Đại học đà nẵng

Mở ngành mới, tăng phương thức tuyển sinh

.

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường thành viên Đại học Đà Nẵng chủ trương mở ngành mới, tăng thêm phương thức tuyển sinh, cánh cửa vào đại học vì thế rộng hơn, thực tế hơn với nhiều thí sinh.

Những ngành nghề mới, cách thức tuyển sinh, cơ hội việc làm sau ra trường được các học sinh và các phụ huynh đặc biệt quan tâm.(Ảnh do Đại học Đà Nẵng cung cấp)
Những ngành nghề mới, cách thức tuyển sinh, cơ hội việc làm sau ra trường được các học sinh và các phụ huynh đặc biệt quan tâm.(Ảnh do Đại học Đà Nẵng cung cấp)

Thêm ngành mới, thêm cách thức tuyển sinh

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa cho biết, năm nay, nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực trong xu thế mới, trường mở thêm hai ngành mới là Kỹ thuật hệ thống công nghiệp (60 chỉ tiêu) và Kỹ thuật cơ sở hạ tầng (120 chỉ tiêu). Trong đó, ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp là ngành tích hợp nhiều chuyên ngành như cơ khí, điện, quản lý công nghiệp. Ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng nằm trong nhóm ngành xây dựng, rất phù hợp trong bối cảnh phát triển của đô thị hiện nay.

Theo PGS.TS Hồng Hải, sự phát triển các ngành mới dựa trên những lĩnh vực đào tạo truyền thống, thế mạnh của trường, vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Xu hướng phổ biến trong lựa chọn ngành nghề của học sinh hiện nay là theo những nghề truyền thống (theo định hướng của cha mẹ) hoặc đổ xô vào nghề “hot” (khiến tỷ lệ “chọi” cao, khó đỗ) mà không biết có những lĩnh vực cụ thể, chuyên sâu xã hội rất cần. Việc mở thêm ngành mới, những ngành chất lượng cao, tiên tiến chính là sự tích hợp hoặc đi sâu vào những khía cạnh cụ thể đối với những ngành nghề phù hợp với xã hội hiện đại, mở ra nhiều cơ hội, lựa chọn hơn.

Bên cạnh mở ngành mới, năm nay, Trường ĐH Bách khoa lần đầu tiên xét học bạ cho 50% chỉ tiêu (340 chỉ tiêu) đối với các chương trình tiên tiến (gồm hai ngành Điện tử viễn thông và Hệ thống nhúng), Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, chương trình chất lượng cao (CLC) với các ngành: Kỹ thuật nhiệt, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật công trình thủy, Kỹ thuật môi trường, Kinh tế xây dựng, Công nghệ dầu khí và khai thác dầu. Trong đó, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khi xét học bạ là tổng 3 môn đạt 21 điểm, đối với chương trình tiên tiến phải có điểm IELTS từ 4.5 trở lên hoặc điểm học tập tiếng Anh ở THPT từ 7 điểm trở lên.

Trường ĐH Bách khoa còn xét tuyển thẳng học sinh đạt học sinh giỏi của tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, với điều kiện điểm trung bình học tập trên 18 điểm/3 môn; xét tuyển thẳng đối với học sinh các trường THPT chuyên các môn Toán, Lý, Hóa, Tin học, điều kiện điểm trung bình học tập môn chuyên trên 8 điểm, 2 môn còn lại trong tổ hợp phải trên 5 điểm.

Các thông tin này đều công bố trên website của trường và các buổi tư vấn tuyển sinh chung của ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Bách khoa hồi đầu tháng 3 vừa qua. Gần đây, Trường ĐH Bách khoa còn mở các buổi tư vấn trực tuyến vào ngày 24-3 và mới nhất là 7-4 để cung cấp những thông tin tuyển sinh thiết thực, cụ thể đến phụ huynh và học sinh.

