Mô hình chăn nuôi trên địa bàn huyện Hòa Vang đang được triển khai theo hướng an toàn sinh học. Cách làm này vừa góp phần phát triển nghề nuôi gà đồi, gà thả vườn bằng con giống địa phương, vừa tạo thu nhập, giải quyết việc làm, tạo nguồn cung cấp sản phẩm chăn nuôi tại chỗ có chất lượng, giá trị kinh tế cao cho thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm của thành phố.
Một lứa gà giống của chị Đặng Thị Trần Lịch sắp sửa được đưa ra nuôi theo dạng gà đồi, gà thả vườn. |
“Thương hiệu” Kê Sơn
Ông Huỳnh Truyền đang cởi trần lui cui chăm sóc đàn gà con thì chúng tôi đến. Mặc vội chiếc áo may-ô, ông nói ở thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong này chỉ mỗi ông là có “thâm niên” trên 10 năm nuôi gà thả vườn theo kiểu nông dân. Ông cũng muốn mở trang trại như người ta nhưng ngặt nỗi đất đai không cho phép. Thế là ông mua 2 máy ấp trứng thủ công loại nhỏ đặt ngay nhà, mày mò tìm hiểu kỹ thuật làm sao cho trứng nở đạt tỷ lệ cao.
Tháng 4-2017, xã Hòa Phong thành lập Tổ hợp tác (THT) Gà Kê Sơn, ông là một trong 6 thành viên của đơn vị. Tháng 11-2017, ông được Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố hỗ trợ một máy ấp trứng tự động công suất 500 quả trị giá 10 triệu đồng, mỗi bên chịu một nửa tiền.
Máy móc giúp ông yên tâm trong sản xuất giống gà con. Có điều, kinh nghiệm riêng ông cho thấy nhiệt kế của nhà sản xuất hiện chỉ số bên ngoài vỏ máy là 370C nhưng thực tế nhiệt độ bên trong thấp hơn. Ông phải dùng nhiệt kế đo thân nhiệt (loại này chính xác nhất) để kiểm tra nhiệt độ bên trong máy đúng 37,50C để trứng nở đều và đạt.
Nói là công nghệ cao nhưng nếu con người không “tương thích” với kỹ thuật thì hiệu quả cũng thấp lè tè. Ông đơn cử như bà con trong thôn mang trứng tới nhờ máy ông ấp, họ không quan tâm đến chất lượng nên trứng đó chỉ nở tỷ lệ tối đa cỡ 50%.
Ông thì khác, ít nhất phải đạt 90%, bởi lẽ trứng gà của ông vô lò ấp không quá một tuần tuổi, nếu để lâu trứng sẽ chết phôi và nở tỷ lệ thấp, nhất là trong mùa nắng nóng hiện nay. Hiện nay mỗi tháng ông Truyền xuất 4 đợt gà giống, mỗi đợt 200 con. Từ khi vô tổ hợp tác, ông mở rộng được thị trường qua các thành viên của tổ nên bán được số lượng nhiều hơn.
Ngoài cung cấp gà giống, các thành viên trong tổ còn nuôi gà thương phẩm. Các hộ nuôi gà đều mở sổ ghi chép về chế độ thức ăn, tiêm vắc-xin... Tổ trưởng Nguyễn Hồng Thuyên đứng ra thu mua gà của các thành viên, tổ chức giết mổ có chứng nhận của thú y, đóng gói bao bì đưa ra thị trường.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Đặng Xuân Thành cho biết, qua hỗ trợ của Sở NN&PTNT và Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố, người dân nắm được cơ bản về chăm sóc, nuôi dưỡng gà, bảo đảm gà sạch. Sau một năm thành lập THT, các thành viên trong tổ đã cấp ra thị trường gần 5.000 gà thịt thương phẩm, trên 15.000 gà giống. Hiện có 6 thành viên nữa sắp được kết nạp vào THT Gà Kê Sơn, nghĩa là gà núi.
