Trải qua những mùa tuyển sinh khá biến động, có một sự thay đổi quan niệm từ một số trường đại học: trường đến với sinh viên chứ không phải để sinh viên chầu chực đăng ký; trường công cũng phải cạnh tranh với trường tư để thu hút sinh viên chứ không phải chờ sinh viên xếp hàng vào học.
Tham gia ngày hội văn hóa dân gian cùng với các trường THPT là cách tiếp cận tuyển sinh mới của các trường đại học, cao đẳng. (Ảnh do ĐH Đông Á cung cấp, chụp tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám) |
“Chiến dịch” tìm kiếm thí sinh
Thời điểm tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chính thức diễn ra trong 3 tháng nhưng công tác tư vấn tuyển sinh của các trường diễn ra gần như hết năm. Từ sau thời điểm nghỉ Tết (khoảng đầu tháng 2), hầu hết các trường đã lên đường làm công tác tư vấn tuyển sinh.
Đối với các trường trên địa bàn Đà Nẵng, những chuyến đi kéo dài từ 7-10 ngày qua khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. TS. Nguyễn Thanh Hội, Phó phòng phụ trách Phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), cho biết: “Năm nào cũng vậy, ngay khi mùa tuyển sinh của năm học này vừa kết thúc, nghĩa là khi sinh viên vừa nhập học xong, chúng tôi đã phải lên kế hoạch cho năm tiếp theo.
Thời kỳ cao điểm, chúng tôi tư vấn 5-6 trường/ngày, đến tận các trường học ở vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi hay các tỉnh Tây Nguyên, đường đi lối lại rất khó khăn. Dù vậy, tôi cũng phải động viên các thầy cô trong ban tuyển sinh cùng cố gắng.
Việc đi đến tận nơi như thế này sẽ khiến học sinh ở vùng nông thôn biết đến nhà trường nhiều hơn, thay vì chỉ ngồi một chỗ đợi thí sinh tìm đến. Công tác này đã được nhà trường duy trì vài năm trở lại đây và đem lại hiệu quả tốt”. Số lượng trường THPT mà Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật tiếp cận mỗi năm là khoảng 200 - 300 trường.
Tại Trường ĐH Duy Tân, bộ phận phụ trách tuyển sinh cũng rục rịch mùa đi tuyển sinh từ đầu tháng 1. TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, tuyển sinh giờ đây là vấn đề sống còn của mỗi trường. Theo Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ 1-7-2019), các trường ĐH, CĐ có quyền tự chủ mở ngành, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng…
Từ năm 2018, các trường đại học đã áp dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh. Bên cạnh việc bám sát kỳ thi THPT quốc gia, các trường còn có phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc phổ thông, xét tuyển thẳng với học sinh giỏi, tổ chức kỳ thi năng lực để xét tuyển trực tiếp thí sinh, thi năng khiếu (đối với các khối ngành kiến trúc, mỹ thuật…).
Chính vì các trường được tự chủ trong tuyển sinh nên yêu cầu đặt ra với các trường là phải đưa được thông tin của nhà trường đến với thí sinh; đặc biệt là trong điều kiện số lượng thí sinh phân bổ không đồng đều như hiện nay (trong khi số lượng trường ĐH, CĐ ở miền Trung, Tây Nguyên lên tới 235 trường thì số lượng thí sinh khu vực này lại ít hơn so với miền Nam, miền Bắc).
“Trước đây, lãnh đạo các trường thường tham gia một số chương trình lớn về tư vấn mùa thi do các báo, đài phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức thì từ năm 2015 đến nay, cán bộ ở các phòng chức năng được cử đi về các địa phương tư vấn. Sinh viên là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chất lượng, danh tiếng và sức hút của nhà trường; đại học danh tiếng không đào tạo sinh viên xuất sắc, họ chỉ mời được sinh viên xuất sắc vào học”, thầy Hải cho biết thêm.
Đến gần học sinh hơn
Thông qua bức tranh tuyển sinh những năm gần đây có thể thấy, các trường đều có kế hoạch tư vấn riêng để thu hút thí sinh vào trường mình. Đó có thể là những buổi nói chuyện, tư vấn, trao học bổng tại các trường THPT hay những hoạt động tham quan trường ĐH được tổ chức miễn phí.
Vài năm trở lại đây, Trường ĐH Duy Tân thường xuyên cử cán bộ đến tham gia chương trình Ngày hội văn hóa dân gian tại các trường THPT. Thông qua ngày hội này, nhà trường giới thiệu đến học sinh cuối cấp kết quả đào tạo của nhà trường qua các năm; thành tích nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên; các ngành đào tạo mới; dự trù học phí… Theo thầy Hải, cách làm mới này tạo nên sự gần gũi, gắn kết giữa trường ĐH với trường phổ thông đồng thời giúp học sinh hiểu về nhà trường hơn.
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, thay vì thiết kế các tờ rơi phát đến học sinh, 3 năm trở lại đây, nhà trường đổi mới bằng cách in số lượng lớn tập vở. Trong đó, trang đầu tiên giới thiệu về ngành học, thành tích của nhà trường; mặt sau là biểu trưng của các doanh nghiệp mà trường hợp tác-một cách giới thiệu cho sinh viên biết mối quan hệ rộng rãi của nhà trường với các doanh nghiệp hoạt động liên quan.
“Gần đây, chúng tôi còn tổ chức các nhóm nghiên cứu giữa giảng viên nhà trường với học sinh phổ thông. Đây là một hoạt động “một công đôi việc” khi chúng tôi có được các ý tưởng sáng tạo mới mẻ của học sinh, đồng thời giới thiệu cho học sinh biết rằng thế mạnh của nhà trường là nghiên cứu khoa học”, TS. Nguyễn Thanh Hội nói.
Ngoài ra, như một yếu tố chủ chốt để thu hút sinh viên, các trường ĐH luôn gia tăng sức cạnh tranh của mình bằng việc liên kết với các doanh nghiệp để giúp sinh viên của trường có được việc làm sau khi tốt nghiệp. Điển hình như tại Đại học Đông Á, những năm gần đây, nhà trường đã xây dựng bộ phận làm công tác dự báo nguồn nhân lực cũng như nỗ lực tạo ra nguồn việc làm bền vững cho sinh viên của trường, từ đó tạo nên một yếu tố thu hút của trường so với những đối thủ của mình.
TS. Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Theo tôi, những người làm công tác tuyển sinh dù có đến tận trường, vào tận lớp để thuyết giảng thì cũng không đủ thời gian cho cả hai bên hiểu nhau được. Vì vậy tôi hay gọi mùa tư vấn tuyển sinh là mùa tư vấn hướng nghiệp.
Tôi thường nói với các em rằng, thực ra, các em chọn trường nào không quan trọng bằng việc các em chọn ngành học nào. Khi chọn ngành học chính xác thì ra trường các em sẽ có một cái nghề. Về lâu dài sẽ là nghiệp và tiến đến là sự nghiệp. Tỷ lệ sinh viên có được việc làm sau tốt nghiệp là một trong những yếu tố quyết định khi sinh viên chọn trường”.
Quỳnh Trang