TS. Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng cho biết, năm nay, ĐH Đà Nẵng tiếp tục giữ ổn định phương án xét tuyển của năm 2018. Các trường thành viên xét thẳng bằng học bạ vào một số ngành, đơn vị trực thuộc, đồng thời mở rộng diện xét tuyển và ưu tiên xét tuyển.

Theo ông Quốc, xu hướng mở thêm những ngành mới của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng là rất tích cực. Đáng chú ý, bên cạnh Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm năm nay mở thêm đến 5 ngành mới là: Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục công dân, Tin học và Công nghệ tiểu học. Đó là những ngành mới theo định hướng tích hợp các môn học, đáp ứng giảng dạy theo chương trình phổ thông hiện nay. Thông tin từ Trường ĐH Sư phạm cho biết thêm, mùa tuyển sinh 2019, trường dự kiến tuyển sinh 39 ngành đào tạo với 2.850 chỉ tiêu. Ngoài khối ngành đào tạo giáo viên, trường còn có các khối ngành đào tạo cử nhân.

Cần bảo đảm chất lượng

Những buổi tư vấn trực tiếp/ trực tuyến cho thấy phụ huynh và học sinh rất quan tâm đến những ngành xét tuyển thẳng và xét tuyển học bạ. Trong đó vấn đề được quan tâm nhất là về các ngành nghề đào tạo, ngành mới, chất lượng, cơ hội việc làm... Tất nhiên đây cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của những cơ sở đào tạo chất lượng. Xét điểm học bạ, xét tuyển thẳng mở rộng cơ hội cho các thí sinh, song vấn đề chất lượng luôn được các trường thành viên ĐH Đà Nẵng đặt lên hàng đầu. Điều này thể hiện ở việc kiểm soát đầu vào, bảo đảm những điều kiện bắt buộc trong xét học bạ, xét tuyển thẳng.

PGS.TS Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế cho biết, quan điểm tuyển sinh năm 2019 của trường này là không tăng quy mô sinh viên mà chú trọng việc duy trì, phát triển chất lượng. Năm nay, ngoài xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế cũng tuyển thẳng thêm thí sinh đoạt giải nhất, nhì học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) bậc THPT vào các khối ngành tùy thuộc vào môn đoạt giải. Trường cũng xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên và tổng điểm hai môn thi THPT quốc gia thuộc tổ hợp xét tuyển (trừ Ngoại ngữ) từ 12 điểm trở lên (trong đó có môn Toán). Tuy nhiên, chỉ tiêu xét tuyển thẳng mỗi ngành chỉ lấy bằng 20% chỉ tiêu ngành. Nghĩa là không phải tất cả các thí sinh đủ các điều kiện đều trúng tuyển mà sẽ xét từ trên xuống và chỉ lấy đủ chỉ tiêu đã định, ưu tiên điểm tiếng Anh, sau đó là Toán.

Đông đảo học sinh tham gia Ngày hội tuyển sinh và hướng nghiệp 2019 do Đại học Đà Nẵng tổ chức.(Ảnh do Đại học Đà Nẵng cung cấp)
Đông đảo học sinh tham gia Ngày hội tuyển sinh và hướng nghiệp 2019 do Đại học Đà Nẵng tổ chức.(Ảnh do Đại học Đà Nẵng cung cấp)

Câu chuyện chất lượng còn thể hiện rất rõ trong quá trình đào tạo. Hiện tại Trường ĐH Bách khoa có 29 ngành thì có đến 19 ngành đào tạo CLC và tiên tiến.

Theo PGS.TS Hồng Hải, để một ngành/ nghề có thể chuyển qua chương trình đào tạo CLC, ngành/ nghề đó ít nhất phải trải qua chừng 2 khóa đào tạo đại trà, được kiểm chứng chất lượng, cơ hội việc làm... sau đó mới xem xét chuyển qua đào tạo CLC. CLC sẽ là một chương trình học hoàn toàn mới bảo đảm bám theo tiêu chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ; phải có sự hợp tác, tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo; việc học của sinh viên là học theo Dự án (Dự án thực tế để phát triển kỹ năng, đồng thời tích lũy kiến thức), kể cả những dự án liên môn (kết hợp nhiều ngành). Đối với chương trình CLC tại Trường ĐH Bách khoa, sinh viên tốt nghiệp phải có trình độ tiếng Anh TOEIC 600.

