Sáng kiến trong giáo dục là giải pháp thực tế góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý và công tác giảng dạy trong mỗi cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo viên trực tiếp đứng lớp. Giáo viên được công nhận sáng kiến sẽ có thêm điều kiện căn bản để được xét “đỗ” các danh hiệu như Giáo viên dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua...
Cô Nguyễn Thị Hạ Lý và bài giảng điện tử đoạt giải ba cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng E-learning lần thứ 4 (năm học 2016-2017). Ảnh: V.T.L |
Dạy học trực tuyến
Cô Nguyễn Thị Hạ Lý nhấp chuột vào “Kho bài giảng E-learning” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) (tại địa chỉ elearning.moet.edu.vn/elearning), tìm đến phần bài giảng của mình. Sau một số thông tin giới thiệu về sản phẩm, màn hình hiện ra cảnh một cậu bé ngồi trên lưng trâu cùng với đàn trâu tiến về góc trái màn hình.
Giữa bầu trời u ám mây đen bỗng hiện ra dòng chữ “Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân”, tiếp đó là những cậu bé chăn trâu chơi đùa với nhau giữa hàng bông lau trắng...
Đó là một trong 3 bài giảng trong chủ đề “Những vị anh hùng nổi tiếng trong Lịch sử Việt Nam” do cô giáo Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến thực hiện, sản phẩm đoạt giải nhất thành phố Đà Nẵng, giải ba cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng E-learning lần thứ 4 (năm học 2016-2017).
Để có sản phẩm dự thi gồm 3 bài này, Hạ Lý cho biết, ngoài giờ dạy ở trường, cô đã bỏ ra gần 3 tháng làm rất nhiều việc, từ lấy ý tưởng, lên bố cục, soạn PowerPoint, tự đọc thuyết minh... cho đến chỉnh sửa âm thanh, hình ảnh, thiết kế, soạn câu hỏi tương tác giữa giáo viên và học sinh... Cô xem tới, xem lui hàng chục lần, thấy không đạt thì tiếp tục chỉnh sửa.
Phong trào Thiết kế bài giảng trực tuyến E-learning được Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang triển khai từ năm học 2013-2014. Muốn soạn E-learning, theo cô Đặng Thị Thêm, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến, giáo viên phải thông thạo cách soạn giáo án điện tử qua phần mềm PowerPoint.
Từ năm học 2014-2015 đến nay, số bài giảng E-learning của giáo viên nhà trường đoạt giải thành phố ngày một tăng dần; năm học 2018-2019 có 9 sản phẩm dự thi và đang chờ kết quả.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trong 3 năm qua, hơn 10.000 bài giảng E-learning được giáo viên các cấp thiết kế và tham gia cuộc thi “Thiết kế bài giảng E-learning” cấp thành phố. Cô Lý là một trong 28 giáo viên ở Đà Nẵng có bài giảng E-learning đoạt giải quốc gia.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố nhận định, cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-learning” cấp thành phố được triển khai hơn 5 năm qua và bước đầu đạt được những kết quả tương đối tốt. “E-learning giúp giáo viên tiếp cận công nghệ dạy học hiện đại bằng các phần mềm ứng dụng và Internet; đây là cách thức dạy học trực tuyến, có khả năng chia sẻ tài liệu học tập, mở rộng phạm vi giao tiếp (qua mạng) giữa người dạy và người học, góp phần cùng với các hình thức, phương pháp dạy học truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục”, ông Nguyễn Minh Hùng nói.
Đường tới các danh hiệu
Bài giảng điện tử E-learning được xem là một hoạt động nhỏ để dần hướng đến một cách thức dạy học trong cách mạng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, đối với địa bàn nông thôn như Hòa Vang, không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua sắm máy vi tính và lắp đặt Internet, như xác nhận của cô Đặng Thị Thêm. Có nghĩa là các bài giảng E-learning dù đoạt giải quốc gia cũng khó được học sinh tiếp cận tại nhà.
