Bảo vệ trẻ em gái trước xâm hại, ngược đãi

.

Sự xâm hại và ngược đãi không chỉ làm tổn thương trẻ vào thời điểm diễn ra sự việc mà còn có thể tiếp tục gây tổn thương trong suốt quãng đời còn lại của trẻ. Do đó, việc ngăn chặn và đẩy lùi nạn xâm hại và ngược đãi trẻ em luôn là mối quan tâm lớn đối với các cơ quan chức năng hiện nay.

Câu lạc bộ “Nam giới tiên phong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” tổ chức sinh hoạt định kỳ nhằm nâng cao nhận thức cho nam giới. Ảnh: Đ.H.L
Câu lạc bộ “Nam giới tiên phong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” tổ chức sinh hoạt định kỳ nhằm nâng cao nhận thức cho nam giới. Ảnh: Đ.H.L

Can thiệp khẩn cấp

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua tuy không nhiều nhưng là vấn đề đáng quan tâm. Trong năm 2016 đã xảy ra 13 vụ, 13 em bị xâm hại; năm 2017 có 16 vụ, 17 trẻ em bị xâm hại.

Đặc biệt, thời gian gần đây, dư luận cả nước và thành phố Đà Nẵng rất bức xúc trước thực trạng bạo lực trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, trong đó Đà Nẵng có 1 vụ xảy ra tại Cơ sở mầm non Mẹ Mười, quận Thanh Khê.

Anh Mai Đức Vũ, chuyên viên Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố) cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã nhận được 3 cuộc gọi đến từ 3 trường hợp trẻ em bị xâm hại, ngược đãi cần giúp đỡ gồm: 1 trẻ bị bố đánh đập, 1 trẻ bị xâm hại tình dục và 1 trẻ bị bạn bè lôi kéo bỏ nhà đi. Bất kỳ ca nào gọi đến đều được Trung tâm kết nối với chính quyền, công an địa phương can thiệp khẩn cấp.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Mai Đức Vũ kể: Trường hợp thứ nhất chỉ cách đây khoảng 2 tuần, vào lúc 9 giờ tối, cô ruột của trẻ gọi đến cho biết trẻ bị bố đánh rất nặng. Tôi đã trực tiếp gọi cho Chủ tịch UBND phường và Công an phường đến ngay hiện trường để tách đứa bé ra khỏi bố.

Sau đó, Trung tâm hỗ trợ tư vấn giúp bé vượt qua khỏi sang chấn cũng như tư vấn cho người bố về các vấn đề liên quan đến trẻ em; đồng thời giao cán bộ phụ trách lĩnh vực trẻ em phối hợp với Công an phường theo dõi gia đình để tránh trường hợp bé bị ngược đãi trong chính môi trường đó.

Đối với trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, sau khi nhận được thông tin, chúng tôi làm việc với Chủ tịch UBND phường và Công an phường để can thiệp ngay trên tinh thần giữ bí mật thông tin. Trung tâm cũng cử chuyên viên đến nhà tư vấn cho trẻ vượt qua tâm lý.

Hiện người xâm hại đang bị cơ quan chức năng điều tra. Trường hợp còn lại là một bé gái 16 tuổi bỏ nhà đi một thời gian và mang thai. Trung tâm đã gặp gỡ bé động viên và hỗ trợ kinh phí giúp bé sinh nở. Hiện gia đình bé cũng đã làm đơn gửi lên công an đề nghị điều tra đưa người xâm hại bé ra trước cơ quan pháp luật.

Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Hội) cũng cho biết, trong thời gian qua, hội phối hợp với Hội LHPN thành phố giám sát các nhóm trẻ gia đình. Tuy không phát hiện trường hợp nào vi phạm nhưng trong thực tế vẫn xảy ra, cụ thể là ở Cơ sở mầm non Mẹ Mười.

Điều này cho thấy, nếu không có mâu thuẫn giữa phụ huynh và chủ cơ sở giữ trẻ thì sự việc sẽ không bị bại lộ. Hiện nay, các trường hợp xâm hại, ngược đãi rất khó phát hiện, những thông tin đến Hội đều thông qua công an. Điển hình là một trường hợp xảy ra ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ vào năm 2014. Đó là một bé gái 11 tuổi, không có cha; hai mẹ con ở nhờ nhà cậu.

Trong lúc mẹ đi bán cá thì một thanh niên hàng xóm 22 tuổi qua hiếp dâm nhiều lần. Sau khi bị mẹ bé phát hiện, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em phường Hòa An đã làm đơn gửi lên Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố và Hội đã đề nghị các cơ quan chức năng xuống điều tra, xác minh cụ thể. Cuối cùng, vụ việc đã được làm sáng tỏ và bị cáo bị xử phạt 12 năm tù.

Hiện Hội vẫn tiếp tục giúp đỡ tư vấn bé về tâm lý và hỗ trợ xe đạp, học bổng 20 triệu đồng để bé đi học. Bên cạnh đó, Hội cũng tư vấn và giúp đỡ 10 em có nguy cơ bị xâm hại tình dục trên địa bàn thành phố.

