Phụ nữ ngày nay và vấn đề bình đẳng giới

.

1. Đầu tháng 2-1918, Toàn quyền Pháp Albert Sarraut cho phép xuất bản tại Sài Gòn tờ tuần báo phụ nữ đầu tiên của nước ta mang tên Nữ Giới Chung ra ngày thứ sáu hằng tuần. Nhìn vào manchette của tờ báo, có thể thấy chữ Chung ở đây là cả đất nước thống nhất, không phân biệt Bắc Kỳ, Trung Kỳ hay Nam Kỳ - phía dưới ba chữ NỮ GIỚI CHUNG in hoa bằng chữ quốc ngữ thật lớn là dòng tiếng Pháp Fesmina Annammite (nghĩa là Phụ nữ nước Nam).

Trong thời đại mới, phụ nữ Việt Nam luôn muốn tự khẳng định khả năng và vị thế của mình.  Ảnh minh họa: MINH TRÍ
Trong thời đại mới, phụ nữ Việt Nam luôn muốn tự khẳng định khả năng và vị thế của mình. Ảnh minh họa: MINH TRÍ

Ngay trong bài xã thuyết nhan đề Thế lực người đờn bà đăng số Nữ Giới Chung đầu tiên ra ngày 1-2-1918, chủ bút Sương Nguyệt Anh đã khẳng định vai trò của phụ nữ bằng một nhãn quan vô cùng mới mẻ so với đương thời:

“Không có đờn bà thì loài người ắt tiêu diệt, thế giới hiu quạnh, như cù lao hoang, đâu là nhà “triết học”, nhà “văn học”, nhà “chánh trị”, nhà “kinh tế”, nhà “cách trị”, nhà “giáo dục” và hết thảy các hạng người ở trên trái đất này? (…) Nghĩa có đờn bà mới sanh ra thánh hiền hào kiệt, mới có người tô điểm vẻ non sông”. Có thể nói hơn một trăm năm trước, bài báo chính luận của người con gái cụ Nguyễn Đình Chiểu đã đặt một dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh đòi nữ quyền ở nước ta. 

Trong bài 100 năm báo Nữ Giới Chung (1918-2018): Bàn về địa vị, vai trò của người phụ nữ, tác giả Tường Khanh cho rằng: “Dưới tiêu đề Thế lực người đờn bà, lần đầu tiên trong lịch sử, người phụ nữ được đề cao đến như vậy (…) Với thiên chức của mình, mà báo gọi là “thế lực”, người phụ nữ đã sản sinh ra các bậc anh tài, hào kiệt của mọi thời đại Đông-Tây, người phụ nữ là cội nguồn của nhân loại. Quả thật, đây là điều hoàn toàn mới mẻ, có thể coi là một thông điệp có tính đột phá mà Nữ Giới Chung muốn gửi tới độc giả của tờ báo”(*).

2. Trải qua 100 năm kể từ ngày tuần báo Nữ Giới Chung ra số đầu tiên, cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới của phụ nữ nước ta đã có một bước tiến khá dài nhưng không phải đã thoát khỏi chiếc vòng kim cô của định kiến giới. Nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ những ràng buộc về văn hóa trọng nam khinh nữ đầy định kiến giới của Khổng giáo.

Chính Khổng phu tử - người được xem là vạn thế sư biểu/ thầy của muôn đời - từng có một phát ngôn rất bất bình đẳng giới: “Phụ nhân nan hóa”/ Đàn bà khó dạy. Không rõ Khổng phu tử có định kiến như vậy về phụ nữ trước hay sau thời gian ông sống ở nước Vệ. Chẳng là Vệ vương có một người thiếp rất xinh đẹp là nàng Nam tử. Chiều chiều, Khổng phu tử thường hay dạo chơi cùng với Vệ vương, và tất nhiên cùng với nàng Nam tử, mỗi người ngồi một xe thong dong trên phố.

Thấy bá tánh cứ toàn chạy theo xe nàng Nam tử mà tung hô, nhà hiền triết đã phải chạnh lòng than thở: “Ôi! Ta chưa từng thấy ai hiếu đức hơn hiếu sắc bao giờ!”. Chính định kiến giới của đức Khổng phu tử là đầu mối của nhiều quan niệm sai lầm của người xưa về giới nữ, chẳng hạn như quan niệm “nữ nhân ngoại tộc”/ con gái là nằm ngoài dòng họ, hoặc quan niệm “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”/ một con trai mới gọi là có con, chứ đến chục con gái vẫn kể là không có con...

