Bước qua mùa hoa phượng

.

Giá có cái lỗ nẻ mà chui xuống đất thì tôi đã chui tụt xuống cho đỡ xấu hổ khi tôi nhìn thấy cô, cô Nhẫn của tôi. Nhưng lỗ nẻ không có, tôi đứng như trời trồng, con dao cạo mủ cao su rơi xuống chân. Còn cô thì cứ phăm phăm đi lại phía tôi với quần áo bết mồ hôi, bụi đường.      

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cô đang đi tham quan thực tế ở vùng này. Không ngờ trong những lần chát với cô, cô còn nhớ bức ảnh tôi chụp tự sướng trước cổng vườn cao su, có tấm gỗ ghi dòng chữ Vườn cao su Chiều Mai. Nên sáng nay, cô đã tách đoàn, nhảy xe ôm lần theo địa chỉ đó, tìm tôi. Biết tôi chỉ làm ở đây một mình còn Dũng thì ra phố chạy xe ôm, cô vào xin phép chủ vườn, rồi kéo tôi ra quán nước gần đường.

“Em bỏ đi, đã quen chưa?”.

Tôi nuốt ngụm nước cố kìm cơn xúc động. Cuộc sống rất cơ cực. Tôi không nghĩ là khi bỏ nhà, bỏ trường chạy theo Dũng, chạy theo tiếng gọi của tình yêu, tưởng tới thiên đàng mà chẳng bao lâu sau lại là xuống địa ngục như thế này.

“Cậu ấy đối xử với em có tốt không?”.

“Dũng tốt. Dũng thuê một chiếc xe máy cũ của bác đầu xóm trọ, sáng ra bến xe để chạy xe ôm. Còn em thì xin vào vườn cạo mủ cho người ta”.

Một cơn gió thổi qua, những tán lá phượng đu đưa. Chưa có hoa nhưng tán nào tán ấy xanh thẫm, đang dồn nhựa sống để chuẩn bị đơm nụ bung hoa. Cô rời mắt khỏi tán cây nhìn thẳng vào mắt tôi.

“Cô hỏi thật. Ba tháng hai tuần bốn ngày, vị chi là một trăm linh tám ngày, không phải là dài trong đời một con người nhưng cũng không hề ngắn đối với một cô gái vừa mới lớn khi không còn sống trong sự bình yên dưới mái nhà mình, quyết định rũ bỏ tất cả để chạy theo tiếng gọi của ái tình, có lúc nào em thấy hối hận chưa?”.

Ngụm nước trong miệng chợt đắng ngắt. Một trăm linh tám ngày “bỏ nhà theo trai” đã có lúc nào tôi hối hận chưa ư? Cô gặp tôi chỉ để hỏi câu xoáy sâu, vạch vòi ngóc ngách trái tim tôi? Khi tôi còn ở cách xa nhà chừng năm chục cây, cô đã không ngừng kêu gọi tôi về nhà, về lớp. Cuối cùng bao giờ cũng là câu, đừng bỏ học kẻo sau này em lại ân hận thì không bao giờ làm lại được. Cô lo tôi sau này ân hận! Giờ, sau ba tháng hai tuần bốn ngày gặp lại, với cô đã là sau này, cô đã hỏi cảm giác của tôi, cô muốn tôi phải đối diện với cảm giác hối hận càng sớm càng tốt ư? Nhưng tôi kiên quyết trả lời cô, chuyện em làm em tự chịu, em sẽ chẳng bao giờ hối hận đâu cô.

“Ánh mắt của em, đôi bàn tay gân guốc của em, màu da đen sạm của em, nhất là tiếng thở dài tưởng như đã được giấu ém đi nhưng tôi vẫn nhận ra đã không thể đồng lõa, bao che cho lời nói của em. Nhưng thôi, nói hay không là quyền của em. Nhưng công nhận là em cũng bản lĩnh đấy. Ngày xưa cô bằng tuổi em, cô nhút nhát lắm!”.

