.

Từ sổ tay của nhà thám hiểm

.

Cuốn sách bao gồm các phác thảo ghi chép từ các cuộc hành trình đầy khám phá đến những vùng đất xa lạ, của những nhà thám hiểm, những nghệ sĩ từ những thế kỷ trước.

Bìa cuốn “Explorers’ sketchbooks-The art of Discovery and Adventure”.
Bìa cuốn “Explorers’ sketchbooks-The art of Discovery and Adventure”.

Có nhà thám hiểm ít được biết đến như Adela Breton, người đã bất chấp những khu rừng hoang dại của Mexico để lập ra một kỷ lục về các di tích của người Maya. Alexandrine Tinne, người qua đời trong nỗ lực của mình là người phụ nữ đầu tiên vượt qua sa mạc Sahara. Một số ít nhà thám hiểm cung cấp những suy nghĩ của họ về nghệ thuật khám phá thế giới tự nhiên.

Tất cả đều được trình bày trong cuốn “Explorers’ sketchbooks-The art of Discovery and Adventure” (tạm dịch “Những cuốn ghi chép của các nhà thám hiểm-Nghệ thuật khám phá và mạo hiểm”) của Huw Lewis-Jones và Kari Herbert. Huw Lewis-Jones, nhà sử học, người  thường xuyên đến Bắc Cực và Nam Cực và là một hướng dẫn viên về địa cực. Kari Herbert là người đã viết nhiều cuốn sách khảo sát về tài nguyên thiên nhiên  và là con gái của nhà thám hiểm nổi tiếng Sir Wally Herbert. Huw và Kari đã kết hôn và sống gần biển ở Cornwall, Anh.

Olivia Tonge vẽ các nữ trang và ếch nhái.
Olivia Tonge vẽ các nữ trang và ếch nhái.

Dưới đây là các mô tả, đôi khi bằng tranh vẽ, chi tiết qua những chuyến khám phá mang tính tiên phong, tuy có phần lập dị nhưng mang tầm nhìn xa trông rộng. Trong số này có những nhà thực vật học, nghệ sĩ, nhà sinh thái học và nhân chủng học.

Olivia Tonge (1858-1949): Sau khi chồng mất, bà đi khám phá khắp châu Á, vừa đi vừa vẽ bất cứ vật gì bà nhìn thấy. Nhưng vì cận thị, Olivia Tonge không thể vẽ phong cảnh nên bà chuyển hướng sang vẽ những hình ảnh nhỏ bé như ếch nhái hay các đồ trang sức như vòng vàng, xâu chuỗi ngọc…  những thứ bà nhìn thấy ở Ấn Độ.

Adela Breton vẽ di tích ở Mexico.
Adela Breton vẽ di tích ở Mexico.

Henry Oldfield (1822-1871): Bác sĩ phẫu thuật người Anh, ông đến châu Á trong đội ngũ dịch vụ y tế quân đội tại Ấn Độ vào năm 1846, và ông đã được phái đến Kathmandu, Nepal. Tại đây ông đã ghi chép bằng tranh nét kiến trúc và cuộc sống thường ngày bên ngoài tòa án Dhunsar ở Kathmandu.
Maria Sibylla Merian (1647-1717): Họa sĩ vẽ tranh minh họa khoa học, người Hà Lan, được biết đến với các bản vẽ rất chi tiết của cô về động vật hoang dã. Ban đầu cô vẽ mẫu từ tài liệu nghiên cứu, nhưng sau đó cô đi đến Nam Mỹ để tận mắt quan sát các loài vật trong tự nhiên. Một trong những bức tranh của cô vẽ  con cá Caiman, loài cá sấu mõm ngắn, đang đấu nhau với con rắn san hô đỏ.

Henry Oldfield vẽ kiến trúc Ấn Độ.
Henry Oldfield vẽ kiến trúc Ấn Độ.

Adela Breton (1849-1923): Nhà khảo cổ học người Anh đã vẽ và ghi chép một cách cẩn thận về những di tích tại Mexico, bao gồm cả di tích Mitla, Oaxaca. Tranh màu nước của bà rất sinh động được thực hiện  trước khi sự ra đời của nhiếp ảnh màu sắc. Những bức tranh của bà mô tả các yếu tố màu sắc cụ thể từ những nơi chốn bà đi qua, nhưng hiện nay màu sắc trên tranh đã phai mờ.

John James Audubon (1785-1851): Họa sĩ người Mỹ, được biết đến qua sự nghiên cứu sâu rộng và ghi lại tỉ mỉ tất cả các  loài chim của Mỹ và kèm hình ảnh minh họa chi tiết miêu tả các loài chim trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Cuốn “Birds of America”, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, vẫn được coi là một trong những cuốn sách về chủ đề quan trọng cho đến ngày nay. Trong đó ghi lại hình ảnh và đời sống 1.065 loài chim.

Maria Sibylla Merian vẽ cá sấu và rắn.
Maria Sibylla Merian vẽ cá sấu và rắn.

Jan Brandes (1743-1808): Mục sư người Hà Lan, là một nghệ sĩ tài năng và cũng là học giả. Ông vẽ động vật hoang dã và thực vật, đồng thời ông cũng vẽ chân dung, kiến trúc, và những cảnh quan từ cuộc sống hằng ngày của mình.

William John Burchell (1781-1863): Nhà thám hiểm Anh, nhà tự nhiên học, là tác giả hàng ngàn mẫu vật thực vật sưu tập từ các chuyến thám hiểm Nam Mỹ. Hiện Bảo tàng Đại học Oxford đang lưu giữ bộ sưu tập côn trùng của William John Burchell.

HOÀNG ĐẶNG (Theo CNN)

;
.
.
.
.
.