Gà đồi, gà thả vườn an toàn sinh học
Nhà chị Đặng Thị Trần Lịch ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, rất thích hợp cho việc nuôi “gà đồi” đúng theo nghĩa đen của từ này. Nhà chị nằm bên quốc lộ 14G (đường ĐT 604 cũ), sau nhà, một bên là ngọn đồi nhỏ, một bên là đất thấp trũng quanh năm ẩm ướt. Chị thuê xe cơ giới cạp bớt một vạt đồi, đem đất lấp xuống chỗ trũng. Vì thế, 4 năm nay khi chị nuôi gà, gọi là “gà đồi” hay “gà thả vườn” đều không sai.
Mỗi khi khách đến tham quan mô hình chăn nuôi của chị, thấy gà tuyền một màu thì tỏ vẻ không thích, bởi sao thấy giống gà trang trại nuôi theo kiểu công nghiệp, cho dù thực tế đây là gà đồi thả vườn hẳn hoi. Chị cho gà ăn bắp, lúa, rau muống, chuối...
Lúa, chị cất công nấu nở ra búp hoặc ngâm nước cho nẩy mầm. Gà ăn những thức này không ngon mới lạ, chị cười. Nếu khách còn nghi ngờ chất lượng thì chị bảo cứ mua một con về ăn thử là biết ngay thôi.
Chị sắm một máy ấp trứng mi-ni được gần 5 năm nay, phần chủ động được giống gà, phần cung cấp cho bà con xa gần có nhu cầu.
Chị là một trong 11 hộ ở hai xã Hòa Phong và Hòa Phú triển khai mô hình chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm hỗ trợ. Hôm chúng tôi đến, gặp đoàn công tác của trung tâm do Giám đốc Đặng Văn Hồng dẫn đầu đến khảo sát thực tế chăn nuôi gà ở nhà chị Lịch. Nếu tình hình phát triển tốt, trung tâm sẽ hỗ trợ cho chị một máy ấp trứng tự động công suất 500 quả.
Nói về hiệu quả của mô hình, ông Hồng nhẩm tính: nuôi 100 con gà theo hình thức thả đồi, thả vườn thì trong 4, 5 tháng thu lãi khoảng trên 3 triệu đồng.
Từ hiệu quả bước đầu của các mô hình nhân giống gà địa phương quy mô nông hộ, chăn nuôi gà địa phương thả đồi, vườn theo hướng an toàn sinh học, hiện 2 xã Hòa Phong, Hòa Phú đã thành lập 2 THT chăn nuôi gà địa phương, tạo cơ sở ban đầu nhằm hỗ trợ các hộ chăn nuôi là thành viên THT trong khâu cung cấp con giống gà địa phương, chia sẻ kinh nghiệm trong kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Việc hình thành 2 THT này, theo nhận định của lãnh đạo Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm, cũng góp phần phát triển nghề nuôi gà đồi, gà thả vườn bằng con giống địa phương có khả năng thích nghi tốt, khả năng đề kháng bệnh cao, chất lượng thịt, trứng thơm ngon, giá trị kinh tế cao thích hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ khai thác tốt lợi thế diện tích vườn, đồi trong kinh tế hộ hiện nay tại các xã trung du, miền núi, tạo thu nhập, giải quyết việc làm tạo nguồn cung cấp sản phẩm chăn nuôi tại chỗ có chất lượng, giá trị kinh tế cao cho thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm của thành phố.
Cùng với công nghệ cao, trong chăn nuôi, còn phải chú ý áp dụng các biện pháp an toàn sinh học khác như: hạn chế tối đa người lạ ra vào khu vực chăn nuôi; thu gom và xử lý chất thải bằng các biện pháp thích hợp (ủ phân sinh học); áp dụng các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy trình chăn nuôi (cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt theo từng giai đoạn và nước uống sạch); chuồng nuôi bảo đảm đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý; cách ly gà ốm để theo dõi và điều trị. Nguồn: Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố Đà Nẵng |
VĂN THÀNH LÊ