Chọn điểm nhấn trong tiện ích công cộng

.

Theo một số chuyên gia, thành phố thông minh trước hết phải từ những tiện ích thông minh. Để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh, Đà Nẵng nên chọn một hoặc một vài điểm nhấn để tập trung xây dựng, không nên đầu tư tràn lan.

Tạo lập một không gian sống an toàn, thân thiện sẽ khiến Đà Nẵng ghi điểm trong lòng người dân và du khách.  Ảnh: Q.T
Tạo lập một không gian sống an toàn, thân thiện sẽ khiến Đà Nẵng ghi điểm trong lòng người dân và du khách. Ảnh: Q.T

Nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài, anh Nguyễn Duy Nghiêm, cựu chuyên gia dự án phần mềm tại FPT Software về big data và trí tuệ nhân tạo (Artifical Intelligence-AI) chia sẻ rằng, hầu hết các thành phố phát triển du lịch ở các nước đều có điểm nhấn riêng để thu hút du khách.

Ví như Thượng Hải (Trung Quốc) chỉ chọn 1 điểm nhấn là bãi đỗ xe thông minh. Hiện đã có hơn 6.500 điểm đậu xe dần chuyển sang hình thức dùng chung nhờ Airparking, một nền tảng đỗ xe chung trực tuyến. Thông qua Airparking, người dùng có thể chia sẻ hoặc đặt chỗ đậu xe. Chủ sở hữu còn thừa chỗ đỗ xe có thể chia sẻ thông tin chi tiết bao gồm vị trí đỗ, giấy phép lái xe và thời hạn trên ứng dụng. Nhờ những thông tin trên, nhiều người khác có thể dễ dàng tìm kiếm địa điểm đỗ xe gần nhất. Hay như tại thành phố Osaka (Nhật Bản), hệ thống camera thông minh được lắp đặt ở khắp nơi.

Chỉ cần du khách có dấu hiệu đi lạc (hình ảnh du khách xuất hiện tại 1 điểm trên camera từ 4-5 lần - PV) là lập tức cảnh sát xuất hiện để hỗ trợ. “Đà Nẵng hiện có nhiều lợi thế xây dựng thành phố thông minh, trong đó rõ nét nhất cần tạo điểm nhấn từ “con đường thông minh” và “dịch vụ công thông minh”. 

Ví dụ nếu chọn đường Võ Nguyên Giáp là tuyến đường thông minh thì mọi hoạt động trên tuyến đường đó sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Nhỡ như có một cụ già bị ngã hay em bé lạc mẹ hét thất thanh thì hệ thống camera thông minh sẽ nhận diện tín hiệu này, hệ thống tự gọi điện đến cảnh sát hoặc đơn vị liên quan. Cơ quan chức năng sẽ có mặt ngay để xử lý”, ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm dẫn ví dụ, hệ thống thông minh ở đây nên được đầu tư nhất chính là công nghệ AI. Công nghệ này đã được nhắc nhiều trong các cuộc hội thảo xây dựng đề án phát triển thành phố thông minh của Đà Nẵng. Hệ thống này sẽ giúp người dân và du khách thấy được chính quyền thành phố luôn đứng sau lưng, luôn sẵn sàng giúp đỡ người dân và du khách khi có sự cố xảy ra.

Còn theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, thì chúng ta nên hướng đến “thành phố thông minh” bằng những tiện ích đô thị tưởng chừng thật giản đơn. “Việc tạo ra những điểm nhấn kiến trúc, những không gian có giá trị “nơi chốn”, phát huy sắc thái không gian cảnh quan đặc trưng, hình thành nên những tuyến cảm thụ rất cần thiết để giúp cho con người cảm nhận trình tự của các lớp không gian chứ không đơn thuần là những tuyến đường giao thông phục vụ việc đi lại. Làm thế nào người ta có thể nhận biết từ xa nơi người ta cần đến, làm thế nào thuận lợi cho việc tìm thấy một địa điểm mà ta cần tìm… là mong muốn của mọi người, không chỉ là du khách mà ngay cả những người sống và lớn lên trên chính thành phố đó”.

Thực tế, cụm từ “đô thị thông minh” hãy còn khá xa lạ với người dân. Theo TS.KTS Phan Bảo An, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), thành phố thông minh là thành phố làm tốt nhất những nhu cầu thích ứng với người dân sống ở đó. Tức là, đô thị ấy phải được thiết kế, xây dựng và quản lý với mục tiêu cao nhất là phục vụ con người; bao gồm việc tạo điều kiện tốt nhất để phát huy năng lực sáng tạo, óc tưởng tượng của cư dân sống trong đô thị đó. “Muốn phát triển bền vững thì phải xây dựng lý luận thật vững chắc. Nếu không vững từ lý thuyết thì sẽ không có chiến lược, đích đến”, TS.KTS Phan Bảo An nói.

Thực tế, nền tảng xây dựng thành phố thông minh đã được đề cập từ năm 2012 khi chính quyền thành phố phối hợp với Tập đoàn IBM khảo sát, xây dựng đề án “Xây dựng thành phố thông minh hơn”.

Từ đó đến nay, chính quyền thành phố đã triển khai thành công nhiều ứng dụng thông minh như: hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình; triển khai hệ thống điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông và trung tâm quản lý và vận hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng… Hay để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, Đà Nẵng đã triển khai cơ sở dữ liệu và hỗ trợ người dân tra cứu các đơn vị đạt chuẩn an toàn thực phẩm qua tin nhắn, điện thoại…

Việc còn lại có lẽ là chọn một điểm nhấn phù hợp nhất để Đà Nẵng tạo được nét riêng biệt, không lẫn với bất kỳ đô thị nào trên thế giới.

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.