Trao đổi với Báo Đà Nẵng chung quanh câu chuyện xây dựng thành phố thông minh (TPTM), ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng nhấn mạnh, TPTM là mô hình quản lý đô thị, trong đó Công nghệ thông tin - Truyền thông được sử dụng như một công cụ để giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại dựa trên dữ liệu và thông tin được thu thập, lưu trữ, giám sát, phân tích và xử lý. Vì vậy, đối với thành phố Đà Nẵng, dữ liệu được xem là hạ tầng và là yếu tố quyết định trong xây dựng và phát triển TPTM.
Ông Nguyễn Quang Thanh Ảnh: T.T |
* Với tầm quan trọng của hạ tầng dữ liệu như ông đã nói trên, trong giai đoạn 2019-2020, cơ sở dữ liệu (CSDL) sẽ là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Vậy, đến nay chúng ta đã có gì, thưa ông?
- Hiện nay Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành các CSDL nền tảng như CSDL công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, thủ tục hành chính, đất đai, bản đồ nền,... và đang triển khai xây dựng các CSDL quản lý tổng thể chuyên ngành.
Tuy nhiên, ngoài các CSDL nền được chia sẻ dùng chung trên Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố, các CSDL nhìn chung còn cát cứ, rời rạc, chưa được quản lý tập trung, chưa liên thông, kết nối, kế thừa. CSDL vì vậy cũng chưa chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước giữa các cơ quan và công khai cho tổ chức, công dân khai thác, sử dụng.
Trong Đề án xây dựng TPTM, hạ tầng dữ liệu, cùng với hạ tầng CNTT, viễn thông được tập trung triển khai ngay từ giai đoạn 2019-2020 để phục vụ phát triển các ứng dụng thông minh. Trong đó, một số nhiệm vụ ưu tiên triển khai như xây dựng kho dữ liệu dùng chung; hoàn thiện, chuẩn hóa CSDL nền tảng và CSDL chuyên ngành (CSDL công dân, CSDL doanh nghiệp, CSDL nhân, hộ khẩu,...); phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng, quy hoạch đô thị, giao thông và các dữ liệu khác trên nền GIS; hình thành nền tảng tích hợp, chia sẻ, phân tích dữ liệu thông minh; triển khai dữ liệu mở (Open Data) và Cổng dịch vụ dữ liệu.
* Được biết, 3 tháng cuối năm 2018, tổ chức các TPTM thế giới (WeGO) đã có hoạt động nghiên cứu và lựa chọn được các dữ liệu quan trọng về giao thông thông minh tại Đà Nẵng, một phần trong xây dựng TPTM. Những dữ liệu đó là gì, thưa ông?
- Năm 2018, WeGO đã lựa chọn và tài trợ Đà Nẵng để triển khai Báo cáo khả thi về “Phân tích dữ liệu trong giao thông thông minh”. Theo đó, báo cáo dựa trên các nguồn dữ liệu đầu vào như dữ liệu quy hoạch giao thông, vi phạm giao thông, lưu lượng giao thông, phương tiện giao thông, dữ liệu góp ý, phản ánh của người dân về tình trạng giao thông,... từ đa dạng các kênh thông tin (web, tổng đài, mạng xã hội, CSDL,...), sử dụng nền tảng tích hợp phân tích dữ liệu (Data Analytics Platform) và công nghệ Big Data để thí điểm phân tích dữ liệu, từ đó đề xuất các giải pháp kiểm soát phương tiện, cải thiện tình trạng giao thông, phân luồng giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông.
* Để những kết quả này của đơn vị tư vấn sẽ được sử dụng trong xây dựng TPTM, cần những điều kiện gì?
- Để những kết quả nghiên cứu khả thi đưa vào sử dụng trong thực tế, về kỹ thuật, công nghệ cần bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, năng lực truyền dẫn, lưu trữ, tính toán; bảo đảm các nguồn dữ liệu đầu vào được thu thập, quản lý, chuẩn hóa tại các cơ quan chuyên ngành; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ và phân tích dữ liệu giao thông dựa trên Big Data, IoT.
Về cơ chế, chính sách, các cơ quan quản lý chuyên ngành như Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Công an thành phố,... bảo đảm thực hiện chia sẻ dữ liệu theo đúng Quy chế chia sẻ dữ liệu số thành phố.
* Lộ trình cơ bản để xây dựng đô thị thông minh Đà Nẵng nhất thiết phải đi qua những bước nào, thưa ông?
- Theo Đề án xây dựng TPTM, lộ trình xây dựng TPTM chia làm 3 giai đoạn, tập trung trên 6 trụ cột chính là: Quản trị, kinh tế, môi trường, đời sống, công dân và giao thông. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ tập trung hình thành hạ tầng và cơ sở dữ liệu làm nền tảng dùng chung cho các ứng dụng TPTM.
