Nắm thóc cho bầy sẻ

.

Buổi sáng thức dậy, bao giờ tôi cũng nghe tiếng bầy chim sẻ ríu rít trước mặt đường của ngôi nhà hàng xóm chếch bên kia đường. Không biết tự bao giờ, bầy sẻ tụ tập đến xóm tôi ngày một đông. Có lẽ cũng hơn vài chục con.  Chúng bay lên, lượn xuống chao chát, rồi đậu trên giàn hoa sử quân tử trước nhà tôi rỉa cánh, con nào con nấy béo mẫm, lông cánh mướt rượt.

Chắc chẳng ai quan tâm vì sao bầy sẻ đến xóm tôi ngày một nhiều. Bởi lẽ những câu hỏi vu vơ mà tôi hay nghe mỗi sáng khi múc nước tưới cho bụi trúc và chậu hoa hồng trước nhà là chim sẻ đâu mà về nhiều ghê, chắc xóm mình đất lành. Và chắc hẳn vì những bận rộn, lo toan cơm áo hằng ngày kéo mọi người ra khỏi nhà vào sáng sớm; trở về khi đường phố đã lên đèn nên không ai để ý đến một người phụ nữ có khuôn mặt trái xoan và cặp mắt buồn hay nhìn xuống ở căn nhà hay đóng cửa im ỉm.

Căn nhà ấy chỉ mở cửa vào sáng sớm, khi người phụ nữ có gương mặt đẹp nhưng buồn ấy ráng sức một mình đẩy cánh cửa sắt nặng nề lách ra, trên tay cầm cái chậu nhỏ đựng đầy thóc. Chị sẽ sàng rải từng nắm thóc cho bầy sẻ, với ánh mắt nhìn âu yếm và lấp lánh niềm vui.

Thi thoảng tôi mới bắt gặp nụ cười hiếm hoi của chị khi tung nắm thóc cho bầy sẻ đang chờ được ăn mỗi sáng. Và nụ cười bất chợt ấy mất ngay sau khi cánh cửa sắt của ngôi nhà vừa mở ra đã đóng sập ngay sau đó như sợ có ai đó đi ngang qua vui miệng bắt chuyện.  

Tôi vốn bận bịu công việc nên chỉ thư thả vào buổi sáng sớm, khi tưới nước cho mấy bụi cây, bụi hoa trước nhà. Và cũng chỉ có buổi sáng sớm, tôi mới nhìn được bóng dáng người phụ nữ có cặp mắt buồn ấy. Chị sống lặng lẽ, đi về cũng lặng lẽ dù nhà chị có cả chồng và con trai. Hình như chị buôn bán gì đó ở chợ, tôi không tiện hỏi bởi thấy chị hình như không muốn tiếp xúc với ai. Mỗi sáng trước giờ tôi dắt xe đi làm, thì cũng là lúc chị ra khỏi nhà. Chỉ gật đầu chào nhau, rồi phần ai nấy đi. Dẫu đôi lúc tôi cũng băn khoăn tự hỏi, sao chị lại ít cười chào ai, dù đi ra đi vào, hàng xóm vẫn hay gặp nhau.

Và rồi tôi đã tự tìm được câu trả lời, khi tôi chứng kiến cảnh người chồng của chị say rượu vào một đêm mưa. Anh ta chửi vung thiên địa với những ngôn từ mà bất cứ ai nghe cũng thấy chối tai. Anh ta chửi hàng xóm sống không biết điều, chửi con chó nhà ai đang đứng trước nhà anh ta, chửi cái xe ô-tô vừa chạy ngang qua, chửi tất cả những thứ đang ở trước tầm mắt. Và rồi anh ta chửi vợ.

Chửi như chưa bao giờ được chửi, văng tất cả những thứ xấu xa mà anh ta nghĩ ra lên người phụ nữ đang nem nép sợ hãi nhưng vẫn ráng đứng canh cửa sợ anh ta nổi điên bất chợt rồi làm điều khiếm nhã với hàng xóm. Nghe đâu, trước đây anh ta là một cán bộ của một cơ quan lớn của thành phố, bị kỷ luật và sa thải, giờ về làm thợ hồ. Có lẽ bao nhiêu hậm hực, hằn học của một người đàn ông thất thế, anh ta dồn hết vào những câu chửi rủa người vợ đầu gối tay ấp của mình, như thể chị ấy là nguyên nhân của bất hạnh đời mình.

Chưa hết, cũng một đêm sau đó chừng nửa tháng. Đứa con trai nghiện ngập vừa từ trường giáo dưỡng trở về, cũng làm điếc tai hàng xóm với những lời lẽ khó nghe. Không ai dại gì dây vào để bị chửi. Nhưng qua những gì nghe được, tôi đồ rằng đứa con trai ngỗ ngược ấy đang tìm cách móc tiền của mẹ để đi tiêu xài nhưng không được đáp ứng nên đã nộ khí xung thiên và chửi người mẹ tội nghiệp ấy. Ngậm ngùi, tôi hiểu vì sao chị ít cười và hay cúi mặt giấu nỗi buồn xuống đất.

Chỉ có lũ chim sẻ là vô tư khi mỗi sáng đón nhận nắm thóc và ánh mắt âu yếm của người phụ nữ ấy. Chúng mổ thóc hối hả và thản nhiên đón nhận tình thương của chị. Và chị, cứ vài ba ngày lại xách một túi thóc về nhà, dù người bán gạo ở chợ vẫn luôn ngạc nhiên khi trao túi thóc cho chị với câu hỏi thường lệ “Nhà ở phố mà mua thóc làm chi rứa hè?”. Đáp lại thắc mắc đó, chị chỉ móc túi trả tiền rồi mỉm cười lặng lẽ.

Mấy hôm nay, tôi thấy lũ chim sẻ xao xác khi sà xuống mặt đường mà không thấy ân nhân rải thóc cho ăn như mọi ngày. Nhìn qua nhà chị, hai cánh cửa sắt đóng im ỉm với ổ khóa to đùng phía trước. Tôi không biết có chuyện gì xảy ra với chị không. Chỉ mong chị sẽ đi đâu đó thư giãn vài ngày rồi về với gương mặt nhẹ nhõm. Và mỗi sáng lại rải thóc cho bầy sẻ đang chờ đợi, để lại thấy nụ cười nở trên môi chị, dù rất hiếm hoi.

Hoài Giang

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.