Thay đổi cách "truyền thụ một chiều"

.

Trước đây, thao giảng chủ yếu hướng đến giáo viên thì nay đã chú trọng đến hiệu quả học tập của học sinh; chuyển cách dạy thụ động, truyền thụ một chiều “đọc-chép” sang dạy và học tích cực; trong đó học sinh là chủ thể hoạt động, giáo viên là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn.

Nhờ những giờ thao giảng hướng đến phát triển năng lực học sinh, các em đã nâng cao khả năng sắp xếp tư duy, diễn đạt trước đám đông. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh tự tin giao lưu và giới thiệu về trường mình với các sĩ quan Hải quân Hoàng gia Canada Calgary ngày 28-9-2018. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Nhờ những giờ thao giảng hướng đến phát triển năng lực học sinh, các em đã nâng cao khả năng sắp xếp tư duy, diễn đạt trước đám đông. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh tự tin giao lưu và giới thiệu về trường mình với các sĩ quan Hải quân Hoàng gia Canada Calgary ngày 28-9-2018. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Hướng đến phát triển năng lực học sinh

Bắt đầu từ ngày 1-9-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5842/BGDĐT-VP về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản để dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế của nhà trường; trong đó, chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học.

Trên cơ sở này, nhiều trường tổ chức cho các tổ chuyên môn triển khai kế hoạch thao giảng hằng năm của giáo viên để học tập và rút kinh nghiệm.

Cô Nguyễn Thị Diệu Trang, Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết: Hằng năm, nhà trường đều tổ chức thao giảng ở các tổ chuyên môn. Trong năm học 2018-2019, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), nhà trường tổ chức hoạt động thao giảng, hội giảng cấp trường. Trong mỗi năm học, mỗi giáo viên thực hiện 1 tiết thao giảng và bắt buộc dự giờ ít nhất 4 tiết/học kỳ.

Riêng giáo viên kinh nghiệm dưới 5 năm, giáo viên tập sự thì dự giờ từ 7-8 tiết để học tập. Sau khi các giáo viên đăng ký thao giảng trong kế hoạch năm học, tổ trưởng sẽ thông báo danh sách đến các giáo viên để chuẩn bị và góp ý giáo án cho nhau.

Ngay sau khi dự giờ, tổ trưởng tổ chức phát phiếu nhận xét ưu, khuyết điểm để lấy ý kiến đóng góp của giáo viên dự giờ; sau đó, sẽ tổ chức một cuộc họp để mọi người góp ý trên tinh thần xây dựng, góp ý về ưu, khuyết điểm để phát huy và khắc phục.

Đối với nội dung thao giảng, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh và tổ Văn đã triển khai theo hướng mới này. Giáo án được thiết kế mới theo 5 bước:

Khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập, vận dụng và tìm tòi, mở rộng. Đặc biệt, bước khởi động phải tạo không khí cho lớp học bằng các trò chơi, câu đố, nghe nhạc…

“Trong tiến trình bài dạy, hình thành kiến thức chủ yếu bám sát các hướng đã soạn và phát triển năng lực của học sinh như: năng lực thuyết trình, năng lực làm việc nhóm, năng lực tự phát hiện, năng lực làm việc cá nhân…

Giáo viên cụ thể hóa thông qua phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, trong đó lấy học sinh làm trung tâm; do đó, giáo viên phải chuẩn bị đầu tư giáo án, thiết bị dạy học và kiểm tra việc chuẩn bị bài của học sinh…”, cô Trang chia sẻ.

Đối với phần luyện tập, vận dụng và tìm tòi mở rộng, giáo viên kiểm tra phần kiến thức đã áp dụng qua trò chơi và bài kiểm tra trắc nghiệm. Đặc biệt, kỹ thuật đóng vai, diễn kịch giúp các em nhập vai và thấu hiểu văn bản, từ đó gây sự chú ý của học sinh.

Hoặc, giáo viên giao học sinh thuyết trình theo sơ đồ tư duy, thông qua bảng biểu, tranh vẽ. Nhờ vậy, các em không chỉ thay đổi thái độ tích cực với việc học môn văn mà còn nâng cao khả năng sắp xếp tư duy, diễn đạt trước đám đông.

Thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cũng cho biết: Nhà trường có kế hoạch thao giảng rõ ràng và xem đây là hoạt động thường xuyên. Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức các hoạt động hướng đến học sinh.

Trước đây, dự giờ là đánh giá đơn vị kiến thức, còn bây giờ đánh giá việc thực hiện các hoạt động như thế nào để phát triển năng lực học sinh. “Nhà trường đánh giá không phải đi đến kết luận mà đóng góp phương pháp giảng dạy phù hợp, lấy học sinh làm trung tâm, phải bảo đảm chuẩn kiến thức và chuẩn kỹ năng.

Trong sinh hoạt chuyên đề, nhà trường định hướng những kiến thức cần khai thác, vừa bảo đảm chuẩn kỹ năng nhưng cũng lẫy ra những kiến thức, phương pháp phát huy trí tuệ; từ đó, tổ chuyên môn sẽ giúp giáo viên chuẩn bị kỹ trước khi lên lớp, giúp học sinh có tinh thần tự học”, thầy Hưng nhấn mạnh.