“Hồi ấy, tôi học xong lớp chín, vừa thi vào lớp mười, hứng khởi vì được chuyển cấp, trong khi các bạn gái bạn trai phân nửa đã nghỉ học, người đi làm, người đi lấy chồng. Mười sáu, mười bảy tuổi ngày xưa lấy chồng ton tót. Nếu mà tôi nghỉ học sớm, chắc cũng vậy thôi, đã có khối người để ý tôi rồi.
Trong những người thích tôi có một người luôn nói thương yêu tôi rất nhiều. Ngày nào cũng săn đón, chờ đợi tôi ở cổng, hay ngồi uống nước chè với bố tôi. Một lần, anh ấy tỏ tình. Tim tôi cũng hoảng loạn đôi ba nhịp vì vừa thích vừa sợ, tôi vẫn còn đang đi học, nhưng tôi vẫn bình tĩnh gỡ tay anh ta ra và bảo, em còn phải đi học, hãy coi em như em gái.

Lúc tôi lên nhận lớp cấp ba là lúc đứa bạn gái thân đi lấy chồng. Một tháng sau, thêm đứa nữa. Mẹ tôi cứ bâng quơ, học hành làm gì nhiều, hay đi học nghề vài tháng rồi xin vào chân của mẹ, thế là ổn. Chân của mẹ là làm công nhân xí nghiệp thủy nông, công việc cũng ổn định. Một tháng nữa thì bốn bà bạn mẹ cùng làm trong xí nghiệp thủy nông cho con đi học sơ cấp vận hành bơm nước, có chị đã học xong cấp ba nhưng thi rớt đại học, có chị đang học dở lớp 11, có bạn cũng vừa vào học lớp 10 như tôi, họ đều nghỉ học để đi học nghề ra làm công nhân. Mẹ bảo hay tôi cũng chuyển qua học nghề để có đợt tuyển vào xí nghiệp là xin một thể, sau sợ chính sách thay đổi, mất chân. Nếu tôi học dốt mà không thi được đại học lại quay đầu trở lại mới xin, e khó khăn”.

Dường như câu chuyện đã khiến cô khá xúc động, cô dừng lại. Tôi hỏi với sự tò mò:

“Cô có nghỉ học không? Chắc là không rồi, vì nghỉ học, sao cô có thể đi làm cô giáo được đúng không ạ?”.

“Có những giây phút con người ta không biết để tâm trí ở chốn nào. Người ta chỉ biết nhìn trước mắt mà không biết phóng tầm mắt vượt qua chướng ngại vật để nhìn ra xa hơn, nhìn ra nơi có nhiều ánh sáng hơn. Đôi khi có quyết định khiến con đường mình đang đi thẳng lại trở nên ngoằn ngoèo. Tôi là một người như thế. Tôi đã nghỉ học, em ạ. Chỉ vì một lý do đơn giản, chuyển qua học nghề tôi sẽ có một nghề nghiệp ổn định tuy giản dị. Thấy và nghe nhiều người nói phải, con gái chỉ cần có một nghề ổn định, lấy chồng biết đẻ con, thế là có thể sống hạnh phúc cả đời. Tôi đã quyết định lựa chọn hướng đi ngắn mà an toàn.

Sáu tháng sau tôi ra trường. Mẹ nghỉ hưu sớm, nhường chỗ cho tôi.

Một tối trăng tròn, ngồi trông máy bơm cùng tôi, anh ấy nói, sẽ đi bộ đội. Tôi bảo, làm trai thì nên tung hoành ngang dọc chứ ở nhà mãi chán lắm. Con người không có sự nghiệp liệu có tình yêu? Anh vuốt tóc tôi, hỏi, em có chờ được anh không? Hồn nhiên, tôi trả lời, em không biết đâu.

Tôi chúc anh lên đường may mắn, không hề nói lời yêu đương, hứa hẹn chờ đợi gì. Đã có gì đâu mà yêu thương với hứa hẹn. Tôi còn quá nhỏ và anh còn quá trẻ. Một năm rưỡi trời trôi qua đã cho tôi mở mắt. Mọi sự không hề như tôi nghĩ vậy. Công việc nhàn, càng khiến đầu óc tôi nghĩ ngợi quá nhiều. Nhìn đám bạn vẫn đạp xe đi học mà thèm. Tôi đã ân hận, day dứt triền miên về việc nghỉ học của mình. Có thể nói đấy chính là niềm hối hận nhất từ trước tới nay của tôi. Hai nữa là tôi đã không thể quên anh ấy ngay như tôi tưởng. Mà càng thấy nhớ anh ấy hơn. Tôi hiểu rằng mình đã biết yêu, yêu người đã đi xa thì thật là đau khổ. Đó là sự hối hận thứ hai. Giận mình lúc người ta còn ở nhà cứ vờn vờn với thứ tình cảm loãng như cháo hoa, lại còn nhạt thếch, giờ thì tự mình chuốc lấy đau khổ.