Giai đoạn đến năm 2025, thành phố tập trung phát triển đa dạng các ứng dụng TPTM nhằm quản lý hạ tầng đô thị, góp phần định hướng, dự báo phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng phát triển bền vững. Mục tiêu của giai đoạn này là hoàn thiện, thông minh hóa các ứng dụng đã hình thành, thí điểm ở giai đoạn trước để phục vụ doanh nghiệp, người dân, du khách; chuyển quản lý đô thị từ truyền thống sang quản lý trên dữ liệu số.
Ảnh: XUÂN SƠN |
Giai đoạn đến năm 2030, Đà Nẵng xây dựng TPTM dựa trên cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Với hạ tầng CNTT-TT đa dạng, rộng khắp, và những kho dữ liệu thu được trong quá trình triển khai giai đoạn trước làm động lực chính thúc đẩy phát triển TPTM, khởi nghiệp sáng tạo dựa trên dữ liệu, các công nghệ phân tích như: máy học, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo,... được ứng dụng sâu, phổ biến để hỗ trợ chính quyền, doanh nghiệp, công dân, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, tinh gọn bộ máy, nâng cao sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.
Các giai đoạn và chương trình, dự án được xây dựng theo nguyên tắc hạ tầng truyền dẫn, năng lực tính toán đi trước một bước. Bên cạnh đó, lựa chọn mô hình thí điểm, thực hiện các dự án để làm rõ sự thích hợp của mô hình, rút kinh nghiệm, đánh giá cập nhật kiến trúc để nhân rộng và hoàn thiện.
* Vậy những khó khăn, thách thức của Đà Nẵng trong xây dựng TPTM hiện nay là gì?
- Việc triển khai TPTM cần nguồn kinh phí khá lớn và lâu dài. Việc lựa chọn quy mô đầu tư, hạng mục đầu tư, và đầu tư vào lúc nào là những vấn đề cần đánh giá, phản biện... Việc phát triển Chính quyền điện tử và TPTM đòi hỏi bảo đảm tính liên thông, liên vùng, sự kết nối giữa các sở, ngành, quận, huyện; sự chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương.
Trong khi, thực tế tại thành phố, hạ tầng, CSDL, ứng dụng công nghệ thông tin đã triển khai chỉ mới đáp ứng cho việc phục vụ duy trì vận hành Chính quyền điện tử; CSDL vẫn chưa hoàn thiện, như trên đã nói vẫn còn xảy ra tình trạng cát cứ, thiếu liên thông và chia sẻ.
Nền tảng IoT là môi trường để kết nối, nền tảng tài nguyên, CSDL đòi hỏi phải ở mức cao hơn và rộng khắp để tính toán, xử lý, lưu trữ. Đồng thời, để CSDL chính là nền tảng phân tích để triển khai những giải pháp, thuật toán, mô hình hiệu quả... là câu chuyện không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để vận hành TPTM đòi hỏi ở trình độ cao, mang yếu tố cạnh tranh với các Doanh nghiệp; việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ về Công nghệ thông tin hiện nay hết sức khó khăn.
Một thách thức cần lường trước là việc xây dựng TPTM, ứng dụng trên môi trường Internet, vẫn tiềm tàng nguy cơ mất an toàn thông tin, bảo mật thông tin riêng của cá nhân, tổ chức...
* Xin cám ơn ông!
Đà Nẵng có nhiều cơ sở, lợi thế cơ bản cho lộ trình xây dựng thành phố thông minh Trước hết, đó là quyết tâm và cam kết trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin của lãnh đạo thành phố. Sự sẵn sàng của các công nghệ như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa, Internet vạn vật…; sự tham gia của doanh nghiệp Công nghệ thông tin lớn, sự liên kết với các thành phố thông minh trên thế giới. Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số, đã có những giải pháp ứng dụng các công nghệ nhận dạng, máy học, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu... Kỹ năng và ứng dụng công nghệ thông tin của người dân và doanh nghiệp tại thành phố khá cao, việc triển khai các hệ thống Công nghệ thông tin nhận được sự tham gia và ủng hộ rất nhiệt tình từ cộng đồng xã hội. Nguồn kinh phí đầu tư được đa dạng hóa và được bổ sung từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách, nguồn tài trợ của các doanh nghiệp (IBM, Intel, Viettel, FPT, VNPT...), nguồn vốn từ các nhà đầu tư, tài trợ. Ông Nguyễn Quang Thanh |
Thanh Tân (thực hiện)