Song song đó, nhà trường khuyến khích việc tự làm đồ dùng dạy học, sơ đồ tư duy nhằm giúp các em hệ thống và khắc sâu kiến thức hơn, nhất là các môn khoa học xã hội.

Nhờ vậy, qua các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đều đạt thủ khoa môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Mặc dù chưa có trường hợp phản ánh của học sinh và phụ huynh về phương pháp giảng dạy của giáo viên nhưng nhà trường luôn thực hiện tốt công tác giám sát, mỗi năm nhà trường gặp mặt ban cán sự lớp 2 lần; qua đó thu thập, tổng hợp ý kiến đóng góp của học sinh đối với phương pháp giảng dạy của giáo viên để điều chỉnh hợp lý.

Góp ý trên cơ sở kết quả giờ dạy

Bên cạnh việc dạy học sao cho hiệu quả đối với học sinh thì việc đóng góp ý kiến của các giáo viên dự giờ trong các buổi thao giảng cũng rất quan trọng đối với giáo viên bộ môn. Thầy Nguyễn Tiến Khải, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương cho hay:

Hoạt động dự giờ của nhà trường được triển khai theo kế hoạch. Ngoài ra, nhà trường còn thực hiện dự giờ theo chuyên đề, dự giờ theo phản ánh của học sinh và phụ huynh, dự giờ đánh giá khảo sát và dự giờ khi cấp trên về thanh tra, kiểm tra.

Chẳng hạn, đối với khảo sát giáo viên giỏi, mục đích là nhằm đánh giá giáo viên thông qua việc giáo viên tự nguyện đăng ký tham gia giáo viên dạy giỏi. Nhà trường sẽ cử 2-3 giáo viên có cùng chuyên môn trong tổ dự giờ để đảm bảo tính công bằng, và cũng có thể có nhiều giáo viên khác cùng dự để rút kinh nghiệm cho bản thân.

“Hiện nay, nhà trường không đánh giá xếp loại từng trường hợp giáo viên như trước đây mà chỉ góp ý những thiếu sót để bổ sung. Qua dự giờ, nhà trường đánh giá được chất lượng giảng dạy của giáo viên và sự năng động của học sinh; đồng thời góp ý, bổ sung kiến thức giảng dạy, những ưu điểm, tồn tại cần khắc phục”, thầy Khải khẳng định.

Để tránh tình trạng góp ý theo kiểu “không làm được nhưng nói được”, Ban Giám hiệu Trường THCS Trưng Vương thường xuyên chỉ đạo các tổ chuyên môn góp ý trên tinh thần xây dựng, hạn chế việc góp ý người khác mà bản thân mình không làm được.

Hiện nay, giáo viên ngày càng có ý thức nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và tâm huyết với nghề nên chất lượng các tiết thao giảng được nâng cao rõ rệt. Bên cạnh đó, nhà trường cũng trang bị thiết bị dạy học như ti-vi, máy chiếu, máy tính xách tay…

Thầy Khải cho biết thêm: “Tâm lý của giáo viên bao giờ cũng muốn chuẩn bị kỹ để dạy tốt hơn nhưng nhà trường không cho phép dạy trước, không được diễn lại một tiết học. Nhà trường luôn có kế hoạch thao giảng cụ thể để giáo viên xem việc dự giờ là một hoạt động bình thường để rút kinh nghiệm và giảng dạy tốt hơn, từ đó nâng cao tay nghề.

Nhà trường không đánh giá giáo viên trong tiết dạy mà chỉ góp ý và nêu những ưu điểm, tồn tại để học tập và rút kinh nghiệm. Đối với cán bộ quản lý và tổ trưởng, thông qua dự giờ sẽ có kế hoạch điều chỉnh các hoạt động của giáo viên, đặc biệt là hoạt động của học sinh trong tiết học phù hợp với điều kiện của nhà trường”.

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Diệu Trang, cũng cho biết, ở tổ Văn, Trường THPT Phan Châu Trinh chưa xảy ra tình trạng diễn lại một tiết học. Tất cả các giáo viên đều có năng lực và lòng tự trọng nên không để xảy ra tình trạng này. Khi dự giờ 1 tiết học, với kinh nghiệm giảng dạy, các giáo viên dự giờ có thể biết được giáo viên thao giảng có chuẩn bị bài trước hay không.

Ngoài ra, giáo viên dự giờ còn kiểm tra vở học sinh ghi bài như thế nào để xem học sinh có hiểu bài hay không và đánh giá hiệu quả của tiết dạy qua các năng lực được hình thành ở học sinh. Các giáo viên dự giờ góp ý trên cơ sở kết quả giờ dạy. Trong góp ý, các giáo viên chủ yếu tập trung góp ý về phân bổ thời gian, hay việc sử dụng phương pháp sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.  

Đoàn Hạo Lương

;
.
.
.
.
.
.