Đám cưới miền quê

.

Nhà văn hóa thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang như vừa mặc thêm chiếc áo hoa tươi rói. Rạp cưới chưa dựng xong nhưng loa đã phát những bài hát tình yêu rộn ràng khắp đường trên ngõ dưới. Trẻ con trong xóm vui như hội. Chúng tụm năm tụm ba tò mò đứng xem mấy người thợ kết hoa, trang trí, dựng rạp. Thỉnh thoảng có đứa cao hứng nhún nhảy theo điệu nhạc như những nghệ sĩ đường phố thực thụ.

Những con đường bê-tông thẳng tắp cho xe đón dâu rong ruổi khắp làng.  						Ảnh: N.H
Những con đường bê-tông thẳng tắp cho xe đón dâu rong ruổi khắp làng. Ảnh: N.H

“Trung tâm tiệc cưới” cấp... thôn

Không biết tự bao giờ, không chỉ riêng thôn Miếu Bông mà hầu hết những điểm sinh hoạt văn hóa của các thôn trên địa bàn Hòa Vang đã trở thành nơi tổ chức lễ cưới cho người dân quê nhà. Đám cưới ở miền quê vốn dĩ rất mộc mạc nhưng đậm đà truyền thống. Mộc mạc từ cách tổ chức bày biện tiệc cưới, cỗ cưới đến tiệc liên hoan vui hết mình với các tiết mục ca nhạc cây nhà lá vườn không màng đến thời gian.

Ngày trước, người dân quê thường tổ chức tiệc cưới tại nhà. Chỉ cần một khoảng sân vườn thoáng đãng, một ngã ba đường hanh thông đủ đặt vài mươi bàn là được. Thế là anh em họ hàng, làng xóm bắt tay vào đốn tre, che rạp cưới. Cổng cưới được kết lá dừa hình rồng, hình phượng. Lồng đèn đỏ treo hai bên như những bông hoa dâm bụt rực rỡ một màu đỏ thắm. Cô dâu má thắm thẹn thùng ngóng họ nhà trai rồng rắn đi qua con kênh trong vắt để đón dâu…

Bây giờ Hòa Vang xây dựng nông thôn mới, không còn cách trở đò giang như trước nữa. Những con đường bê-tông thẳng tắp cho xe đón dâu rong ruổi khắp làng. Ngoài lễ gia tiên, đón dâu tổ chức tại tư gia thì hầu hết các gia đình đều mượn mặt bằng nhà văn hóa thôn làm nơi tổ chức tiệc cưới. Gần như tuần nào cũng có đám cưới, tháng này qua năm khác nơi đây tưng bừng nhạc cưới. Riết một hồi bà con vui miệng gọi nhà văn hóa thôn là “Trung tâm tiệc cưới” của thôn mình.

Mấy hôm nay vợ chồng chị Ngọc Mai ở thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước, tất tả ngược xuôi đi đưa thiệp báo hỷ. Cuối tháng 8 âm lịch này vợ chồng chị gả con gái đầu lòng đi lấy chồng. Tuy cả hai đứa đều công tác ở trung tâm thành phố nhưng gia đình chị vẫn quyết định chọn nhà văn hóa thôn tổ chức tiệc cưới. Chỉ một lý do đơn giản rằng: “Tổ chức cưới ở quê ấm áp hơn. Muốn hát, hò chơi vui tới mấy giờ cũng được. Với lại bà con mình đỡ phải đi lại xa xôi…”.  

Cũng với lý do trên, mặc dù ở Túy Loan, xã Hòa Phong, có hẳn chuỗi nhà hàng tiệc cưới đẹp không thua gì dưới phố nhưng vợ chồng anh Nguyễn Minh Trí và chị Phan Minh Nguyệt vẫn quyết định tổ chức tiệc cưới hoành tráng cho con trai ở Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Hòa Vang.   

