Làm mẹ đơn thân - một quyết định khó khăn!

.

Giữa một không gian ồn ào tiếng cười nói, tôi vẫn nghe rõ câu chuyện bàn bên của hai mẹ con. Người mẹ hỏi: Con nhớ ba à? Bé gái (tầm 8 tuổi): Con không nhớ! Mắc chi phải nhớ!

Mỗi người đều có lý do để chọn làm mẹ đơn thân và đơn thân thường là giải pháp sau cùng để có thể tìm kiếm sự an yên cho mình và con.(Ảnh minh họa)
Mỗi người đều có lý do để chọn làm mẹ đơn thân và đơn thân thường là giải pháp sau cùng để có thể tìm kiếm sự an yên cho mình và con.(Ảnh minh họa)

Cô bé cúi xuống, ăn tiếp cốc chè còn dang dở rồi lại ngẩng đầu lên nói với mẹ: “Nếu ba sống với mẹ con mình, mà ba đi làm về trễ hoặc đi làm xa thì con sẽ nhớ ba. Nhưng bây giờ ba không sống với mẹ con mình nữa nên con không muốn nhớ ba. Mà răng con vẫn cứ nhớ ba hoài”. Người mẹ lặng lẽ quay mặt đi lau vội giọt nước mắt. Lời con trẻ nghe mà đắng xót. Tôi đoán rằng, chị là một người mẹ đơn thân sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ và “phần lãi” duy nhất là cô bé gái “già dặn” kia. Có lẽ cái ngày ký vào đơn ly hôn, người phụ nữ ấy không đau bằng hôm nay khi nghe con gái thổ lộ suy nghĩ đó.

Với xã hội hiện đại ngày nay, cụm từ “mẹ đơn thân” không còn quá xa lạ. Đó là chưa kể nhiều người cho rằng, việc phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân đang trở thành “mốt”, thành “trào lưu”.

Làm mẹ đơn thân là việc một người phụ nữ sinh con, nuôi con một mình (do hoàn cảnh bắt buộc hoặc tự họ muốn làm điều đó). Bài viết này chỉ đề cập trường hợp những người phụ nữ đã tan vỡ trong hôn nhân và giành được quyền nuôi con.

Là phụ nữ, ai cũng ước mơ có một gia đình, một mái ấm, một chỗ dựa vững vàng, an toàn, bền lâu. Chẳng người phụ nữ nào lại mong muốn một cuộc hôn nhân đổ vỡ, chồng một nơi, vợ một nẻo để đứa con bơ vơ, thiếu thốn tình cảm. Khi buộc phải chấp nhận kết thúc cuộc hôn nhân nghĩa là với họ khả năng chịu đựng đã đi quá giới hạn, họ biết đâu là giới hạn của nỗi đau và tìm cách thoát khỏi nỗi đau ấy.

Từ người nổi tiếng cho đến người phụ nữ bình thường, khi buộc chấp nhận cảnh “một nách nuôi con” không phải để được tôn vinh sự hy sinh, dũng cảm, mạnh mẽ, bản lĩnh;  cũng chẳng phải để hứng chịu thị phi, gièm pha, chỉ trích của miệng lưỡi thế gian, mà mục đích duy nhất là để giữ lấy sự an yên cho chính đứa con.

Những bà mẹ đơn thân thường bị chỉ trích là thiếu lòng vị tha, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mà quên đi đứa con sẽ bất hạnh bao nhiêu khi thiếu vắng sự chăm sóc, yêu thương của người cha. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng, người phụ nữ chấp nhận buông tay là khi họ không còn khả năng níu giữ. Và nếu họ cố gắng duy trì cho một gia đình đã tan vỡ, để con cái sống trong ngôi nhà ngụy tạo tình thương thì còn tàn bạo biết nhường nào. Phụ nữ luôn cần có đàn ông nhưng quan trọng hơn là người đàn ông ấy có xứng đáng hay không.

Mỗi người đều có một lý do riêng để phải làm mẹ đơn thân. Nhưng hầu hết đó đều là sự lựa chọn cuối cùng của phụ nữ khi họ đã bế tắc trong mối quan hệ đó và theo họ không còn cách giải quyết nào tốt hơn. Những người phụ nữ ấy buộc phải mặc kệ những lời bàn tán, bỏ ngoài tai những ì xèo, bất chấp hết mọi đắng cay, lấy con làm động lực, công việc là niềm vui mà tiếp tục sống, tiếp tục cày cuốc để chăm sóc, bù đắp cho con cả về vật chất lẫn tinh thần. Chắc chắn, khi chọn cuộc sống làm mẹ đơn thân, điều mà người phụ nữ bận tâm, lo lắng, trăn trở nhất là làm sao nuôi dưỡng, dạy dỗ, yêu thương để con được phát triển như bao đứa trẻ khác, con không thấy tự ti với xã hội về hoàn cảnh của bản thân.

Khi chấp nhận bắt đầu một “cuộc chơi” thiệt thòi, người mẹ đơn thân phải miệt mài gồng gánh một lúc hai vai. Khi thành quả nhận được là sự trưởng thành, hạnh phúc của con trẻ thì người phụ nữ thấy giá trị hơn, đáng giá hơn cuộc sống đơn thân mà chính họ đã lựa chọn. Khi cuộc sống đơn thân đem lại sự thoải mái, thanh thản, an lành, người phụ nữ lại thầm cảm ơn cuộc đời đã tiếp sức cho họ được vững vàng, cho họ thêm sức mạnh để “chân cứng đá mềm”.

Làm mẹ đơn thân không phải là lựa chọn có chủ định trước nên việc một người phụ nữ tự mình nuôi bản thân và nuôi con là việc làm, quyết định khó khăn. Vì vậy, làm mẹ đơn thân đâu đơn giản như khoác lên mình một món đồ thời thượng, một thứ trang sức xa xỉ rồi khi nào thấy không hợp nữa, không còn mốt nữa thì vứt bỏ. Có người phụ nữ nào lại dại dột chạy theo cái “trào lưu”, “xu hướng” đầy chông gai và nước mắt ấy.

Không cần được ca tụng, cổ xúy để mẹ đơn thân trở thành một “trào lưu”, càng không quan tâm những thị phi, đố kỵ của miệng đời, những người phụ nữ chọn cuộc sống đơn thân cần được tôn trọng, chia sẻ, đối xử công bằng bởi mẹ đơn thân đơn giản cũng chỉ là một người mẹ.

THIÊN DI

;
;
.
.
.
.
.