Không chỉ chăm sóc gia đình, nhiều phụ nữ ngày nay còn lăn lộn trên thương trường, là “thuyền trưởng” chèo lái đưa các doanh nghiệp ổn định, phát triển, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động. Và chắc hẳn, đằng sau sự thành công đó là cả một tinh-thần-thép của các chị.
Chị Minh Nguyệt (hàng trên, thứ 2 phải sang) thường xuyên tham gia hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động hướng về cộng đồng. Ảnh: T.Y |
Nữ doanh nhân thời đại Hồ Chí Minh
“Cuộc đời là một hành trình, trên hành trình ấy chúng ta không thể kiểm soát được hết những gì sẽ xảy ra, nhưng chúng ta có thể lựa chọn cho mình một lối đi riêng. Mỗi ngả rẽ trong đời đều cất giấu những bí ẩn sâu thẳm, ở đó có cả niềm vui, sự đam mê, cũng có khi là nỗi buồn và sự chán nản…”, chị Nguyễn Vũ Minh Nguyệt, Trưởng Văn phòng Công chứng Bảo Nguyệt (50 Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu) đã mở đầu câu chuyện bằng những triết lý mà chị đã đúc kết trong cuộc đời mình.
Cuộc đời, với nữ doanh nhân Nguyễn Vũ Minh Nguyệt, là những ký ức về năm tháng nếm mật nằm gai, cầm súng tiêu diệt quân thù tại quê nhà Sơn Viên (nay là xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam); là nỗ lực vươn lên trong cuộc sống; là “không chịu đứng yên” trước một xã hội luôn vận động để mưu cầu sự bình yên, hạnh phúc cho những người thân trong gia đình.
Ít ai biết rằng, năm 14 tuổi, chị Nguyệt đã là xã đội phó du kích, từng được ví von là “bông hồng Núi Chúa” với những chiến công lừng lẫy một thời. Năm 1971, vết thương trong trận phản công biệt kích ở Hòn Tàu làm chị suy kiệt, phải ra Bắc điều trị. Những ngày ở miền Bắc, chị miệt mài học tập và công tác trong ngành kiểm sát khi quê hương giải phóng. Năm 1997, khi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách, chị được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân quận Hải Châu cho đến ngày nghỉ hưu.
Không chỉ trong thời chiến, cuộc sống thời bình của những cán bộ như chị Nguyệt ngày trước không ít gian truân, vất vả. Nhiều năm trời, lương vợ chồng không đủ sống, sau giờ làm việc, chị Nguyệt làm thêm đủ thứ, từ thêu ren áo cho công ty xuất nhập khẩu, may gia công, dán bao dù cũ, bao đũa, khâu đóng sách cho nhà in...
Khi đã là Viện trưởng Viện Kiểm sát quận, chị vẫn ngày đi làm, giờ nghỉ tranh thủ bắt xe vào tận chợ Bà Rén (Quảng Nam) mua heo giống. Nuôi heo là nguồn thu nhập chính của gia đình chị thời gian đó. “Hằng ngày tôi đi chở nước mã khắp xóm về cho heo ăn, nuôi nhiều lắm, lúc nào trong chuồng heo của tôi cũng có 3 loại: heo con, heo choai và heo lớn chuẩn bị xuất chuồng. Nuôi kế tiếp như vậy vừa đỡ tiền giống vừa đỡ thức ăn. Cứ hai tháng là xuất chuồng trên 4 tạ heo. Mãi đến khi thành phố có chủ trương cấm chăn nuôi trong thành phố, tôi mới chấm dứt công việc nặng nhọc này”, chị Nguyệt chia sẻ.
Năm 2008, sau khi nghỉ hưu, bằng những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy, cùng với chủ trương mới của Nhà nước, chị Minh Nguyệt quyết định thành lập văn phòng công chứng (VPCC) tư. VPCC Bảo Nguyệt ra đời với tôn chỉ: “Hết lòng phục vụ, nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật”. Từ đó đến nay, địa chỉ này là nơi diễn ra các hoạt động công chứng văn bản pháp luật, các biểu mẫu giao dịch đất đai, nhà đất, hợp đồng, tư vấn trực tuyến… theo đúng chủ trương “xã hội hóa hoạt động công chứng” của Nhà nước.