Nhiều bà con cho biết, nếu trước đây đám cưới được tổ chức mấy ngày đêm, từ ngày dựng rạp, trang trí nhà cửa, bàn thờ... đến mổ heo, làm gà nấu cỗ cưới rồi đón dâu, đãi tiệc… thì bây giờ đã có dịch vụ cưới hỏi lo trọn gói. Chỉ loáng một buổi chiều là tất cả đâu vào đấy, sẵn sàng cho lễ đón dâu cũng như tiệc cưới.

Trên địa bàn Hòa Vang hiện có gần 30 cơ sở làm dịch vụ cưới hỏi, lễ tiệc. Không phải đâu xa, họ đều là người làng khéo nấu ăn, khéo hát hò, giỏi tổ chức và nhanh nhảu với thị trường. Từ khi bỏ cái cày cái cuốc, họ từ người nông dân trở thành ông, bà chủ dịch vụ, công ty tổ chức cưới hỏi từ A đến Z. Dịch vụ cưới hỏi Mười Hòa ở thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, không chỉ nổi tiếng trong làng trong xã về nấu ăn ngon, trang trí đẹp và giá cả hợp lý mà cả đến các công ty, địa phương khác cũng nghe danh mà tìm đến đặt tiệc.

Niềm vui nhân đôi

Lý do mà người nông thôn thích chọn nhà văn hóa thôn, xã để tổ chức đám cưới không chỉ mặt bằng rộng, ở ngay trung tâm, gần nhà mà còn tính cách tự do, phóng khoáng, ung dung đủng đỉnh của người miệt vườn. Nhiều người đi ăn cưới ở thành phố về thường than thở: “Đám cưới ở phố cái chi cũng đẹp, cũng xinh. Chỉ mỗi tội đi ăn cưới như ăn khoán. Ăn xong “rẹt rẹt” rồi về để nhà hàng còn dọn dẹp, chuẩn bị cho tiệc khác… Đám cưới nhà quê tuy không sang trọng bằng nhưng vui hơn là cái chắc.”
Ở quê, đám cưới không giới hạn thời gian, có khi bắt đầu từ 11 giờ trưa mãi đến tận chiều mới kết thúc. Không chỉ gia chủ mà khách mời trong làng cũng rục rịch chuẩn bị từ sáng sớm. Hễ trong làng có đám cưới là cả làng y như vào hội. Các bà các mẹ chuẩn bị áo xống từ hôm trước. Nam thanh nữ tú chọn “bộ đồ số 1” để khoe sắc cùng bạn bè. Riêng các cô gái trẻ còn chịu khó đầu tư cho việc trang điểm, làm tóc ngoài tiệm để chụp ảnh đưa lên Facebook cho ảo diệu…

Một đám cưới tổ chức ở Nhà văn hóa thôn Miếu Bông sáng ngày 15-9-2019.  Ảnh: N.H
Một đám cưới tổ chức ở Nhà văn hóa thôn Miếu Bông sáng ngày 15-9-2019. Ảnh: N.H

Bây giờ đời sống nông thôn khá giả hơn nhiều. Nếu chưa sẵn quần áo đẹp đi ăn cưới thì đã có dịch vụ cho thuê. Ở đó có cả áo dài, váy xống… tha hồ mà chọn lựa! Ngay cả các thôn miền núi như Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Phú Túc (xã Hòa Phú) thì dịch vụ cho thuê áo quần dự tiệc vẫn luôn đồng hành các tiệc cưới. Riêng cô dâu chú rể, hai nhân vật chính của tiệc cưới sẽ được đầu tư hình ảnh lung linh nhất. Anh Hồ Thanh Châu, chủ dịch vụ cưới hỏi “Châu Hương” ở xã Hòa Liên còn tiết lộ: Nhiều gia đình khá giả chịu khó chi từ 5 đến 10 triệu đồng cho bộ váy áo cô dâu. Dù gì đời người chỉ có một lần, nên phải đẹp…