Trường ĐH Kinh tế năm nay chủ trương tiếp tục giữ vững và phát triển hơn nữa chất lượng đào tạo tất cả 27 chuyên ngành. Đặc biệt, tại các ngành liên kết quốc tế như Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Quản trị Maketting và Kế toán, sinh viên sẽ tiếp tục được theo học 2 năm cuối tại trường Cardiff Metropolitan (Vương quốc Anh), khi tốt nghiệp các sinh viên này sẽ được Cardiff Metropolitan cấp bằng.

Hướng đến những nhu cầu mới từ xã hội, tại Trường ĐH Kinh tế, những chuyên ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin và Du lịch như Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Thương mại điện tử, Hệ thống tin quản lý... đã được nhà trường triển khai đào tạo đặc thù từ năm 2018 (nghĩa là sinh viên có ít nhất 30-50% thời lượng học tập và trải nghiệm tại các doanh nghiệp).

TS. Trần Đình Khôi Quốc cho rằng, với cơ chế ngày càng tăng tính tự chủ của các trường đại học trên cả nước (trước khi tự chủ hoàn toàn), thì chất lượng, uy tín chính là lẽ sống còn với các trường đại học không riêng ở Đà Nẵng. Một trong những giải pháp được dự kiến là năm 2020, ĐH Đà Nẵng sẽ triển khai kỳ thi đánh giá năng lực cho các trường thành viên, sau các hình thức xét tuyển trước đó, nhằm thêm một bước sàng lọc chất lượng thí sinh trước khi đỗ vào trường; đồng thời, tùy tình hình, mỗi trường thành viên sẽ có những giải pháp cụ thể phù hợp.

Thông tin xét tuyển bằng học bạ và tuyển thẳng một số trường, đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng khác:

- Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật xét tuyển thẳng các ngành (trừ Sư phạm kỹ thuật Công nghiệp) đối với học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi lớp 12 hoặc giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh/ thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Tin.

Trường xét thẳng vào ngành Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp đối với học sinh có ba năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi lớp 12 đối với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Tin. Đối với đối tượng xét tuyển thẳng diện học sinh giỏi, tổng điểm hai môn thuộc tổ hợp xét tuyển tối thiểu cần đạt từ 15 trở lên.

- Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế A - Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, có kết quả ba môn (phù hợp với ngành đào tạo trong đó có Toán hoặc Văn) đạt điểm tối thiểu mỗi môn từ 60/100 trở lên; thí sinh có kết quả thi SAT đạt từ 1.100/16.00 hoặc từ 1.450/2.400 trở lên.

- Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông xét tuyển thẳng thí sinh đoạt giải nhất, nhì ba cấp tỉnh/ thành phố và đạt giải trong các cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng, các cuộc thi nghệ thuật cấp tỉnh/ thành phố.

Một điểm mới trong tuyển sinh năm nay là 7 trường/ đơn vị thành viên sẽ thực hiện “lọc ảo” trong nội bộ các trường. Nghĩa là khi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển trường này, hệ thống sẽ tự động hủy hồ sơ của thí sinh (nếu có nguyện vọng) ở các trường thành viên còn lại. Điều này tránh hiện tượng các trường nhận hồ sơ ảo vào trường.

Việc mở thêm ngành nghề mới, thêm phương thức tuyển sinh không chỉ là cơ hội cho các thí sinh, cần nhìn nhận đây cũng chính là cơ hội của các trường đại học thành viên tự tạo ra cho mình trong nâng cao chất lượng, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)

Thanh Tân
 

;
;
.
.
.
.
.