Việt Nam trân quý giá trị hòa bình

.

Tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào ngày 27 và 28-2, Việt Nam lại ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế về một điểm đến hòa bình, tin cậy. Mặc dù cuộc gặp thượng đỉnh không mang lại thỏa thuận chung, nhưng thông điệp “Hà Nội - thành phố vì hòa bình” được thế giới biết đến là thủ đô của một đất nước hòa bình; bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, du khách và những sự kiện quốc tế quan trọng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận quốc kỳ Việt Nam từ các em học sinh. 						Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận quốc kỳ Việt Nam từ các em học sinh. Ảnh: Reuters

Năm 1997, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ VII tại Hà Nội là hội nghị quốc tế đa phương đầu tiên mà Việt Nam đăng cai tổ chức với sự tham dự của gần 50 nguyên thủ quốc gia. Dù điều kiện vật chất, kỹ thuật và kinh nghiệm lúc đó còn thiếu thốn nhưng Việt Nam đã tổ chức sự kiện thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Từ đó đến nay, Việt Nam đã tổ chức gần 30 hoạt động quốc tế ở tầm khu vực, liên khu vực và toàn cầu; trong đó có 8 lần đăng cai hội nghị thượng đỉnh gồm: Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) năm 2004, hàng loạt hội nghị cấp cao ASEAN trong năm 2010 khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch hội nghị cấp cao APEC 2006 và sau đó là APEC 2017.

Đủ năng lực đăng cai các sự kiện quốc tế lớn

Trong những ngày qua, cả thế giới hướng về Việt Nam để chứng kiến cuộc gặp gỡ lịch sử lần thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trả lời phỏng vấn CNN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Vì hòa bình thế giới, vì một thế giới kết nối và phát triển, hãy bắt tay nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau phát triển và đóng góp cho sự ổn định toàn cầu”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam là một hình mẫu cho những lợi ích có được từ hòa bình, hòa giải dân tộc và tự do hóa thị trường; đồng thời kỳ vọng Việt Nam có thể đóng vai trò lớn hơn việc chỉ đơn giản là nơi diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Có lẽ vì vậy, dù chỉ có gần 10 ngày chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhưng Việt Nam đã hoàn thành đầy đủ, bảo đảm các khâu về an ninh, cơ sở vật chất, hạ tầng liên quan đến nơi ở, khách sạn, cơ sở trang thiết bị thông tin cho hoạt động báo chí của gần 3.000 phóng viên báo chí quốc tế của hơn 200 hãng thông tấn và nguồn nhân lực phục vụ hậu cần. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chia sẻ, qua sự kiện lớn này, Việt Nam thể hiện rất rõ chính sách, quyết tâm và mong muốn đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Việt Nam mong muốn bạn bè quốc tế, trong đó có đội ngũ truyền thông, hiểu hơn về đất nước, con người, quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho rằng, đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam hiểu và trân quý giá trị của hòa bình. Vì vậy, Việt Nam mong muốn và nỗ lực đóng góp sức mình vào tiến trình hòa bình, hòa giải phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. “Việc Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai thể hiện lòng tin đối với Việt Nam; qua đó thấy được vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và đối với các đối tác. Sự chuẩn bị chu đáo trong thời gian qua chứng tỏ Việt Nam có đầy đủ năng lực để đăng cai các sự kiện quốc tế lớn”, bà Hằng nói.

Cơ hội vàng

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai là cơ hội vàng đối với Hà Nội nói riêng và đối với Việt Nam nói chung. Bởi lẽ, với đông đảo phóng viên của các hãng thông tấn đến Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến và đất nước Việt Nam được quảng bá trên mọi lĩnh vực, từ thành quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư, đến hình ảnh người dân thân thiện, mến khách…

Theo hãng tin Bloomberg, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 vào ngày 12-6-2018 ở Singapore, 3.000 nhà báo tham dự sự kiện đã giúp quốc đảo sư tử hưởng lợi lớn về du lịch và mức độ phủ sóng trên truyền thông thế giới. Một hiệu ứng tích cực tương tự cũng sẽ diễn ra với Việt Nam trong sự kiện lần này.
Tờ The Diplomat tính toán cụ thể hơn: thay vì trả hàng triệu USD cho mỗi phút quảng cáo trên CNN, hình ảnh Việt Nam được quảng bá miễn phí trên CNN, BBC và nhiều kênh truyền hình lớn; góp phần thu hút sự chú ý du khách, giới đầu tư...

Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp lớn của Việt Nam thực hiện những đơn hàng lớn và quảng bá hình ảnh của mình, chẳng hạn như với Vietjet Air và “tân binh” Bamboo Airways - hai hãng vừa ký kết mua 110 máy bay Boeing. Hay việc tập đoàn UAC (Universal Alloy Corporation, Mỹ) sản xuất linh kiện máy bay tại Đà Nẵng ban đầu dự kiến tạo việc làm cho 650 - 1.200 lao động, kỹ sư trình độ chuyên môn cao.

Trong khi đó, báo Asahi Shimbun của Nhật Bản chỉ ra lợi ích khác không kém phần quan trọng: việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này giúp Việt Nam cải thiện đáng kể quan hệ với Mỹ. Điều này được dự báo sẽ góp phần thúc đẩy triển vọng của các hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước, vốn bị ảnh hưởng đáng kể sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những cái bắt tay nồng ấm giữa nhà lãnh đạo Mỹ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; hay những dòng tweet ca ngợi “Việt Nam đang phát triển mạnh như một số nơi khác trên thế giới”, hình ảnh ông Donald Trump vẫy quốc kỳ Việt Nam… minh chứng Việt Nam là đối tác toàn diện của Mỹ.

TS. Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao, khi trả lời phỏng vấn báo chí cũng cho rằng, với vai trò nước tổ chức, Việt Nam không chỉ tạo điều kiện cho hai bên trao đổi, mà qua đó còn có cơ hội thúc đẩy quan hệ với hai nước. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có vai trò “đột phá” trong quan hệ giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh Triều Tiên đang mong muốn cải cách, đổi mới. Đối với Mỹ, đây là cuộc gặp cấp cao lần thứ 3 giữa hai nước trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Lần đầu tiên là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Washington (tháng 5-2017); lần 2 là Tổng thống Donald Trump thăm cấp Nhà nước Việt Nam sau khi dự hội nghị APEC (tháng 11-2017).

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định: “Năm 2020, khi Việt Nam tiếp quản chức Chủ tịch ASEAN và khi nước này đang tranh cử vị trí không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020-2021, những gì Việt Nam đang làm, trong đó có việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là hoàn toàn phù hợp với khát vọng của Việt Nam. Đó là cách thể hiện tốt hình ảnh một công dân khu vực và thế giới, cũng như giới thiệu với thế giới rằng, họ đang làm tất cả để thay đổi đất nước và xã hội”. 

Việc Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai thể hiện lòng tin đối với Việt Nam; qua đó thấy được vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và đối với các đối tác. Sự chuẩn bị chu đáo trong thời gian qua chứng tỏ Việt Nam có đầy đủ năng lực để đăng cai các sự kiện quốc tế lớn”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

VĨNH AN  (tổng hợp) 

;
;
.
.
.
.
.