Đương nhiên tiền nhân còn có những cái nhìn khác về người phụ nữ: “của chồng công vợ”, thậm chí “lệnh ông không bằng cồng bà”, nhưng dẫu sao các định kiến giới kiểu “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” hay “nữ nhân ngoại tộc” không phải không để lại dấu ấn sâu sắc trong tư duy người Việt hiện đại, dẫn đến những ràng buộc về văn hóa trọng nam khinh nữ đầy định kiến giới nêu trên. Phải chi ngày xưa nàng Nam tử bớt xinh đẹp đi một chút...

3. Chính vì muốn thúc đẩy cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới của phụ nữ nước ta mà tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương về chuyên đề năm 2019 Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có đoạn nhấn mạnh: “Nhiều chuyện kể cho ta biết về phong cách Hồ Chí Minh tôn trọng phụ nữ như việc Người quan tâm một tỷ lệ nữ thích đáng trong lãnh đạo, số lượng phụ nữ dự các hội nghị và bao giờ Người cũng mời đại biểu phụ nữ lên ngồi những hàng ghế trên.

Trong Di chúc, Người dặn Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Những điều đó toát lên một tư tưởng lớn về một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Cho nên cần ra sức giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

Đương nhiên giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị không chỉ được thể hiện qua việc tham gia của một thiểu số phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị trước hết phải được hiểu là sự bình đẳng giới trong lĩnh vực này đối với đông đảo phụ nữ, chẳng hạn như đông đảo phụ nữ có quyền được tham gia các cuộc phổ thông đầu phiếu hay không, đông đảo phụ nữ có bình đẳng về cơ hội vào Đảng hay tìm kiếm việc làm phù hợp với sở trường/ sở thích hoặc được học tập nâng cao trình độ mọi mặt hay không... Đấy mới là những cái đích thực sự của bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý dẫu mạnh mẽ và hiệu quả đến mấy cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không đạt được những cái đích thực sự ấy.

4. Tất nhiên việc tham gia của một thiểu số phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý cũng là điều kiện thuận lợi để đạt đến mục tiêu đông đảo phụ nữ có quyền được tham gia các cuộc phổ thông đầu phiếu, đông đảo phụ nữ được bình đẳng về cơ hội vào Đảng hay tìm kiếm việc làm phù hợp với sở trường/ sở thích hoặc được học tập nâng cao trình độ mọi mặt… Chính vì vậy, đây cũng là một mục tiêu bình đẳng giới cần quan tâm.

Trong quá trình tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, có thể thấy bản thân cán bộ nữ có vai trò hầu như quyết định trên cả hai bình diện: đối với đồng sự cùng giới và đối với mình. Đối với đồng sự cùng giới tức cán bộ nữ phải có sự tôn vinh lẫn nhau, hết sức tránh tình trạng níu kéo nhau giữa cán bộ nữ và xem thái độ ứng xử ấy như một cách khẳng định phẩm chất lãnh đạo của mình.

Đối với mình tức cán bộ nữ tự khẳng định về phẩm chất và năng lực của bản thân là hoàn toàn xứng đáng được lựa chọn đưa vào quy hoạch và sắp xếp vào vị trí lãnh đạo, quản lý; đồng thời tự đào tạo bồi dưỡng những khía cạnh mà bản thân còn bất cập để giao giữ trọng trách mới.

Còn nhớ năm 2010, tôi được Ban Tổ chức Trung ương đưa sang Đức để nghiên cứu về kinh nghiệm quản trị nhân sự, tôi rất ấn tượng khi nghe lời giải đáp của giảng viên về việc bà Angela Merkel được bầu giữ chức Thủ tướng: “Bà Merkel đứng đầu Chính phủ Đức không phải vì bà ấy là nữ giới mà là vì bà ấy đã vượt qua một cách đầy thuyết phục các ứng viên nam giới trong cuộc bầu cử”.

Tôi tin rằng những phụ nữ Việt Nam giàu lòng tự trọng đều khó chấp nhận việc bản thân được giao giữ vị trí lãnh đạo, quản lý chỉ vì mình là phụ nữ và đều mong muốn đứng trên đôi chân của chính mình để tự khẳng định tài năng và phẩm hạnh.

Bùi Văn Tiếng
(*) Bài đăng trên Trang tin điện tử của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngày 6-3-2018.

;
;
.
.
.
.
.