Không ít người khi về quê ăn cưới đã mắt tròn mắt dẹt vì độ “chịu chơi” ở các đám cưới miền quê bây giờ. Vì cả làng đi ăn cưới nên cái sự giao lưu sôi nổi đến độ “hết biết”. Đàng trai cụng ly đàng gái, xóm trên cụng ly xóm dưới, phụ nữ chào bàn nông dân, thanh niên ra mắt với các cụ cao tuổi… Trong khi đó trên sân khấu chương trình văn nghệ rôm rả không kém. Người ta có thể hát từ khi cô dâu chú rể cắt bánh thổi nến và uống rượu giao bôi cho đến khi tiệc tan, tiễn khách ra về mà tiếng hát vẫn bay cao bay xa khắp lũy tre làng…

Phong vị quê nhà

Nhiều người có chung cảm nhận rằng đám cưới miền quê không chỉ ấm áp, vui “hết biết” mà còn bất ngờ được thưởng thức những món ăn mang đậm hồn cốt quê nhà mà đã từ lâu vắng bóng trên những bữa tiệc cưới ở phố thị. Nếu như món bánh phu thê (su sê), một phẩm vật không thể thiếu trong lễ cưới xưa, nay đã nhường chỗ cho món bánh kem nhiều tầng khắc tên cô dâu chú rể thì nhiều gia đình ở nông thôn vẫn giữ nếp xưa, dành riêng một quả cưới có 105 cái bánh với nghĩa vợ chồng trăm năm hạnh phúc. Sau lễ cưới, nhà gái sẽ đem bánh và trầu cau biếu bà con, hàng xóm gần xa để chia vui và thay lời cảm tạ.

Bây giờ dù có dịch vụ nấu đám cưới trọn gói, đủ các món ngon như tiệc thành phố nhưng không vì thế các bà nội trợ ở quê bớt lo toan. Dù đã đặt dịch vụ nấu ăn trong lễ cưới con gái sắp tới nhưng chị Ngọc Mai ở Miếu Bông, xã Hòa Phước, vẫn chạy đôn chạy đáo chuẩn bị cỗ cưới. Chị nói: “Ở nhà quê, cỗ cưới rất quan trọng. Không chỉ ngon mà còn phải hợp khẩu vị bà con. Ngay như món gà, tôi phải về quê mẹ ở Điện Hòa tự tay đặt mua gà quê chính hiệu chứ không giao phó cho dịch vụ. Chứ đám cưới quê mà ăn gà công nghiệp là người ta cười cho…”.

Không chỉ vậy, cỗ cưới ở nông thôn không thể nào vắng bóng những món ăn vốn dĩ quen thuộc từ bao đời như bánh gói, bánh nậm, xôi vò, xôi gấc hay món tráng miệng bánh ít lá gai, bánh khô mè…. Anh Hồ Thanh Châu, người nổi tiếng trong giới nấu cỗ cưới ở Hòa Liên cho biết: “Nhiều gia đình chọn đặt món bánh gói, hay bánh ít nhân tôm thịt… dân dã cho tiệc cưới. Đó là món được nhiều người chiếu cố nhất bởi không chỉ “lạ miệng” mà còn có thể dùng tặng nhau mang về làm quà như một chút hương sắc quê nhà…”.

Dẫu không ít người cho rằng đám cưới ở quê còn nhiều tuế toái do kiểu vui hết biết, ăn to nói lớn hay hát hò oang oang cả ngày nhưng phải công nhận rằng: Đám cưới ở quê luôn mang đến cho mỗi người cảm giác ấm áp tình làng nghĩa xóm, đậm đà phong vị quê hương. “Mỗi lần đi dự đám cưới ở quê là mỗi lần như được gặp lại chính mình…”. Đó là lời bộc bạch của nhiều người từ quê ra phố làm ăn sinh sống có dịp quay về quê hương dự đám cưới…

Ghi chép của NHƯ HẠNH

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.