Theo cách nhìn của người viết, làm bài giảng E-learning rất vất vả nhưng hiệu quả không cao, nói đúng hơn là không có tác dụng gì nhiều đối với học sinh tiểu học. Bởi lẽ, các em đã học ở trường cả ngày, tối về là nghỉ ngơi. Phương pháp dạy học mới hướng đến dạy học tích cực, phát huy tính tích cực chủ động tự tìm tòi kiến thức của học sinh này chỉ có thể áp dụng hiệu quả cho học sinh THPT trở lên.
Ở bậc THPT, giáo án điện tử do chính các thầy, cô giáo thiết kế đã có những đóng góp nhất định trong công tác giảng dạy.
Thầy Nguyễn Cửu Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho rằng, ưu điểm nổi bật của phương pháp dạy học bằng công nghệ thông tin so với phương pháp giảng dạy truyền thống là những thí nghiệm, tài liệu được cung cấp bằng nhiều kênh: kênh hình, kênh chữ, âm thanh sống động làm cho học sinh dễ thấy, dễ tiếp thu và bằng suy luận có lý, học sinh có thể có những dự đoán về các tính chất, những quy luật mới. Trong năm học 2017-2018, nhà trường dẫn đầu khối THPT toàn thành phố tại hội thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-learning” dành cho giáo viên THPT với 3 giải nhất, 2 giải nhì, 5 giải ba, 4 giải khuyến khích (tăng 9 giải so với năm học 2016-2017).
Bài giảng điện tử được “phiên” qua sáng kiến để công nhận các danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở. Ở Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức cho giáo viên đăng ký thi đua, đăng ký đề tài sáng kiến.
Thầy Hiệu trưởng Phạm Thanh Bửu cho biết, việc áp dụng sáng kiến một cách hiệu quả và nhân rộng điển hình ứng dụng sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, năng lực tay nghề của giáo viên và đây cũng sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu cho các giáo viên trong công tác giảng dạy và là tiền đề để cán bộ, giáo viên được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và đánh giá phân loại viên chức, người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuối năm học. Nhiều cá nhân có sáng kiến xếp loại cấp quận và thành phố như các thầy, cô giáo Phạm Thanh Bửu, Bùi Thị Minh Duệ, Phan Trần Duy Lam, Nguyễn Thị Như Ý, Đường Thị Hồng Nhung...
Tuy nhiên, đối với huyện Hòa Vang, các giải pháp được công nhận sáng kiến cấp huyện đa số triển khai và áp dụng hiệu quả trong điều kiện đặc thù của huyện, do đó số lượng giải pháp của đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện Hòa Vang được Sở GD&ĐT công nhận sáng kiến không nhiều.
“Đối với các giải pháp được công nhận sáng kiến được đánh giá cao về tính mới và tính hiệu quả khi áp dụng vào thực tế được hội đồng sáng kiến của huyện đăng tải lên website của đơn vị, giới thiệu trong các diễn đàn về giáo dục ở địa phương nhằm nhân rộng trên toàn huyện”, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện thông tin.
“Ba năm học qua, toàn thành phố có 567 sáng kiến được Hội đồng Sáng kiến của ngành GD&ĐT xét công nhận (đạt) trên tổng sổ 766 sáng kiến được đề nghị từ các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm GDTX, cơ quan phòng và Sở GD&ĐT. Các sáng kiến tốt nhất được đề nghị Sở Khoa học-Công nghệ lập hội đồng thẩm định, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định “Sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với thành phố Đà Nẵng”; trong 3 năm, có được 12 sáng kiến cấp thành phố. Tuy nhiên, so với hơn 19.000 đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành thì số lượng nói trên vẫn không lớn; đặc biệt số sáng kiến cấp thành phố và quốc gia còn ít”. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng Nguyễn Minh Hùng |
VĂN THÀNH LÊ