Cơ hội cho học sinh tăng kỹ năng xã hội

.

Sau một năm triển khai thí điểm cho học sinh THCS nghỉ học ngày thứ bảy tại 2 quận Hải Châu và Thanh Khê, năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT Đà Nẵng khuyến khích các quận, huyện có điều kiện tiếp tục triển khai chủ trương này, giúp các con có chung lịch nghỉ của cả gia đình, nhất là vào những dịp nghỉ bù Tết, lễ. Cái được lớn nhất, theo giáo viên đánh giá, là học sinh có điều kiện để tăng thêm các kỹ năng xã hội, gắn kết với gia đình.  

Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt trong Ngày hội Văn hóa dân gian năm học 2017 - 2018 do nhà trường tổ chức.  	Ảnh: H.T
Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt trong Ngày hội Văn hóa dân gian năm học 2017 - 2018 do nhà trường tổ chức. Ảnh: H.T

Chị Tạ Thị Thu Hương, có con học lớp 9 Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) cho biết: “Những năm học trước, khi học sinh THCS chưa được nghỉ học ngày thứ bảy thì cả nhà chỉ có chung một ngày nghỉ là chủ nhật nên không tổ chức đi chơi xa được do lịch nghỉ của HS tiểu học và THCS không trùng nhau, các con vì vậy chỉ quanh quẩn cà-phê sáng với ba mẹ, chơi game trên điện thoại và ngủ là hết ngày nghỉ.

Năm vừa rồi, khi cả tiểu học và THCS cùng chung một lịch nghỉ thì các con được tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn, thời gian nghỉ dài hơn nên tuần mới đi học cùng hào hứng hơn”.

Em Lê Đăng Quốc, học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) chuẩn bị cho chuyến về quê cùng với ba mẹ vào tối thứ 6 tuần này để thăm ông nội. Năm học trước, Quốc không mấy khi được về quê cùng gia đình dù thời gian đó, bà nội em ốm nặng. Mỗi cuối tuần, khi ba mẹ và em gái thu xếp về quê thì Quốc được ba mẹ gửi em sang nhà của bạn.

“Được nghỉ học ngày thứ bảy cùng với ba mẹ và em gái, em rất vui vì được tham gia nhiều chuyến đi cùng với gia đình. Lịch học cũng không có gì nặng nề vì vẫn có 5 tiết/tuần như trước đây. Thậm chí, em có 2 ngày nghỉ liền nhau để vui chơi và học tập”.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho biết: “Lâu nay, học sinh bậc tiểu học đã áp dụng học liên tục từ thứ hai cho đến thứ sáu và nghỉ học ngày thứ bảy, chủ nhật; trong khi đó, học sinh bậc THCS có lịch nghỉ không trùng với thời gian nghỉ chung của người lao động.

Thêm vào đó, những năm gần đây, các kỳ nghỉ lễ thường kéo dài 3-4 ngày do rơi vào thứ bảy, chủ nhật nên được nghỉ bù vào những ngày sau đó. Chúng tôi bắt đầu có ý tưởng triển khai cho các em bậc THCS nghỉ học ngày thứ bảy để lịch sinh hoạt, nghỉ ngơi của các gia đình phụ huynh không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc học của con và học sinh thì có điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng với gia đình và nhà trường”.

Thực tế cho thấy, không chỉ đối với học sinh và phụ huynh mà việc học thứ bảy là áp lực đối với nhiều giáo viên do đi làm 6 ngày trong tuần.

Cô Hồ Thị Phước, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) chia sẻ: “Trước đây, khi vẫn còn dạy và học vào ngày thứ bảy, trong phân chia thời khóa biểu, nhà trường luôn chú ý sắp xếp để giáo viên được nghỉ thêm một ngày trong tuần, nhưng lại không trùng với ngày nghỉ chung vào cuối tuần như số đông người lao động nên các thầy cô cũng chỉ dùng thời gian này để nghỉ ngơi hoặc phục vụ cho việc soạn giảng, chuẩn bị phương tiện dạy học là chủ yếu”.

Trường THCS Nguyễn Huệ được xem là trường có quy mô lớn với tổng số 45 lớp, thế nhưng, theo như cô Hồ Thị Phước thì nhà trường không gặp khó khăn gì trong phân chia thời khóa biểu và lịch dạy cho giáo viên khi nghỉ thứ bảy.

“Lịch họp hành của giáo viên sẽ chuyển sang sáng thứ bảy thay vì tổ chức vào ngày thứ năm, và từ chiều thứ bảy, thầy cô được nghỉ hoàn toàn. Chính vì vậy, việc triển khai nghỉ học ngày thứ bảy nhận được sự ủng hộ của giáo viên và phụ huynh học sinh.

Nghỉ liên tiếp 2 ngày thứ bảy, chủ nhật, gia đình phụ huynh và giáo viên rất tiện trong sắp xếp các hoạt động như đi chơi, dã ngoại hay về quê thăm ông bà”.

Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu) đánh giá: “Sau một năm triển khai cho học sinh nghỉ học ngày thứ bảy, cái được lớn nhất mà nhà trường nhận thấy là việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa rất thuận tiện.

Những ngày đó phụ huynh có điều kiện để cùng tham gia với các em, hiểu được hơn các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đây cũng là xu hướng rất tốt để tăng cường mối quan hệ gia đình – nhà trường – xã hội trong phối hợp giáo dục; cũng là một kênh để phụ huynh thấu hiểu hơn những áp lực của giáo viên, hình dung được những hoạt động trên lớp của con…

Lịch nghỉ của học sinh trùng với lịch nghỉ của gia đình nên các em có điều kiện tham gia các hoạt động chung, các kỹ năng xã hội vì thế cũng sẽ được tăng lên”.

Ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho rằng, thực ra, ngày thứ bảy không phải các trường đều được nghỉ mà có thể tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém.

“Riêng các hoạt động hội họp, sinh hoạt tổ chuyên môn thì thay vì tổ chức vào ngày thứ năm như trước đây, giờ các trường chuyển sang ngày thứ bảy nên gần như nói nghỉ ngày thứ bảy nhưng thực chất đối tượng được nghỉ chủ yếu là học sinh. Và phụ huynh thì rất ủng hộ điều này vì không gây xáo trộn gì trong sinh hoạt và học tập cả”.

Hà Trần
 

;
.
.
.
.
.
.