Những nỗ lực không mệt mỏi trong phát triển kinh tế của nữ du kích năm xưa đã được xã hội công nhận, tôn vinh vào năm 2011, khi doanh nghiệp của chị được khách hàng bình chọn vào “Top 100 sản phẩm, dịch vụ Việt Nam được tin dùng”; năm 2013 được Trung tâm Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) trao tặng “Bảng vàng lưu danh Doanh nhân văn hóa thời đại Hồ Chí Minh”; 3 năm liên tiếp từ 2015-2017, VPCC Bảo Nguyệt giành vị trí cao nhất trong bảng chấm điểm (99/100) về chất lượng hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố do Sở Tư pháp thành phố công bố.
Đặc biệt, vào tháng 4-2018, sự ấm áp, tự hào một lần nữa đến với chị và gia đình khi chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Giản dị và khá kiệm lời, song, điều chúng tôi cảm nhận được ở chị Minh Nguyệt là một tinh thần thép vượt qua nhiều khổ ải, gian truân của cuộc đời. Chị nói rằng, biết bao lần, chị đã tự động viên mình phải sống mạnh mẽ, dũng cảm và giàu lòng nhân, đúng với phẩm chất của một người lính nơi chiến trường năm xưa. Có lẽ vì thế mà đến bây giờ, nhớ lại những đêm đằng đẵng xa chồng, nhốt con ngủ trong nhà (vì chồng chị là bộ đội thường xuyên xa nhà) để chạy đi xử lý những vụ án mạng, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, chị Nguyệt có thể nhoẻn miệng cười nhẹ nhõm, ấm áp.
Dung hòa công việc và gia đình
Chị Nguyệt là một trong những điển hình của đội ngũ những nữ doanh nhân đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Dù ở vai trò nào, họ cũng phát huy trí tuệ, sức mạnh, sự đoàn kết, đồng lòng đưa doanh nghiệp từng bước phát triển, khẳng định vị thế trên thương trường.
Bà Phạm Thị Minh Trang, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Hiệp hội) cho biết sau gần 10 năm thành lập, Hiệp hội đã trở thành nơi gắn kết, chia sẻ, cùng phát triển của cộng đồng doanh nhân nữ trên địa bàn thành phố.
Hiệp hội hiện có khoảng 100 hội viên (HV) là lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, viễn thông đến tư vấn pháp luật… Thời gian qua, Hiệp hội đã kịp thời có những đề xuất với lãnh đạo thành phố điều chỉnh chính sách kinh tế phù hợp với hoạt động của nhiều doanh nghiệp do nữ lãnh đạo; qua đó thu hút được sự quan tâm của chị em HV, khiến họ gắn bó, hoạt động tích cực, xem Hiệp hội như ngôi nhà thứ 2.
Một trong những điểm nhấn của Hiệp hội là qua những hoạt động xã hội, từ thiện đầy trách nhiệm từ trên đất liền đến biển đảo. Nhiều nữ doanh nhân, nhiều doanh nghiệp tiêu biểu được biểu dương, tôn vinh tại các chương trình lớn do Trung ương và thành phố tổ chức. “Trong thời kỳ hội nhập, đây sẽ là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của phụ nữ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng vị thế mới của nữ doanh nhân trong quá trình phát triển”, bà Minh Trang nhìn nhận.
Chúng tôi nhớ có lần, trong một diễn đàn của các nữ doanh nhân Đà Nẵng, chị Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư L.I.F.E – Chủ đầu tư Hệ thống Giáo dục Chất lượng cao Sky-Line, nói rằng thực tế có những phụ nữ càng thành đạt thì càng cô đơn, càng chông chênh nếu không được đồng nghiệp, gia đình, người thân hỗ trợ, chia sẻ.
Phải chăng đây là nỗi buồn khó tỏ cùng ai của những nữ doanh nhân. Đã có những chị - để thành công, đã phải đánh đổi bằng sự rạn nứt, thậm chí đổ vỡ trong hôn nhân. Đó chắc chắn không phải là điều mà họ mong muốn. Bởi, dù các nữ doanh nhân có cứng cỏi đến đâu thì họ vẫn là phụ nữ, vẫn luôn cần một bờ vai để tựa vào những khi mỏi mệt, yếu lòng.
TIỂU YẾN