Tinh mơ, một con khướu hót đến là tha thiết đâu đó trên vòm cây bên ngoài mái lá như báo thức. Tôi một mình đi ra biển. Đây là lần thứ hai trong tháng Tư tôi ra khỏi cửa từ năm giờ sáng để đón bình minh.
Ngọn hải đăng trên đảo Cô Tô. |
Cách đây chỉ một tuần, tôi đã ngồi yên trên một vạt rêu và chờ quầng sáng của mặt trời, rất chậm, rất chậm, lan rộng ra trên mỏm núi phía đông. Và ít phút sau, mặt trời nhỏ từ từ chui lên, qua biển sương mù đang phủ kín rất nhiều những rặng núi, những khe sâu, những tán cây suốt đời yên lặng của rừng già, trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Còn hôm nay, ở đây, bãi biển Cô Tô vắng lặng, không một bóng người, trời nhiều mây, âm u, tĩnh mịch. Mặt trời cuối cùng cũng lên, muộn hơn dự đoán, đỏ ối, khoẻ khoắn, nồng nhiệt.
Tôi gọi điện về phòng nghỉ cho con gái. Con bé giọng ngái ngủ, nghe mẹ hỏi: Con có muốn ra biển không? Lập tức tỉnh như sáo. Có ạ.
Hai đứa bé dắt nhau đi ra biển, tôi ngồi dưới gốc một cây phi lao nhìn theo. Biển ở đây biếc xanh, trong đến mức khó tin, và quyến rũ vô tận bởi cái vẻ cô đơn mênh mông của nó.
Cô Tô là một huyện đảo, diện tích nhỏ, chiều dài chừng 6-7km. Trong thị trấn không có ô-tô, chỉ có xe điện chạy qua chạy lại chở khách du lịch, thi thoảng có một chiếc xe 9 hoặc 12 chỗ. Nhìn trên bản đồ, Cô Tô có một phần nhô ra biển, mảnh mai, như cái mũi hài. Đấy chính là nơi tôi đã ngủ đêm qua, dưới những cái cây thanh thản trút lá, những con côn trùng du dương cất khúc ca triệu triệu năm, và những cơn gió, tự do tự tại, quyến luyến, gợi cảm biết bao ...
Từ một lúc nào đó, không nhớ nữa, có lẽ là sau rất nhiều những chuyến đi, rời khỏi nơi ồn ào đang sống để đến một nơi khác, ồn ào như thế, hoặc hơn, tôi bắt đầu sợ những nơi đông người. Và hầu như tất cả những kỳ nghỉ, khi những con đường cửa ngõ thành phố chật như nêm, xe cộ xếp như cá trong thùng đông lạnh, thì tôi ở lại.
Thành phố ấy, bỗng nhiên một buổi sáng trở nên thênh thang, vắng lặng. Những con đường thưa thớt, chợ búa buồn liu hiu, những cô hàng cá vừa ngồi phẩy quạt đuổi ruồi vừa buôn chuyện trên trời dưới biển. Những ngày hàng triệu người đi vắng, thành phố yên tĩnh và buồn, và đẹp.
Và cũng từ lúc ấy, cái lúc không nhớ ấy, tôi bắt đầu dành nhiều hơn thời gian đi đến những nơi thật ít tiếng nói. Trái đất này, bạn tôi nhìn những công trình đồ sộ trên đường đi và nói: Hàng tỉ người cứ hối hả hì hục múc núi đồi chỗ này đổ xuống vực sâu chỗ kia, tưởng như làm cho đất sinh sôi, chứ thực ra quả địa cầu vẫn thế mà. Nó có to ra đâu. Cái bề mặt địa cầu này, có thể có những biến động ghê gớm do động đất, núi lửa, chiến tranh, nhưng xét cho cùng nó không hề nở to ra hay co bé lại. Nó chỉ có những thay đổi về tỷ lệ màu xanh trên bề mặt mà thôi.
Và tôi, luôn đi kiếm tìm những khoảng xanh ấy.
Em tôi chở tôi bằng một chiếc xe máy có tuổi thọ trên hai thập niên, nếu là một cô con gái thì đã có thể gả đi lấy chồng. Chúng tôi ì ạch bò lên đỉnh một ngọn núi, theo con đường bê-tông nhỏ, giữa rừng rậm rạp, xanh um. Trên đấy, có một ngọn hải đăng luôn tỏa sáng suốt những đêm dài, dài hơn rất nhiều cuộc đời một con người. Trong lúc leo lên những bậc thang bằng đá tôi phải tránh đường cho một cậu thanh niên tay cầm khăn lau, tay cầm chai nước xịt kính đi xuống.