“Các em chỉ mới 13-14 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, có hoàn cảnh rất khó khăn và ở một mình. Trong khi đó, hàng xóm luôn có người uống rượu, bia nên rất dễ có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề rất nhạy cảm, tuy nhiên những người vi phạm vẫn chưa bị xử nặng. Do đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh để răn đe tội phạm”, bà Lê Thị Tám nhấn mạnh.

Chung tay thay đổi thái độ, hành vi

Bạo lực trên cơ sở giới, trong đó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và xã hội. Việc ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là mối quan tâm của các địa phương.

Bà Trần Thị Thu Huyền, Trưởng ban Luật pháp-Chính sách, kiêm Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cho biết: “Công tác giáo dục phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố và Hội LHPN thành phố thực hiện thường xuyên.

Từ tháng 9-2015, Hội LHPN thành phố được Tổ chức UN Women chọn làm thí điểm thành lập 6 câu lạc bộ Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ tại phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) và 2 xã Hòa Phong và Hòa Khương (huyện Hòa Vang).

Sau thời gian hoạt động, các câu lạc bộ cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc giúp các thành viên câu lạc bộ, gia đình và cộng đồng nhỏ thay đổi kiến thức, thái độ, hành vi.

Các thành viên ban chủ nhiệm là những thành viên năng động trong cấp ủy chi bộ, Ban Chấp hành Chi đoàn Thanh niên, Hội Nông dân... nên việc điều hành rất thuận tiện. Đây là một hoạt động hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng công tác tuyên truyền nhằm phát huy vai trò, cũng như sự tham gia và nỗ lực của nam giới trong nhận thức đến hành vi”.

Đến nay, Hội LHPN thành phố đã nhân rộng lên 14 câu lạc bộ Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ hoạt động tại 11 phường, xã trên địa bàn quận Hải Châu và huyện Hòa Vang.

Mô hình này đã vận động nam giới áp dụng cách tiếp cận phòng ngừa theo hướng giải quyết những nguyên nhân gốc rễ và các yếu tố rủi ro gây ra bạo lực phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao năng lực cho nam giới để thể hiện nam tính theo cách không bạo lực và bình đẳng giới, cũng như tăng cường mối quan hệ, khả năng giao tiếp và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn không sử dụng bạo lực.

Từ đó, họ trở thành những thành viên luôn tích cực, đi đầu trong các hoạt động của câu lạc bộ và những hoạt động khác do dự án tổ chức.

Trong khi đó, Tổng đài Bảo vệ trẻ em quốc gia vừa chọn Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng để đặt Tổng đài Bảo vệ trẻ em quốc gia khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho 16 tỉnh, thành và dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 10-2018.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện hơn 100 buổi nói chuyện tại các trường học, khu dân cư về phòng chống xâm hại và ngược đãi trẻ em; đồng thời tập huấn cho đội ngũ giáo viên mầm non nhóm tư thục và công lập về phòng chống xâm hại và bạo hành trẻ em.

Ngoài ra, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố ký kết với Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tổ chức phiên tòa giả định tại quận Liên Chiểu để tuyên truyền cho các em phòng ngừa tình trạng bạo lực học đường.

Trong thời gian tới, theo bà Trần Thị Thu Huyền, Hội LHPN thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có hiệu quả trên địa bàn thành phố.

Trong đó, tập trung thực hiện đề tài khoa học “Giải pháp xây dựng thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ” do UBND thành phố giao, dự án “Huy động cộng đồng phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” giai đoạn 2017 đến 2020 do Hội LHPN thành phố ký kết với UN Woman. Hy vọng các hoạt động này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, tiến tới đẩy lùi nạn xâm hại, bạo lực và ngược đãi đối với phụ nữ, nhất là các trẻ em gái.

Theo Công an thành phố, từ năm 2012 đến năm 2016, thành phố có 78 vụ xâm hại trẻ em, trong đó hiếp dâm trẻ em có 35 vụ, giao cấu trẻ em có 26 vụ, dâm ô trẻ em có 12 vụ, cố ý gây thương tích trẻ em có 5 vụ.

Trong tổng số 78 vụ xâm hại trẻ em nói trên thì nạn nhân chủ yếu là trẻ em gái và đa số là bị xâm hại về tình dục. Riêng năm 2017 có 16 vụ với 17 trẻ em bị xâm hại.

Theo Hội LHPN thành phố, đến nay, Hội đã chỉ đạo cho Hội LHPN các cấp thành lập và duy trì hoạt động các mô hình về phòng chống bạo lực gia đình.

Hiện có 40 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, 714 địa chỉ tin cậy, 122 tổ phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình, 84 nhóm phòng chống bạo lực gia đình. Năm 2007, Hội đã thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài, hằng năm trung tâm tư vấn và giải quyết đơn thư về bạo lực gia đình cho trên 100 phụ nữ.
 

Đoàn Hạo Lương
 

;
.
.
.
.
.
.