Một đêm ngủ mơ, tôi thấy mình lại cắp sách tới trường, vui lắm. Tỉnh dậy vẫn nao nao. Nghĩ ngợi cả ngày, cả đêm hôm sau, tôi chợt nảy ra ý định xin đi học bổ túc. Công việc có thể đổi ca. Một sáng, sau khi đi vòng qua vòng lại ba lần trước cổng trường bổ túc, tôi đã rụt rè bước vào. Thầy giáo hiệu trưởng trường bổ túc tiếp tôi, bảo tôi xin giấy chứng nhận đang học dở lớp mười thì sẽ nhận vào. Tôi cùng người bạn gái đang học ở đó đến trường xin. Rồi tôi đi học, gần hai năm kết thúc khóa học, lại vừa làm vừa tự ôn, may mắn đã đỗ sư phạm.

Cho đến lúc nhận được giấy báo nhập học tôi chợt nhớ tới anh ấy, người tôi muốn báo tin đầu tiên là anh ấy, nhưng chúng tôi đã mất liên lạc với nhau từ lâu rồi. Và cũng cho đến lúc ấy, tôi mới chợt nhận ra trong gần hai năm tôi vừa làm vừa học đó, hình như tôi đã quên được anh ấy. Tôi quyết đi theo tiếng gọi của ước mơ, tôi muốn được làm cô giáo.

Giờ thì tôi ngồi đây, kể cho em nghe câu chuyện một thời nông nổi của mình. Tự dưng, tôi thấy thật tin tưởng em, con người liều lĩnh, đã có những quyết định làm giật mình người khác. Có thể đã có rất nhiều những tiếng nói cất lên can ngăn em, kể cả tôi, với cương vị là giáo viên chủ nhiệm trong những ngày đầu tôi đã không ngừng vận động em trở về lớp, vì chỉ còn mấy tháng nữa là em tốt nghiệp.

Nhưng giờ gặp em ở đây, thấy em dấn thân vào đời một cách tự nguyện theo ý của mình thế này, tôi đã ngộ ra rằng những can ngăn, khuyên nhủ khách quan đối với em đều là vô ích, đó chỉ là những tiếng nói ngược với tiếng nói trái tim em, lúc này nó đang choáng ngợp trong tình yêu lại là tình đầu thì luôn say đắm và mãnh liệt, bản thân em đã chỉ nghe theo tiếng nói của chính trái tim mình. Chỉ khi nào tự đáy lòng em nảy sinh ý định muốn trở về khi đó em mới có thể trở về mà thôi. Đôi khi cũng phải đi theo ngả rẽ nhỏ thì mới nhận được ra đường lớn!”.

Trở về nhà trọ, tôi ngồi bần thần, thao thức. Cũng thêm một đêm nữa, Dũng đã không về. Kể từ khi rủ nhau bỏ trốn vào trong này, đây là đêm thứ sáu Dũng đi đâu đó không về. Lần đầu tiên, tôi điên cuồng sau một đêm chờ đợi đã gào lên chửi Dũng là “đồ sở khanh”, bị Dũng tát cho một cái trời giáng, phọt cả máu mũi. Lần thứ hai tôi chỉ biết khóc rồi những đêm Dũng vắng nhà tiếp theo thì tôi đã mặc kệ, tôi lầm lì và mất ngủ. Công việc vất vả, lại không có tiền ăn chơi như trước nữa, tình yêu cũng bay theo, giờ cuộc sống của hai đứa chỉ còn là những cuộc cãi cọ.

Nhưng sao tôi có thể nói cho cô Nhẫn biết sự thật phũ phàng đó. Khi bỏ nhà, bỏ học ra đi với người yêu, tôi đâu có nghĩ kết cục lại ra nông nỗi này. Hồi ấy Dũng ga-lăng, Dũng mềm mại, yêu chiều tôi hết mực, Dũng đã rủ tôi bỏ trốn theo Dũng vì biết bố mẹ tôi không đồng ý cái thằng công nhân làm thuê đến dụ dỗ con gái mình, mặc dù bố mẹ đã kèm tôi như kèm kem, bố đưa đón tôi đi học, về tới nhà thì nhốt chặt trong buồng không cho ra ngoài gặp Dũng. Vì quá mê muội, tôi đã trốn khỏi nhà đi tìm Dũng. Chúng tôi quấn lấy nhau. Sáng hôm sau thì chúng tôi lên đường đi trốn theo kế hoạch vừa phát sinh.