Cậu đang lau những ô cửa kính nhỏ cho nó trong vắt ra. Mỗi một vòng tròn lại có một ô cửa kính như vậy, đủ để soi sáng cho mọi bước chân. Từ trên đỉnh hải đăng nhìn xuống, Cô Tô hiện ra như một bức tranh vừa vẽ. Đường nét tinh tươm, những khoảng màu rõ nét và hài hòa. Màu xanh của rừng trùm phủ lên con đường mà tôi vừa đi. Một cái hồ nước ngọt khá rộng, nằm gần đường cái dưới kia. Băng qua một trảng cỏ mềm là tới biển. Một cái vịnh nhỏ, hõm vào, yên tĩnh như hồ. Chúng xanh như nhau, phẳng lặng như nhau, chỉ khác một bên có vị mặn mà thôi.
Một góc đảo Cô Tô. Ảnh: Đ.B.T |
Mặt trời mà tôi đón buổi sáng giờ đang lặn ở phía ngược lại, một rặng núi. Dưới chân rặng núi ấy, cánh đồng hoa màu với những luống hình chữ nhật xếp cạnh nhau. Gió lộng muốn thổi tôi bay xuống vạt lá miên man bất tận dưới kia. Đứng đây, hầu như không còn ngửi thấy mùi biển nữa. Lúc đi dưới những tán cây, tôi nghĩ, thực ra thì tôi luôn nghĩ điều này: Dù con người có tài ba đến đâu, thông minh tột bậc thế nào, thì cũng không bao giờ tạo ra được những khung cảnh kỳ vĩ như mẹ thiên nhiên.
Bạn tôi, một người mê những ngọn núi lửa như mê những cô gái cổ tích ngủ trăm năm triệu năm, có thể nói cả ngày về núi lửa, sự phi thường của nó, dấu ấn của nó trên bề mặt trái đất, và cả sự quyến rũ chết người của nó nữa. Cậu ta tự hỏi, và tự trả lời bằng niềm hân hoan không thể kiềm chế vì vừa đi Indonesia thăm một ngọn núi lửa đang còn hoạt động về: Liệu có bàn tay con người nào có thể nấu sôi, múc lên, đổ ra cả triệu tấn nham thạch từ trong lòng đất? Never!
Và mẹ thiên nhiên, trong một cảm xúc lãng mạn nào đó khi còn thanh xuân, đã tạo ra cho vùng Đông Bắc của tổ quốc này một hòn đảo mà ở trên đó có đủ mọi địa hình: Núi, đồng bằng, biển, và cả một cái hồ nước ngọt rất lớn, rất trong.
Chúng ta, những con người đang đầy ngạo mạn trước thiên nhiên hôm nay, đang quá thiếu những khoảng xanh cho cuộc sống. Để đến Cô Tô, phải đi hơn 300km từ Hà Nội, phải đi tàu qua biển mất khoảng 1 giờ đồng hồ, nhưng người ta vẫn ùn ùn kéo đến, những chuyến tàu luôn chật cứng người. Quá nhiều người mong được yên tĩnh đã khiến Cô Tô không còn yên tĩnh nữa.
Ở Cô Tô, thỉnh thoảng, cáp ngầm dẫn điện dưới đáy biển bị đứt, toàn đảo lập tức mất điện. Những cơn bão điên cuồng từ biển khơi đôi khi buồn tẻ giận hờn lại lao đến, vùi Cô Tô trong những trận gió kinh hoàng và mưa như trút. Hòn đảo này luôn quá bé nhỏ giữa đại dương, và cũng luôn quá kiên cường trước đại dương.
Trên đường về, bất chợt một con bìm bịp bay vụt qua trước mặt, biến mất trong một lùm cây. Một cảm giác gì đó rất khó tả ùa đến. Tôi nhớ cái cách bay này, cái tiếng đập cánh này, cái khoảng không rất thấp tính từ mặt đất lên lùm cây này, và cái khoảnh khắc nhập nhoạng kỳ bí này…
Khi tôi còn là một đứa bé, những buổi chiều từ rừng về, về nhanh kẻo trời tối, và về nhanh vì mùi cơm thơm đang theo khói bay từ thung lũng lên tận chỗ tôi đang buộc nút dây cuối cùng vào bó củi, tôi rất hay gặp những vạt cánh màu nâu sẫm, pha với màu đỏ của củ hà thủ ô, tạt qua mặt. Những con bìm bịp thường bay ra khỏi tổ khi trời nhập nhoạng, và đẩy những tiếng bíp bìm bịp ngân vang vào vách núi.
Nếu tính cả những đàn côn trùng thong thả bò trên lối đi ngay nơi ở, những con khướu hót tha thiết và điềm tĩnh trong sớm mai, vài con rắn loằng ngoằng bò qua đường, một hai con kỳ đà nhỏ lẫn trong những hốc cây đầy lá mục… thì thực sự mẹ thiên nhiên vẫn chưa quay lưng với hòn đảo này.
Tôi có lẽ sẽ không quay lại đây nữa, vì tôi muốn giữ nguyên cái cảm giác thân mến này về thiên nhiên, khi loài người chúng ta đang tàn phá nó từng ngày, tàn nhẫn, khốc liệt, dữ dội, vô cảm.
Đỗ Bích Thúy