Nền kinh tế khu vực Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ trong những thập niên qua đã vươn lên hàng thứ 5 thế giới. Bài học về sự đánh đổi kinh tế với các khu bảo tồn thiên nhiên ở những nơi khác đã giúp Đông Nam Á có cái nhìn sớm hơn và kết hợp chặt chẽ giữa các thành viên để giữ gìn và phát triển di sản thiên nhiên trong khu vực.
Khu bảo tồn động vật hoang dã Sungei Buloh, Singapore. |
5 vườn di sản được đề cử
Có thêm 5 khu vực được đề cử gia nhập mạng lưới Vườn di sản Đông Nam Á trong cuộc họp lần thứ 21 của Hội đồng quản trị Trung tâm Đa dạng sinh học Đông Nam Á (ACB) diễn ra tại Bangkok, Thái Lan tuần trước. Đó là vườn quốc gia Hat Chao Mai và khu vực không được săn bắn Mu Ko Libong (Thái Lan); vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát và khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Việt Nam); khu bảo tồn động vật hoang dã Htamanthi (Myanmar).
Điều này đánh dấu cột mốc quan trọng khác trong khu vực về nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và làm sáng tỏ hơn mạng lưới các khu bảo tồn thiên nhiên và công viên biển có giá trị. Vườn di sản Đông Nam Á được quản lý bởi ACB, được định nghĩa là khu vực được bảo vệ có tầm quan trọng bảo tồn cao và toàn bộ các hệ thống sinh thái đại diện ở Đông Nam Á.
Đông Nam Á chỉ chiếm 3% diện tích đất toàn thế giới song núi, rừng, sông, hồ, vùng ngập nước và biển là nơi sinh sống của gần 20% loài động vật và thực vật được biết tới trên thế giới. Mạng lưới Vườn di sản Đông Nam Á ban đầu chỉ có 11 vườn và khu bảo tồn từ 6 thành viên là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan hồi năm 1984 thì nay danh sách đã lên 44 khu vực của 10 quốc gia thành viên.
Chất lượng và số lượng
Giám đốc điều hành ACB là TS Theresa Mundita Lim nhấn mạnh sự cần thiết duy trì các tiêu chuẩn cao của Vườn di sản Đông Nam Á, tức là trải qua quy trình nghiêm ngặt trước khi được chấp thuận để đề cao chất lượng hơn là số lượng. Quy trình nghiêm ngặt đó giúp cho các khu vực bảo tồn đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý tối thiểu. Bà nói thêm rằng với những vấn đề về môi trường, khí hậu toàn cầu đang biến đổi mạnh thì Đông Nam Á cũng phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật.
Chính vì thế, Vườn di sản Đông Nam Á sẽ phải giải quyết những mối quan tâm này để kịp thời có kế hoạch hành động và chiến lược trong sự học hỏi lẫn nhau giữa các thành viên. Các thành viên đã có cuộc hội thảo kéo dài 4 ngày ở Malaysia hồi tháng trước để chia sẻ cách quản lý, kế hoạch hành động và chiến lược thúc đẩy đa dạng sinh học và bảo tồn của mình.
Tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Đông Nam Á giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo nhưng ACB lưu ý rằng cùng với đó là mối đe dọa ngày càng cao đối với đa dạng sinh học như ô nhiễm, rác thải đại dương và khai thác vô trách nhiệm. Đông Nam Á là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và lớn thứ 3 châu Á với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trị giá 2.800 tỷ USD năm 2017; gấp 4,5 lần so với năm 2000.
Sự phát triển kinh tế có đóng góp lớn từ du lịch khi lượng khách tăng từ 42 triệu vào năm 2001 lên 115 triệu vào năm 2016 và dự kiến sẽ tăng trung bình 6,4%/năm cho tới năm 2026. Đông Nam Á tự hào về các ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu tăng từ 1.900 tỷ USD năm 2008 lên 2.500 tỷ USD vào năm 2017.
Những ví dụ điển hình
Các quốc gia được khuyến khích bảo tồn các khu vực quan trọng về sinh thái. Chẳng hạn như vườn quốc gia Khao Yai ở Thái Lan là nguồn nước uống và tưới tiêu cho các khu vực xung quanh vườn. Độ phong phú của rừng và các sản phẩm sinh học trong vườn quốc gia Hoàng Liên của Việt Nam mang lại cơ hội sinh kế cho cộng đồng người dân bản địa. Vườn tự nhiên Mount Apo ở Philippines cung cấp tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh xung quanh cũng như phát triển năng lượng tái tạo.
Vườn quốc gia núi Kinabalu ở Sabah, Malaysia là điểm tới hàng đầu của những người đam mê du lịch sinh thái… Một số quốc gia hợp tác để bảo vệ và bảo tồn các kho tàng sinh học, sinh thái và văn hóa như các khu rừng ở Borneo, hệ thống sông của Mekong, quần đảo Rùa ở Philippines.
Các quốc gia Đông Nam Á đề cao sự đa dạng các loài động thực vật, một số là di cư. Có khoảng 50 triệu con chim nước bay từ Bắc bán cầu và Nam bán cầu tới Đông Nam Á để trú đông. Sự hiện diện liên tục của những con chim này là dấu hiệu tích cực về mạng lưới vùng ngập nước tốt trong khu vực. Vùng ngập nước ở Đông Nam Á không chỉ đơn thuần là nơi tưới nước mà còn cung cấp sinh kế cho người dân địa phương, bảo đảm an ninh lương thực và tính toàn vẹn sinh thái của khu vực.
Singapore xây dựng chỉ số đa dạng sinh học đô thị, tức là thực hiện đa dạng sinh học ngay tại các thành phố nhằm giúp cho người dân có không gian sống tốt hơn, tiếp cận với thiên nhiên nhiều hơn kèm theo những lợi ích về sức khỏe, tinh thần. Chỉ số đa dạng sinh học đô thị Singapore không chỉ được sử dụng ở Indonesia, Philippines và Thái Lan mà còn được áp dụng ở các quốc gia ngoài ĐNÁ.
ANH THƯ (Theo Business Mirror)