kết trong vòng 70 năm qua và đều thấy điểm chung ở họ là xuất thân thượng nghị sĩ, thống đốc, phó tổng thống hoặc tướng 5 sao, trong khi Trump bao năm qua nổi lên là “ông trùm” cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới, một doanh nhân nhiều tiền và nhiều tai tiếng liên quan đến phụ nữ.
Nói gì thì nói, đồn đoán kiểu gì thì đồn đoán, giờ đây tổng thống Mỹ là Donald Trump. Rất nhiều người lạc quan nói rằng: Khi thiếu tự tin, hãy nhìn Trump! Đúng là nếu không tin mãnh liệt vào ước mơ của mình sẽ không thể có một tổng thống Mỹ như hôm nay chúng ta đang thấy. Những người theo sát các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đều nói cuộc tranh cử lần này là “chưa từng có”, là “cơn địa chấn”, “kỳ lạ nhất”. Nói chung, cũng tại ứng cử viên Trump không phải là nhà chính trị mà trước đó đơn thuần là người giỏi kiếm tiền. Nhưng cuối cùng, tất cả mọi sự lạ lùng đã được giải đáp bằng cái kết: Niềm tin của ông Trump đã thắng.
Không biết trong số những người chế giễu ông Trump có bao nhiêu người từng mạnh dạn thốt lên ước mơ trở thành tổng thống, dù trong lòng ấp ủ mơ ước ấy. Hình như lâu lắm rồi đến mức thành “nếp”, rằng ước mơ nếu chỉ là mơ “vừa vừa” sẽ dễ dàng được thổ lộ, còn mơ “cao ngất” lại chẳng mấy khi dám nói ra.
Thật phi lý nhưng rất… có lý là ước mơ của chính mình nhưng khi thốt lên phải nhìn trước ngó sau xem số đông có chấp nhận?! Thử hỏi một phóng viên của một tờ báo, có mấy ai dám tự tin nói trước tập thể: Mục tiêu của tôi 10 năm tới là trở thành tổng biên tập? Thử hỏi có mấy cô giáo hùng hồn khẳng định trước tập thể sư phạm: Tôi sẽ trở thành hiệu trưởng? Thử hỏi có mấy công nhân tuyên bố trước toàn thể công ty: Tôi sẽ phấn đấu thành tổng giám đốc điều hành đơn vị này? Không biết có mấy người nói, nhưng chắc chắn một điều, những người “lỡ” nói ra câu này không bị cười nhạo, bị đánh giá “láo”, thì chí ít cũng mang cái tiếng “thiếu khiêm tốn” cả đời. Chẳng biết mấy ai ngưỡng mộ một người dám bộc lộ ước mơ của mình, nhưng người “găm” trong lòng theo dõi: “Coi lúc mô hắn trở thành như rứa” chắc nhiều vô kể.
Cứ nhìn Trương Đình Anh, người “nổi tiếng” với câu nói: “Ước mơ của tôi là sẽ trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành thủ tướng năm 40 tuổi” sẽ có ngay câu trả lời. Người nhớ Trương Đình Anh (sinh năm 1970) như một chuyên gia máy tính, từng là Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu… chắc chắn không nhiều bằng nhớ những phát ngôn của anh bị gán cho hai chữ “ngông cuồng”.
Câu nói ấy được thốt lên từ nhiều năm trước, nhưng đến bây giờ vẫn nổi tiếng và “độc đáo”, bởi dường như sau anh, không người trẻ nào dám công khai thẳng thắn nói lên ước mơ đó, có chăng là âm thầm nuôi dưỡng để một ngày có thể đường đường chính chính trở thành thủ tướng thực sự thay vì “bán” ước mơ với giá 0 đồng cho thiên hạ dèm pha. Ước mơ trở thành thủ tướng mà “ngông cuồng”, thì có ước mơ “cao ngất” nào không bị cho là quá đáng!
Bởi vậy mới nói, thật phi lý mà rất có lý khi ước mơ riêng của mỗi người lại trở thành thứ cho những kẻ khác phán xét rằng “đáng hay không”.
CHÍCH BÔNG