Hằng năm, trên thế giới có khoảng 1,2 triệu người tử vong do tai nạn giao thông, khoảng 3,3 triệu người tử vong do sử dụng rượu, bia và số người tử vong do thuốc lá khoảng 6 triệu người (theo tài liệu của Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học).
Với con số cao ngất ngưởng như vậy, chúng ta có thể nhận thấy được tác hại của những điếu thuốc đáng báo động như thế nào. Sau những làn khói thuốc, người hút thuốc phải đối mặt với rất nhiều bệnh tật. Và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (tên khoa học: COPD), ung thư phổi là hai căn bệnh thường gặp do thuốc lá gây nên.
Bác sĩ CKII Đinh Công Minh, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng đang thăm khám phổi cho bệnh nhân bị COPD do thuốc lá. Ảnh: M.H |
1. Theo thông tin từ Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe thành phố Đà Nẵng, hút thuốc lá là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 4 trên toàn thế giới, với khoảng 75% người mắc bệnh, trong đó COPD dường như là “bản án chung thân” đối với người nghiện thuốc lá. Sau những làn khói ấy, người mắc bệnh COPD phải đối mặt với những giây phút thở thoi thóp.
Phát hiện bị bệnh COPD vào năm 2009, ông Đặng Quang S. (sinh năm 1966, ngụ xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) suốt 10 năm qua lui tới Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để chữa bệnh. Và ông biết chắc chắn một điều rằng, bệnh COPD theo ông đến cuối cuộc đời.
Năm 12 tuổi, ông S. thấy những người lớn hay quấn lá thuốc để hút nên ông bắt chước. Học đến lớp 9, ông S nghỉ học đi làm. Có tiền nên ông chuyển sang hút thuốc lá điếu. Trung bình một ngày ông hút 1,5 gói thuốc lá, ngày nhiều nhất hút đến hai gói rưỡi. Năm 2008, ông phải nhập viện mổ tràn khí màng phổi, năm sau đó thì phát hiện bị phổi tắc nghẽn mãn tính, ông “làm bạn” với Bệnh viện Phổi Đà Nẵng từ đó đến nay.
Ông S. cho hay, trong đợt đầu nhập viện cũng như khi về nhà ông không hút. Ngỡ đã cai được thuốc lá nhưng trong lần tái khám tiếp đó, ông thấy những người xung quanh hút nên đâm ra thèm và hút lại. Một phần vì ông nghĩ: “Trời kêu ai thì người nấy dạ. Tôi thấy, nhiều người không hút thuốc cũng bị bệnh như tôi đấy thôi”.
Sau nhiều lần nghe lời khuyên của các bác sĩ, ông S. dần ý thức được muốn điều trị bệnh hiệu quả thì phải bỏ hút thuốc. 2 năm qua, đi đâu ông cũng mang theo kẹo trong người thay vì là gói thuốc. Mỗi khi lên cơn thèm thuốc sẽ liền lấy kẹo ra ngậm. Ông khoe, “Tôi bỏ thuốc được 2 năm rồi”.
Khi nghe tôi hỏi: “Ông có hối hận về việc đã hút thuốc không?”, ông đáp: “Không” nhưng tôi vẫn thấy trong đôi mắt của ông có chút ngấn lệ. Ông lặng đi một hồi rồi bảo: “Mỗi khi trở trời là tôi lại khó thở”.
Cũng như ông S., ông Phạm Văn Đ. (sinh năm 1947, ngụ quận Hải Châu) hiện đang điều trị bệnh COPD tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng.
Ông Đ. chia sẻ: “Tôi hút thuốc từ năm 15 tuổi. Lúc đó, tôi làm nghề phụ xe, cứ di chuyển liên tục từ tỉnh này qua tỉnh khác, có khi cả tháng mới về nhà. Với công việc cứ đi suốt như vậy, tôi tìm đến thuốc lá như một cách để làm ấm cơ thể mỗi khi thấy lạnh”.
