Không còn bom đạn, song thật khó hình dung hết những vất vả, hy sinh của những người vợ lính thời bình.
Xa chồng, một mình chăm sóc, nuôi dạy các con, khó khăn đủ bề song những người vợ lính vẫn luôn lạc quan, mạnh mẽ vượt qua, không một chút nề hà. Trong ảnh: Chị Lê Thị Hạnh, vợ Đại úy Nguyễn Xuân Đan cùng con gái. Ảnh: Mai Hiền |
“Làm vợ nhà binh phải dũng cảm, biết hy sinh”
Ấy là câu đầu tiên mà chị Nguyễn Thị Phương Thắm (quê Hà Tĩnh, ngụ tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), giáo viên Trường THCS Lê Anh Xuân, vợ của Trung tá Nguyễn Nam Anh, công tác tại kho xăng dầu H182 thuộc Tổng cục Hậu cần, chia sẻ với chúng tôi.
Câu chuyện tình yêu của anh chị bắt đầu từ năm 1999. Lúc ấy, chị Thắm vừa tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Vinh (nay là Trường ĐH Vinh) còn anh Nam Anh cũng vừa tốt nghiệp Học viện Hậu cần. Họ biết nhau qua sự mai mối của em trai anh Nam Anh, học sau chị Thắm một khóa. Suốt 2 năm quen nhau, số lần anh chị được cạnh nhau đếm đi đếm lại chưa hết 10 đầu ngón tay. Khi nào muốn trò chuyện thì hẹn lịch rồi đúng giờ, ra bưu điện gọi cho nhau.
Đầu năm 2001, đám cưới ấm áp của anh chị cũng diễn ra trong sự chúc phúc của hai bên gia đình, chị về làm dâu nhà anh ở Nghệ An. Một tháng sau, chị Thắm mang thai, là dâu trưởng nên chị đảm luôn phần chăm sóc bố mẹ chồng, quán xuyến chuyện nhà cửa. Dù đã hình dung trước phần nào những khó khăn vất vả khi làm vợ lính nhưng chị Thắm thừa nhận, có những lúc, chị cảm thấy kiệt sức. Có điều, bỏ cuộc là điều mà chị chưa một lần nghĩ tới. Tình yêu, những thăm hỏi động viên từ chồng (dù chỉ qua thư, điện thoại) và gia đình chồng đã tiếp thêm sức mạnh giúp chị vượt qua tất cả.
Năm 2003, anh Nam Anh mới được chuyển về Đà Nẵng, công tác tại Kho Xăng dầu H182 thuộc Tổng cục Hậu cần. Nhưng mãi đến năm 2008, nhờ chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” của thành phố, chị Thắm mới có thể chuyển từ Nghệ An vào Đà Nẵng, gia đình nhỏ được đoàn tụ. Nhưng niềm vui chưa lâu thì năm 2012, sau 2 tháng chào đón đứa con thứ 2, anh nhận lệnh ra Hà Nội học 2 năm.
Đưa mắt nhìn đứa con thứ hai, chị Thắm bộc bạch: “Tôi may mắn là cả hai lần sinh nở đều có chồng bên cạnh. Nhưng đặc biệt nhất là lần sinh đầu tiên. Suốt thai kỳ không có anh bên cạnh chăm sóc nhưng ngày anh được về phép để chuẩn bị chuyển công tác lên Phân kho K1, Kho H182 lại đúng ngày tôi chuyển dạ, sinh sớm hơn dự kiến. Vậy là anh đã ở cạnh tôi trọn vẹn 10 ngày sau khi sinh. Tôi hạnh phúc lắm”.
Nếu tính luôn cả 2 năm yêu nhau, 12 năm chị Thắm phải sống xa chồng, xa người mình yêu thương. Đó là những ngày tháng chị và con sống bằng niềm tin, tình yêu và cả nỗi nhớ nối dài nỗi nhớ…
Nỗi lòng vợ lính đảo
Theo cuộc hẹn trước đó vài ngày, chúng tôi tìm đến nhà của chị Lê Thị Hạnh, giáo viên mầm non Trường Mầm non Mitsuba và Đại úy Nguyễn Xuân Đan, công tác tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cùng hai con nhỏ trong một con hẻm trên đường Võ Duy Ninh (ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).
Vợ chồng chị Hạnh bắt đầu quen nhau từ năm 2006. Lúc đó, chị đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh còn anh là học viên của Học viện Kỹ thuật quân sự.
Tháng 9-2009, anh Đan ra trường và nhận công tác tại Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật 354, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đóng tại Đà Nẵng, trong khi chị Hạnh đang làm việc cho một dự án tại Hà Nội, song anh chị vẫn quyết tâm về chung một nhà vào đầu năm 2010. Cuộc sống vắng chồng giữa thủ đô nhộn nhịp khiến chị Hạnh không ít lần nén nước mắt vào trong, giấu đi nỗi buồn tủi thường trực.
Giai đoạn mang thai con đầu lòng, không có chồng bên cạnh, thiếu kinh nghiệm chăm sóc bản thân, chị Hạnh sinh non và em bé không may bị bệnh tim bẩm sinh, bị viêm phổi. Những ngày sau sinh, anh cũng không thể cạnh vợ để chăm sóc, mọi chuyện cậy hết bên ngoại. Khi bé đầu được 5 tháng tuổi, anh mới đón mẹ con chị vào Đà Nẵng.
“Xa chồng riết rồi cũng phải quen, nhưng lần bé Phúc (con đầu của anh chị - PV) phải mổ tim đúng lúc anh Đan nhận nhiệm vụ ra đảo Song Tử Tây. Nội ngoại đều ở xa, một mình xoay xở ở bệnh viện, dù cố gắng mạnh mẽ mấy cũng khó tránh khỏi cảm giác tủi cho mình, tủi cho con”, chị Hạnh chùng giọng nhớ lại.
Chị Hạnh cho biết, thời gian anh Đan công tác ở đảo Song Tử Tây rồi tiếp đó là đảo Sơn Ca, mỗi năm anh Đan chỉ được về phép đúng một lần. Từ ngày chuyển công tác về Đà Nẵng đến nay, cứ 3, 4 tuần anh Đan lại được về thăm nhà, chị Hạnh vui lắm, dù chỉ được vài ngày rồi đi. Dù đã nhiều năm trôi qua, song ngày có chồng ở bên bao giờ với chị Hạnh cũng thật khác. Chị say sưa nấu nướng, hát ca, anh lăng xăng phụ vợ, chơi với con, cả nhà rộn rã tiếng cười…
Những khoảnh khắc hạnh phúc giản đơn như thế có lẽ chỉ những người vợ lính như chị Hạnh, chị Thắm mới cảm thấu hết, tiếp cho họ động lực, niềm tin để tiếp tục là hậu phương vững vàng của những người lính.
MAI HIỀN - MỸ LINH