Bạn ở Đà Nẵng

.

Đà Nẵng từ lâu được mệnh danh là thành phố đáng sống. Gần đây, dẫu có những chuyện liên quan đến vi phạm phải xử lý, nhưng đây vẫn là nơi được nhiều người trầm trồ khi đến.

Người dân cùng du khách kéo lưới trong sớm mai trên biển Mỹ Khê.Ảnh minh họa: MINH TRÍ
Người dân cùng du khách kéo lưới trong sớm mai trên biển Mỹ Khê.Ảnh minh họa: MINH TRÍ

Người ta chú ý nhiều đến những đổi thay, những tòa ngang dãy dọc, những cao vút những nghênh ngang..., và ca ngợi nó.

Tôi lại thấm với Đà Nẵng từ những điều rất nhỏ, ấy là những con người, những con người đặc Đà Nẵng, yêu Đà Nẵng của họ từ những chi tiết nhỏ nhất.

Ấy là một anh bạn, chủ một doanh nghiệp, sáng nào cũng ra biển tắm và dạo biển, từ rất sớm. Và sáng nào anh cũng làm mấy việc.

Một là mua theo bánh mì. Anh tặng những ngư dân sáng nào cũng ra biển kéo lưới. Họ đa phần là ngư dân nghèo, không có thuyền ra biển. Sáng sáng cầm lưới ra biển, ba bốn người hùn lại, ra thả ngoài xa rồi hợp sức kéo vào.

Biển Vũng Tàu, Nha Trang cũng có những người kéo lưới như thế này. Những ngư dân này ra biển từ 3-4 giờ sáng, chưa kịp ăn gì. Anh tặng bánh mì để họ ăn rồi có sức kéo tiếp. Chưa hết, một hôm anh phát hiện một nhóm phụ nữ ngồi chờ. Hỏi thì biết đây là vợ của những ngư dân kia, ngồi đợi chồng kéo có cá thì bán. Thế là anh cũng tặng bánh mì cho họ. Cảm động là, anh kể, có chị kia chỉ ăn nửa ổ, nửa ổ để dành cho chồng. Anh đưa cho chị ổ nữa, nói ăn đi, ổ này cho chồng chị.

Chắc anh làm việc này đã lâu, nhưng gần đây theo dõi Facebook của anh tôi mới biết. Và việc thứ hai anh làm, là nếu không ai mua số cá, ốc, mực, tôm... mà những ngư dân này kéo được thì anh sẽ mua hết. Mua xong một là làm mì tôm tại chỗ kêu bạn bè tới ăn sáng ngay trên bãi biển, hai là mang về rồi nhắn bạn bè tới... tặng.

Tôi lẳng lặng đọc facebook của anh, sáng nào cũng đọc, và lặng người đi vì xúc động. Cái xúc động nữa là, những bức ảnh anh đăng kèm. Nó là những ban mai biển Đà Nẵng rất đẹp, hết sức đẹp, chứa trong ấy tình yêu của anh với mảnh đất mình đang sống.

Ấy là nhóm mấy bạn trẻ. Họ yêu Đà Nẵng từ những mảnh vụn bản sắc, từ những gì Đà Nẵng nhất, không cứ là to là hoành, mà là Đà Nẵng căn cơ.

Họ có thể len lỏi qua rất nhiều con hẻm nhỏ, nhiều đoạn phải dừng lại hỏi đường, bỏ qua rất nhiều quán lớn, sang trọng, chỉ để dẫn tôi tới một quán mì Quảng mà theo họ là... Quảng nhất, Đà Nẵng nhất. Không phải vì rẻ, tất nhiên, mà vì, nó là Đà Nẵng nhất, trong họ, trong ký ức của họ, dù họ còn rất trẻ, trên ba mươi một chút, ký ức cũng chưa dày bao nhiêu.

Nhưng Đà Nẵng trong họ phải là thế, không xô bồ, không sáng choang vô cảm, mà phải có hồn có cốt, có những gì mà Đà Nẵng đã từng, phập phồng thức cảm với họ. Tôi chứng kiến một anh bạn trong nhóm ấy, đang đi bỗng dừng xe, tưởng làm gì, anh phát hiện một cái vỏ chai nước nằm trên đường. Nhặt lên, lặng lẽ tới chỗ có thùng rác, bỏ vào. Điềm nhiên như ăn cơm xong phải... uống nước.

Đấy là những người Đà Nẵng mà nếu bạn đến Đà Nẵng sẽ hết sức yên tâm khi gặp họ. Chỉ cần quen qua mạng, ngỏ lời rằng lần đầu (hoặc lần mấy cũng được) đến Đà Nẵng, họ sẽ sẵn sàng giúp, tận tình đến mức... đáng ngại, đến mức có khi phải tự hỏi: Họ có... ý đồ gì không? Rằng tại sao lại có những người tốt đến như thế? Tôi đã chứng kiến họ đón rất nhiều bạn bè tứ phương như thế, và bản thân cũng là người hay được đón.

Họ tốt đã đành, nhưng cái chính là họ muốn mọi người hiểu đúng về Đà Nẵng, về con người Đà Nẵng. Họ yêu Đà Nẵng như yêu chính mình, thậm chí hơn yêu mình. Họ lo cho Đà Nẵng, sợ Đà Nẵng bị mang tiếng nếu người nơi khác đến chưa hiểu, hoặc bị những phiền toái không đáng có.

Tôi là người gắn bó với Đà Nẵng từ thời... bao cấp, cái thời bến xe Đà Nẵng đang là trung tâm của miền Trung, ai đi đâu cũng phải qua đấy... xếp hàng. Từ Huế, bao giờ tôi cũng phải vào Đà Nẵng rồi mua vé đi tiếp, và ngược lại, từ mọi nơi đều mua vé về Đà Nẵng rồi lại xếp hàng đi tiếp.

Mấy cái nhà trọ ở bến xe cũ tôi quen như... nhà mình. Rồi thôi, giờ quay lại, đi tới đi lui lạc tứ tung, đi đâu hỏi đấy, hoặc Google map lăm lăm trên tay. Và khi đi với các bạn trẻ kia vào những cái hẻm vẫn rất Đà Nẵng ấy, với mì Quảng, với thịt heo bánh tráng, tôi lại nhận ra một Đà Nẵng từng thân quen thuở nào.

Không phải là muốn Đà Nẵng cứ như thuở nào, mà tôi nhận ra tình yêu Đà Nẵng, thứ tình yêu máu thịt, tình yêu hết sức tự nhiên, tình yêu bình dị... từ chính những người bạn tôi quen qua Facebook rồi đến ngoài đời kia.

Họ tự hào vì họ là người Đà Nẵng, và Đà Nẵng cũng tự hào vì có họ là công dân của mình...

VĂN CÔNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.