Đến năm 20 tuổi thì ông Đ. phát hiện bị bệnh lao và ông đã bỏ hút thuốc từ đó đến nay. Dẫu đã bỏ thuốc, song những độc tố từ những điếu thuốc mà ông đã “bầu bạn” trong 5 năm tuổi trẻ ấy lại một lần nữa khiến ông phải đối mặt với bệnh COPD.
Theo thống kê tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng, trong 9 tháng cuối năm 2017, có 1.161/3.868 bệnh nhân đến khám tại khoa bị COPD; con số này của 9 tháng đầu năm 2018 là 1.045/3.840. Và, “khoảng 90 – 95% người mắc bệnh COPD là do thuốc lá”, Bác sĩ CKII Đinh Công Minh, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay.
2. Nếu COPD tựa một “bản án chung thân” thì ung thư phổi gần như là một “bản án tử hình”. Trên thế giới, 90% các ca ung thư phổi có nguyên nhân từ thuốc lá, tỷ lệ mắc ung thư phổi tăng nhanh hơn nhiều so với các loại ung thư khác và có sự liên quan mật thiết với việc số người hút thuốc tăng.
Ông Trần Văn B. (sinh năm 1976, ngụ huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn 4 sau 15 năm hút thuốc. Tôi gặp ông B. tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng; bà Nguyễn Thị H. vợ ông đang ngày đêm túc trực chăm sóc cho chồng.
Tạm gác lại những nỗi lo, nỗi buồn và cả nỗi sợ, bà H. mở lòng chia sẻ, “3 tháng trước, chồng tôi bị khan tiếng. Ông đi khám ở phòng khám tư thì họ bảo bị viêm họng. Mãi không thấy khỏi, được mọi người mách nên tôi cùng chồng ra Bệnh viện Đà Nẵng khám.
Sau 1 tháng nằm tại Khoa Tai – mũi – họng thì chồng tôi được chẩn đoán bị ung thư phổi giai đoạn 4. Lúc đó, tôi suy sụp lắm nhưng vẫn phải cố gắng lạc quan, an ủi, động viên chồng cố gắng điều trị”. Hôm nào khỏe lắm thì mỗi bữa, ông B. ăn được gần nửa chén cơm. Hôm nào mệt thì ông gần như bỏ bữa.
Theo Bác sĩ CKII Đinh Công Minh, theo thời gian, chức năng của phổi sẽ suy giảm dần. Dung tích sống (tổng lượng không khí hít vào) ở người bình thường giảm 100-150ml/năm, còn với người hút thuốc lá (cả hút thuốc chủ động và thụ động) thì dung tích sống sẽ giảm nhiều hơn.
COPD và ung thư phổi có thể nói là hai trong số những căn bệnh mà người hút thuốc lá dễ mắc phải nhất và người bệnh đa phần ở độ tuổi sau 40. Trong đó, COPD là bệnh hàng đầu về hô hấp do hút thuốc lá. Nếu người mắc bệnh không bỏ hút thuốc thì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc điều trị và việc bỏ thuốc lá trong bất kỳ giai đoạn nào cũng đều có lợi cho bệnh nhân.
Các bệnh lý do hút thuốc chủ động: Các bệnh ung thư (ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư tụy, ung thư bàng quang, ung thư thận), các bệnh tim mạch (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành), các bệnh hô hấp (các bệnh hô hấp cấp tính; các bệnh hô hấp mạn tính: COPD, hen phế quản, viêm đường hô hấp…), làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam giới và nữ giới. Các bệnh lý do hút thuốc thụ động: Đối với trẻ em (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, trẻ sơ sinh có cân nặng thấp, các triệu chứng bệnh hô hấp mạn tính, các triệu chứng hen, viêm đường hô hấp cấp tính), đối với người lớn (tăng nguy cơ ung thư phổi lên 20 – 30%, tăng 25 – 30% nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tăng nguy cơ sảy thai cao gấp 3 lần). Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe thành phố Đà Nẵng |
Mai Hiền