Ai đó nói đúng quá, tình yêu cho ăn no thì chóng chán. Thời gian đầu Dũng còn yêu chiều cung phụng tôi, tới tháng thứ hai thì bộ mặt thật của Dũng lộ rõ như con cáo đã lòi đuôi, tiền mang đi đã hết, chúng tôi phải lăn đi làm thuê để sinh tồn, lúc này Dũng bắt đầu cáu kỉnh, chửi tục, và lộ rõ bộ mặt nghiện cờ bạc, lô đề, không còn là Dũng lúc mới yêu ga-lăng, hào hoa nữa, mối hối hận ngấm ngầm dày vò trong tôi vì đã ngu muội chạy theo tình yêu mù quáng.

Chừng tám giờ sáng thì có tiếng mở cửa. Vừa nhìn thấy tôi nằm co ở nhà, Dũng đã gầm lên: “Không đi làm thì lấy gì đút vào mồm hả?”. “Em thấy người mệt quá!”. Dũng hộc lên: “Mệt cái mả nhà cô!”. “Anh cấm được động tới nhà tôi, anh cũng đi suốt đêm đấy thôi. Sống thế này sao sống được! Anh là đồ đểu!”. “Gái đĩ già mồm, đồ đểu này!”. Dũng vung mũi giày, đá vào lưng tôi hai cái, đau nhói, rách một mảng da, máu ri rỉ chảy. “Không sống được thì mỗi đứa cút một phương cho rảnh!”.

Dũng vơ hai bộ quần áo, chạy ra sân, phóng xe cút thẳng. Tôi nằm bẹp vì đau đớn, thất vọng, ê chề, tôi khóc cho đến lúc tưởng như không còn nước mắt để mà khóc được nữa thì tôi quyết định vùng dậy.
Theo địa chỉ khách sạn mà cô đã nói, tôi tìm được cô khi xe chuẩn bị chuyển bánh. Vừa nhìn thấy cô Nhẫn, tôi đã bật khóc tức tưởi, cô ôm chặt lấy tôi, khẽ khàng, cứ khóc đi cho vơi bớt nỗi lòng!

Nhiều người cứ nghĩ tôi không đứng lên được sau cơn bão giông đầu đời tơi bời ấy, nhưng không, tôi vẫn quyết tâm đứng lên bằng đôi chân của mình vì bên cạnh tôi còn có bố mẹ, người thân và nhất là cô Nhẫn với những câu chuyện mà cô đã kể cho tôi nghe và cả những tiếng nói ngược nhưng lại vô cùng công hiệu của cô.

Đầu năm học sau, cô xin cho tôi học lại lớp 12. Dù chuyện của tôi không thể giấu được, nên đã không tránh khỏi những lời dèm pha, những cái nguýt lườm khi ở trường lúc về nhà, nhưng tôi mặc kệ tất cả, chỉ lao vào học, chỉ biết có học. Kể cả tin đến tai tôi là Dũng đã về quê và cưới ngay một cô gái con nhà giàu ngoài phố được bố mẹ cô ta cho hẳn một căn hộ mới xây cũng chẳng làm cho tôi dao động. Điều đó càng giúp tôi quên hẳn anh ta đi.

Cô Nhẫn vẫn luôn theo sát động viên tôi. Cả mùa phượng đỏ rực chói chát, cô sát sao kèm cặp tôi để chuẩn bị kỳ thi quốc gia. Khi trên cành phượng chỉ còn vài chùm cuối mùa rực đỏ thì giấy báo đỗ đại học đã tới tay tôi. Tôi lao đến gặp cô, cô ôm lấy tôi, vui tưởng rơi nước mắt. Cuối cuộc trò chuyện, không khí cởi mở, lại biết chắc chồng cô đi ra vườn trồng cây, tôi hỏi giọng thì thầm:

“Chú ấy có biết chuyện ngày xưa cô từng thầm yêu anh bộ đội ấy không ạ?”.
Cô cười, hai gò má ửng hồng như cánh phượng.

Thật ra, chú ấy chính là anh bộ đội ấy. Sau này, chú ấy ra đảo công tác, một lần về phép, đi họp phụ huynh cho em gái, thế là bọn cô tìm lại được nhau...

Nguyễn Thu Hằng
 

;
;
.
.
.
.
.