Các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến việc nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên. Tuy nhiên, việc tích lũy kỹ năng nghề nghiệp không đơn giản là việc nhà trường cung cấp 1-2 khóa học kỹ năng mềm và tổ chức một kỳ thực tập vào cuối khóa.
Sinh viên VNUK trình bày sản phẩm trong một giờ học sáng tạo. Ảnh: H.T |
Tích hợp đào tạo kiến thức và kỹ năng mềm
Ý tưởng Smart Mattress - nệm thông minh của nhóm SV Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã giành chiến thắng tại EPICS 2018. Nhằm mục đích giảm bớt sự bất tiện của người cao tuổi và những người có vấn đề về thể chất như viêm xương khớp, phụ nữ sau sinh… khi họ đang ở trên giường, ý tưởng nệm thông minh đã ra đời sau khi các SV quan sát những bệnh nhân gặp vấn đề về di chuyển. Những bệnh nhân này cần sự hỗ trợ của người khác để có thể cử động. Do đó, nệm thông minh với các tính năng di chuyển lên và xuống hoặc tự động bật lên làm thay đổi vị trí của cơ thể bệnh nhân một cách dễ dàng và giúp họ thoải mái hơn trong việc di chuyển.
EPICS (Engineering Projects in Comminity Services - Các dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng) là một khóa học qua dự án để phục vụ cộng đồng thực hiện bởi Trường ĐH Bang Arizona, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Công ty DOW Chemical tài trợ với 4 trường đại học tham gia trong cả nước: trường ĐH Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Lạc Hồng. Thông qua EPICS, hơn 200 SV đa ngành đã sử dụng các kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật và ý tưởng sáng tạo để thiết kế và thực hiện các giải pháp cho các tổ chức từ thiện, trường học và tổ chức phi lợi nhuận trên toàn thế giới.
EPICS đã mang đến cơ hội để SV được trải nghiệm các kỹ năng như một kỹ sư thực thụ. Thông qua các dự án, SV học được cách làm việc nhóm, cách đưa ra ý tưởng, bảo vệ ý tưởng và sau đó trình bày ý tưởng để thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng. Họ cũng sẽ được rèn luyện về tinh thần doanh nhân, điều sẽ giúp ích cho họ rất nhiều khi làm việc ở thế giới thực sau này.
Tích hợp đào tạo kiến thức và kỹ năng mềm cho SV đang là xu hướng của các cơ sở giáo dục ĐH để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Hiện nay, chúng ta cũng đang dạy cho SV các môn học gần như riêng lẻ với nhau, SV học từng môn một và cuối khóa sẽ làm đồ án tốt nghiệp. Đây là một trong những lý do khiến cho SV và cả xã hội có nhận xét là thầy dạy nhiều, vì phải dạy những kiến thức, kỹ năng căn bản nhưng SV vận dụng sau khi ra trường lại không nhiều. Trong khi đó, có nhiều kiến thức khác các em lại không được học trong trường, nhiều kỹ năng ít được tập luyện như tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng tự học, tự nghiên cứu…”.
Dạy học theo dự án đặt SV vào những vai trò học tập tích cực như: giải quyết vấn đề, ra quyết định, điều tra nghiên cứu tổng thể, đề xuất giải pháp, đánh giá hiệu quả của giải pháp, trình bày hay viết báo cáo. SV không chỉ tìm hiểu kiến thức và các yếu tố thuộc chương trình giảng dạy mà còn áp dụng những gì họ biết để giải quyết các vấn đề thực.
Doanh nghiệp phải cùng đồng hành
Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK - ĐH Đà Nẵng) thì để trang bị và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp nhằm bảo đảm có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp đòi hỏi nỗ lực liên tục của SV trong suốt quá trình học tập tại trường cũng như sự hỗ trợ tích cực của nhà trường và doanh nghiệp.
“Các kỹ năng nghề nghiệp không chỉ được theo dõi phát triển trong môi trường học đường mà được song hành với quá trình làm việc thực tiễn trong quá trình học ĐH thông qua các công việc như cộng tác viên, làm việc bán thời gian, thực tập sinh...Các vị trí công việc cũng được tư vấn để SV có thể tích lũy kỹ năng từ đơn giản đến phức tạp theo thời gian. Ngay khi nhập học, SV của VNUK đã được hỗ trợ để tham gia làm việc 1 tháng tại các doanh nghiệp nhỏ, các dự án khởi nghiệp với những công việc đơn giản nhất nhằm bước đầu phát triển kỹ năng giao tiếp, lập kế hoạch, quản lí thời gian... Sau 1 năm học tập, vào mùa hè, SV có thể đăng ký để được hỗ trợ làm việc trong các doanh nghiệp với những vị trí công việc đòi hỏi kỹ năng phức tạp hơn, cứ như vậy cho đến khi các bạn tốt nghiệp chương trình đại học”, TS Mỹ Hương cho biết.
Cùng quan điểm như vậy, PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho rằng, để phương pháp dạy học theo dự án có hiệu quả thì các trường ĐH rất cần sự chung tay hỗ trợ từ các doanh nghiệp như đưa dự án vào nhà trường, cùng đội ngũ giảng viên của trường tham gia hướng dẫn SV thực hiện dự án…
“Với dạy - học theo dự án, các dự án thực tế được giảng viên và SV xây dựng hoặc phối hợp với doanh nghiệp, SV cũng có thể đề xuất dự án nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu. SV những năm cuối rất cần gắn kết với doanh nghiệp để tăng tính thực tiễn và ứng dụng cho dự án”. Tuy nhiên, “trước hết, đòi hỏi giảng viên phải tiếp cận thực tế. Nếu người thầy chỉ ở trong 4 bức tường của trường ĐH thì không thể dạy cho SV những công việc thực tế tại doanh nghiệp được”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh chia sẻ.
TS Nguyễn Thị Mỹ Hương cũng lưu ý rằng, trong giảng dạy kỹ năng mềm cho SV đòi hỏi sự vào cuộc của cả đội ngũ giảng viên cũng như các bộ phận phục vụ, hỗ trợ SV. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên các bộ môn cũng phải tham gia rèn luyện, hỗ trợ phát triển kỹ năng cho SV thông qua các phương pháp tổ chức dạy học.
Hà Trần