Lưng nhà văn

.

Lưng! Ngôn cách chính là nhân cách. Cuộc đời nhìn phía trước - dễ. Nhìn phía sau - khó! Đánh giá toàn diện càng khó!

Tôi gọi nhà văn Nguyễn Văn Xuân bằng thầy là theo cách mọi người thôi. Ông chưa dạy tôi một ngày nào. Lớp tôi lớn lên đi học thì thầy Xuân đâu còn đi dạy nữa. Nhưng giữa ông và cha tôi có một mối tình thân đặt cao hơn bình thường vì hai ông đều là giáo sư, có nhiều học trò quý trọng và cả hai người đều có nghiệp văn.

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Ảnh: Trần Nguyên Anh
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Thầy Xuân là một nhà văn phong thổ đặc sắc, đặc thù Quảng Nam nổi tiếng. Ông có tác phẩm truyện ngắn đăng trên báo Tiểu thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội từ năm 16 tuổi. Cha tôi ngoài nghiệp dạy học còn là một nhà thơ. Hai ông còn giống nhau nhiều thứ về gia cảnh. Vợ đau con dại gian nan dầm dề.

Sau 1975 không hiểu sao vợ thầy Xuân và mẹ tôi bị một căn bệnh trầm cảm như nhau. Cả hai người mất trí nhớ dần dần không cứu vãn, phục hồi được.

Vợ thầy phát bệnh ngày càng nặng. Ông phải chạy đôn chạy đáo. Và thường đạp xe đi lang thang đôi khi chỉ để ra khỏi nhà cho khuây khỏa. Để tôi nhớ thầy nhiều do ông hay đạp xe lên nhà tìm cha tôi hỏi thăm, chuyện trò về việc dạy học, phân bổ gì đó.

Thầy đi chiếc xe đạp nhỏ, dáng cao gầy lêu đêu. Chân thầy dài mỗi lần đạp nhấn pê-đan gối nhõn lên tới ghi-đông. Đặc biệt cái lưng thầy vẫn thẳng ro. Không khòm, không cúi. Hay thật!

Tấm lưng thầy vẫn thẳng ro như thế không sê suyển gì cả khi ngồi chụp hình với tôi. Lúc này thầy đã gần tám mươi tuổi. Hãy nhìn vào bức ảnh để thấy. Không có sự khoan nhượng, mặc cả, phiên phiến nào cho những thứ vô đạo. Thẳng lưng. Và cười!

Cái lưng thẳng không chỉ là chỉ dấu người quân tử giữ gìn tiết tháo khi còn sống giữa phong ba mà còn rất khỏe cho những người thợ đóng cỗ quan và di quan ra nghĩa địa bởi nó “êm ru”, không “lồi lõm” không cần “chêm đệm” gì cả!

Một lần gặp gỡ hai ông ngồi im lặng rất lâu. Như chìm sâu vào mặc tưởng. Sau đó tôi nghe ông nói với cha về nỗi thực tại đã qua, bất lực: “Tuổi già chán lắm! Chính tôi mà còn chán cả tôi!...”.
Nghiên cứu về cổ địa, văn hóa, tục tính, tập tính đất và người Quảng Nam không thể không đọc nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân. Những cuốn Khi những lưu dân trở lại, Phong trào Đông Du, Chinh phụ ngâm bị khảo... và nhiều tác phẩm khác.

Thầy mất, Đà Nẵng có một con đường mang tên Nguyễn Văn Xuân nằm ở vùng ngoại ô.
Con đường này dẫn về mộ của chí sĩ Ông Ích Khiêm không xa.

Sinh thời thầy Xuân cũng có viết về danh tướng Ông Ích Khiêm và thích nhân vật này. Đây cũng là nhân vật có nhiều đánh giá rất trái ngược nhau trong nhiều nghiên cứu lịch sử.

Tôi cũng chưa tìm hiểu kỹ tại sao nhà văn Nguyễn Văn Xuân lại thích Ông Ích Khiêm. Có lẽ người cùng quê? Còn điều gì khác? Thậm chí trong một số bài viết ông có vẻ bênh vực, phản biện ngược lại với những đánh giá của các nhà văn khác. Những trao đổi của Nguyễn Văn Xuân cho thấy để kết luận về một con người rất khó. Giải mã nó không thể sơ lược qua một vài thông số, sự kiện.

Lưng, nhìn về phía sau!

Có gửi gắm nỗi lòng hay tâm sự điều gì sâu kín về cuộc đời nhiều thăng trầm nhưng thoáng nhìn qua cứ ngỡ là lặng lẽ của ông chăng?...

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.