Duyên nợ, cũng là sở trường của đời văn Trần Thùy Mai có lẽ vẫn là truyện ngắn. Gần đây, chị bị cuốn hút vào thể loại dài hơi là kịch bản phim truyện và tiểu thuyết lịch sử. Ở Huế, trong giới văn nhân, sau Thái Vũ, chị là cây bút nữ đầu tiên kể chuyện cung đình Nguyễn qua Từ Dụ Thái hậu.
Phần nhiều các tiểu thuyết lịch sử đều có những ý kiến trái chiều, thậm chí có sự tranh cãi gay gắt. Từ Dụ Thái hậu là thể nghiệm đầu tiên nhưng Trần Thùy Mai sớm đạt được sự đồng thuận của cả đôi bên. Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng “Từ Dụ Thái hậu là một cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn và trung thực lạ lùng”.
Với tư cách là nhà nghiên cứu Huế, ông Nguyễn Đắc Xuân “thấy kiến thức về triều Nguyễn của Trần Thùy Mai không thua bất cứ nhà nghiên cứu triều Nguyễn nào. Những chuyện, những cảnh, những chi tiết hư cấu đều rất phù hợp. Tác giả khai thác những bí ẩn cung đình mà sử sách xưa nay chưa nói đến, nếu có đề cập đến thì cũng rất sơ sài”.
Vậy có thể nói Thái hậu Từ Dụ là tiểu thuyết, nhưng đọc văn giống đọc sử. Vì thế mới đạt được sự đồng thuận, chưa thấy có sự tranh cãi giữa nhà văn và nhà sử học, hay của các nhà lý luận phê bình khó tính.
Nhà Nguyễn tồn tại 143 năm với 13 triều vua. Trần Thùy Mai đã khéo chọn Thái hậu Từ Dũ làm nhân vật chính. Bà là Phạm Thị Hằng, trưởng nữ của Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng, quê ở Gò Công - Nam Bộ. Bà thọ 93 tuổi, trải qua 10 đời vua, làm “mẫu nghi thiên hạ” liên tục 8 đời vua, trong đó có 5 triều vua bà là Thái Hoàng Thái hậu. Cuộc đời bà vẹn toàn một tiếng thơm, rạng ngời trong sử sách.
Ấy là trong lịch sử.
Trong tiểu thuyết của Trần Thùy Mai, cuộc đời Phạm Thị Hằng cay đắng nhiều hơn là vinh quang. Đó là những ngày đầu theo cha lai kinh, rồi vào cung làm phủ thiếp. Bà sớm trở thành một nạn nhân của cuộc chiến ở chốn hậu cung, từ tranh giành ân sủng đến danh vọng và quyền lực. Một tuyến nhân vật đối đầu với Phạm Thị Hằng được hình thành, mà người đứng đầu là Nhị Phi, Thái hậu triều Minh Mạng, Thái Hoàng Thái hậu triều Thiệu Trị đến đầu triều Tự Đức.
Để đối lập với Phạm Thị Hằng, Trần Thùy Mai đã khắc họa tính cách Nhị Phi khác xa nguyên mẫu trong lịch sử là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu. Đó là một Nhị Phi sắc sảo, tàn độc, không chỉ định đoạt tất cả mọi việc ở hậu cung mà còn can thiệp sâu vào triều chính. Ở Nhị Phi ta thấy thấp thoáng bóng dáng của Lữ Hậu, Võ Tắc Thiên, Từ Hy Thái hậu bên Tàu.
Một vị Hoàng đế mạnh mẽ, quyết đoán như Minh Mạng nhiều khi phải rùng mình trước những toan tính của Nhị Phi. Trong nhiều vụ việc nhà vua đã chậm chân, thậm chí thấp mưu thua trí mẹ mình. Kể cả Gia Long tiên đế cũng phải thừa nhận: Nhị Phi tính mạnh mẽ, quyết đoán, làm việc gì cũng bền gan trì chí, trẫm rất quý. Nhưng để làm mẫu nghi thiên hạ thì bà ấy thiếu sự nhân hậu bao dung của một người mẹ.
Điểm yếu nhất của Nhị Phi lại là điểm mạnh nhất của Phạm Thị Hằng. Vốn văn hóa cộng với tấm lòng bao dung, nhân hậu đã giúp Phạm Thị Hằng vượt qua tất cả mọi thử thách, hiểm nguy để trở thành đệ nhất giai phi, thành Thái hậu, rồi Thái Hoàng Thái hậu trải 5 đời vua.
Để hoàn thành một tiểu thuyết lịch sử có khi tác giả phải mất 10 năm, thậm chí 20 năm đi thực tế, tìm kiếm những tài liệu trong dân gian, tìm hiểu nhân vật, thời đại, bối cảnh lịch sử… Lợi thế của Trần Thùy Mai là cả cuộc đời gắn bó với Huế, trong đó có thời gian dài dạy văn học dân gian ở trường đại học sư phạm.
Rồi làm công việc biên tập ở NXB Thuận Hóa, được tiếp cận với nhiều tác phẩm văn hóa, lịch sử xứ Huế nói chung, triều Nguyễn nói riêng trên những trang bản thảo. Triều Nguyễn là triều đại gần đây nhất. Sử liệu triều Nguyễn khá phong phú. Bên cạnh đó Trần Thùy Mai còn dựa vào những tài liệu dân gian vùng Huế, giai thoại cung đình Nguyễn. Những góc khuất chưa được chép trong chính sử, hoặc được chép theo ý chí của nhà cầm quyền, là những phản biện của các sử gia đời sau, và trí tưởng tượng của nhà văn với lối kể chuyện mạch lạc, hấp dẫn.
Rất tiếc, để chuẩn bị cho Phạm Thị Hằng từ một tiểu thư lên đến ngôi Thái hậu, Trần Thùy Mai đã mất gần một ngàn trang viết dựng lại bối cảnh chính trị của ba triều vua, từ triều Gia Long đến hết triều Thiệu Trị. Tác giả đã đưa vào tác phẩm quá nhiều sự kiện, nhiều giai thoại, nhiều nhân vật, làm cho cả quyển thượng và quyển hạ đều bị quá tải. Vì thế độc giả mới được biết đến một Thái hậu Từ Dụ những ngày đầu “đăng cơ”.
Để hiểu hết một Đức Từ Dụ là một người mẫu mực về đức hạnh, yêu thương dân, nuôi dạy con giỏi, biết đối nhân xử thế; khi cần biết tham gia việc triều chính đúng mức, hiệu quả, người đời sau trân trọng gọi là Quốc mẫu, sử nhà Nguyễn ngợi ca bà: “hợp tất cả phúc của thiên hạ làm phúc của mình”… e rằng Trần Thùy Mai lại phải tiếp tục công trình này trong những ngày dài phía trước. Nếu dừng lại ngang đây thì thật là đáng tiếc.
Thanh Tùng