.

Rong ruổi dưới ánh đèn đường

.

Đêm xuống, những người bán hàng rong lại tất tả ra đường để bắt đầu một đêm làm việc mới. Họ rong ruổi trên nhiều cung đường, góc phố, với sinh kế giản đơn là đôi gánh trên vai, chiếc xe đạp hoặc xe máy cũ chở những thức ăn, đồ uống, đồ chơi trẻ em… bình dân, chẳng tốn mấy đồng tiền vốn.

Bán hàng rong trước Công viên 29-3. Ảnh: T.T
Bán hàng rong trước Công viên 29-3. Ảnh: T.T

Thắc thỏm chỗ đứng

Chị Hà Thị Lành (25 tuổi, quê Bắc Ninh) cùng chồng vào Đà Nẵng mưu sinh chừng 3 năm nay với sinh kế “truyền thống” của những người miền Bắc là xe bắp rang, xúc xích, trứng cút chiên… Chỗ đứng bán quen thuộc của hai vợ chồng là vỉa hè đường Trần Hưng Đạo: chồng đứng đoạn gần cầu Rồng, vợ thì đứng đoạn gần cầu Sông Hàn. Thường thì những tháng mùa mưa này việc buôn bán của hai vợ chồng bắt đầu khó khăn, ế ẩm. Vì vậy, vợ chồng chị Lành đang tính ráng bán ít bữa nữa sẽ về thăm con, thăm quê, để Tết phải ở lại bán. “Đứng bên bờ này chủ yếu bán được những ngày lễ, Tết, chứ ngày thường không ăn thua, chứ  không như bên phố, có thể bán nhộn nhịp quanh năm. Vì vậy phải tranh thủ. Ba năm vào Đà Nẵng cũng là ba năm vợ chồng em chưa được về quê ăn Tết”, chị Lành tay thoăn thoắt rang bắp cho khách nói giọng buồn buồn.

Đứng bên cạnh xe hàng bán đồ ăn vặt của chị Lành là xe hàng bong bóng bay, kẹo bông của anh Nguyễn Tiến Hoan, người Thanh Hóa. Anh Hoan cũng than phiền rằng, nếu có được một chỗ đứng “bên phố” như đoạn gần Công viên 29-3, thì việc buôn bán sẽ thuận lợi hơn nhiều, với sức mua gấp 5-10 lần. Trừ khách du lịch, dân ở đây phần lớn còn nghèo nên việc mua hàng quà người ta cũng khá dè sẻn. “Cây kẹo bông bên phố có thể bán với giá 10.000-15.000 đồng, nhưng ở đây nhiều bữa ế, 5.000 đồng cũng phải bán”, anh Hoan thật thà. Cũng như chị Lành, anh Hoan vào Đà Nẵng chưa lâu, những “chỗ đẹp” người ta đã giành hết, giờ phải chịu khó tìm khách quen quanh khu vực này. Và cũng mấy năm rồi, anh Hoan không biết đến không khí đón xuân nơi quê nhà ra sao.

Ngoài lo tìm, giữ chỗ đẹp, những người bán hàng rong thường phải nơm nớp “canh” lực lượng trật tự quy tắc đô thị. Ở những khu vực càng nhộn nhịp, đông đúc càng lo. Cô Loan (một người bán rong cóc, xoài, ổi gần khu vực cầu Rồng) kể, nhiều người bán hàng rong như cô không kịp lẩn tránh các đội quy tắc, bị gom hết hàng, coi như cụt vốn. Hồi mới vào “nghề”, cô Loan cũng bị mấy phen hú vía. Hiện cô Loan đã có một lượng khách ổn định.

Loay hoay phận nghèo

Chập tối, hòa trong dòng người ngược xuôi, một hình ảnh đã trở thành thân quen trên nhiều cung đường xung quanh cầu Sông Hàn, cầu Rồng, công viên… là những cuốc xe chở hàng rong lao đi tất bật, vội vã. Đàn ông có, phụ nữ có, người trẻ có, người già cũng có.

Vợ chồng ông Thành (68 tuổi, tổ 17, phường An Hải Bắc) sắm xe đẩy thùng kem ký, sữa chua muối rong ruổi đi bán buổi tối ở vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, để “kiếm thêm tiền đong gạo” cũng đã ngót 4 năm. Ngày bán được hai vợ chồng kiếm được từ 100.000-200.000 đồng, ngày ế thì được vài chục ngàn. “Tuổi già, không còn sức đi biển nữa, ngồi không thì biết lấy gì ăn”. Vợ chồng ông Thành có 4 cô con gái nay đều đã lập gia đình nhưng cả vợ lẫn chồng các con ông bà đều là lao động phổ thông, công việc vất vả, thu nhập không bao nhiêu nên đã rất chật vật để lo cho gia đình riêng. Vợ chồng ông không muốn làm phiền con cháu nên “không thể ngồi yên”.

Theo ông Thành, người dân xung quanh khu vực An Hải Bắc, Nại Hiên Đông này, ngày trước
phần lớn làm nghề đi biển, sau giải tỏa, họ phải bán ghe, chuyển đủ nghề kiếm sống, nhưng vì không có tay nghề, ít vốn, nghề bán rong những đồ ăn vặt được nhiều người lựa chọn như bán hột vịt lộn, nước mía, cóc, xoài, ổi…

Trong “làng” bán hàng rong, cũng có những người may mắn khấm khá nhưng đó chỉ là số rất ít. Phần lớn, do hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe không cho phép buộc phải chuyển nghề. Như trường hợp ông Phạm Đức Thanh (58 tuổi, trú ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) là một ví dụ. Ông Thanh chuyển từ nghề thợ nề sang bán bánh bao đêm chừng 5 năm nay vì sức khỏe yếu, gia đình khó khăn. Tưởng chuyển nghề bớt vất vả nhưng công việc mỗi ngày của ông Thanh xem ra cũng chẳng mấy an nhàn. Ngoài khâu chuẩn bị, nấu bánh bao ở nhà, từ tầm 4 giờ chiều, ông Thanh bắt đầu rong ruổi khắp các nẻo đường từ phường Hòa Cường Bắc lên đến cầu Rồng, đường Bạch Đằng, cầu Thuận Phước, có hôm ế phải đi xa hơn, đến 11-12 giờ đêm mới về đến nhà. Vất vả là thế, nhưng may lắm, thu nhập mỗi ngày cũng chỉ “đủ ăn”.

Tuy có một số hình ảnh không mấy đẹp ở những gánh hàng rong tại một số con đường du lịch như bu bám, chèo kéo khách hay hớt hải, nháo nhào bỏ chạy tán loạn, hàng hóa rơi vãi khắp nơi khi nhác thấy những người trong Đội quy tắc đô thị xuất hiện, có thời điểm gây mất vệ sinh, mỹ quan, trật tự đô thị… nhưng có một thực tế là những gánh hàng rong không đòi hỏi nhiều về nguồn vốn, tay nghề này đang là kế sinh nhai khá phù hợp đối với một bộ phận người nghèo.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.