Điều trị đúng cách

.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, 8 tháng đầu năm 2019, các kiểm tra sàng lọc HIV thực hiện trên địa bàn thành phố phát hiện nhiễm mới 175 trường hợp (trong đó người Đà Nẵng 75 trường hợp). Tuy nhiên, người bị nhiễm HIV vẫn hoàn toàn có thể sống bình thường nếu dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ và không bị xã hội kỳ thị.

Phòng khám điều trị ngoại trú người lớn tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng là nơi tư vấn, chăm sóc, khám bệnh cho người nhiễm HIV. TRONG ẢNH: Chuẩn bị thuốc để phát cho người nhiễm HIV tại Phòng khám. Ảnh: N.H
Phòng khám điều trị ngoại trú người lớn tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng là nơi tư vấn, chăm sóc, khám bệnh cho người nhiễm HIV. TRONG ẢNH: Chuẩn bị thuốc để phát cho người nhiễm HIV tại Phòng khám. Ảnh: N.H

Thuốc ARV được coi là điều trị đặc hiệu

Phòng khám điều trị ngoại trú người lớn tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng mỗi ngày có đông người đến tư vấn, xét nghiệm và điều trị; trong đó có nhiều người còn khá trẻ. Các bác sĩ tại đây cho biết, phòng khám hiện điều trị cho gần 600 người nhiễm HIV, và người nhiễm HIV đang có độ tuổi trẻ hóa, xuất hiện nhiều ở đối tượng đồng tính nam. Việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS cũng gặp không ít khó khăn do tâm lý chung là sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử.

Bác sĩ N.Đ.T (Bệnh viện Da liễu) cho biết, hiện nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi AIDS nên điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi là điều trị đặc hiệu. Từng trường hợp có phác đồ theo từng bậc, nhưng vẫn là dùng ARV mỗi ngày và suốt đời.

Thuốc ARV giúp làm ức chế sự nhân lên của virus, do đó duy trì được lượng virus thấp nhất trong máu và duy trì tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm, người nhiễm không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ. Trong trường hợp hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV, hệ miễn được phục hồi trở lại, đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm; từ đó, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài. Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. “Dù được tư vấn kỹ nhưng nhiều người sau thời gian điều trị bắt đầu khỏe mạnh gần như bình thường lại chủ quan ngừng sử dụng thuốc. Chỉ cần bỏ thuốc 3 lần/tháng sẽ gây kháng thuốc, rất khó khăn trong điều trị”, vị bác sĩ này nói.

Nói thêm về việc phòng, chống HIV/AIDS, bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, ngoài điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS thì điều trị phơi nhiễm cũng là điều đáng quan tâm. Riêng tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, có 4 trường hợp phải điều trị phơi nhiễm do nghề nghiệp và 48 trường hợp điều trị vì nghi ngờ có quan hệ tình dục với các đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao. Với điều trị phơi nhiễm, thuốc điều trị thường là dạng uống, sử dụng theo phác đồ phối hợp 3 loại thuốc kháng siêu vi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người bị phơi nhiễm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tiến hành chữa trị càng sớm càng tốt, không nên đến trễ quá thời gian cho phép là 72 giờ. Thời gian điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV phải kéo dài liên tục trong vòng 28 ngày.

Liều thuốc tinh thần

Các bác sĩ tại Phòng khám, Bệnh viện Da liễu cũng cho hay, trong nhiều năm qua, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế (đặc biệt là viện trợ của Chính phủ Mỹ thông qua PEPFAR và viện trợ của Quỹ Toàn cầu). Hiện nay, nguồn thuốc ARV viện trợ bị cắt giảm, đặc biệt là nguồn thuốc của PEPFAR. Để bảo đảm tính bền vững của điều trị HIV/AIDS, Chính phủ chủ trương sử dụng nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán thuốc ARV cho người nhiễm HIV. Từ tháng 3-2019, người nhiễm HIV/AIDS đã được BHYT chi trả.

“Người nhiễm HIV vẫn sử dụng miễn phí thuốc ARV, nhưng khi thành kiến của xã hội đối với người nhiễm HIV vẫn còn thì việc sử dụng thẻ BHYT khiến họ e dè, lo ngại. Bởi thẻ BHYT do cơ quan, đơn vị, công ty, địa phương xác nhận, một khi cơ quan, đồng nghiệp, người quen biết được sẽ kỳ thị, tránh xa. Nhưng nếu không dùng thẻ BHYT, bệnh nhân phải trả khoản kinh phí lớn vì thuốc này dùng cả đời. Chừng nào xã hội hiểu ra rằng cũng như các loại bệnh khác, người nhiễm HIV chẳng may mắc phải một loại virus làm suy giảm hệ miễn dịch thì mới có cách nhìn khác”, một bác sĩ chia sẻ.

Theo bác sĩ Lê Thành Chung, thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS được các cấp, ngành quan tâm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã xây dựng các chương trình hoạt động chính gồm: can thiệp, dự phòng và giám sát dịch; điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường năng lực hệ thống phòng chống HIV/AIDS; tạo môi trường thuận lợi triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp các cấp ngành liên quan duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động 4 nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng gồm: nhóm quan hệ tình dục đồng giới, nhóm sau cai nghiện, nhóm mại dâm đường phố và nhóm tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi giải trí… Đồng thời, thực hiện mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/AIDS gồm các chỉ tiêu: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

“Điều chúng tôi lo lắng nhất là những con số thống kê chưa hẳn đúng thực tế vì có nhiều trường hợp khai không đúng địa chỉ. Đây chính là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do họ không được tiếp cận tư vấn các dịch vụ dự phòng cũng như không được tiếp cận các dịch vụ điều trị thuốc kháng virus ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và làm giảm lây truyền HIV ra cộng đồng. Việc xã hội, cộng đồng có cách nhìn khác đối với người nhiễm HIV và việc sử dụng nguồn BHYT để thanh toán thuốc kháng virus ARV cho người nhiễm HIV sẽ giúp có con số chính xác về người nhiễm HIV”, bác sĩ Lê Thành Chung nói thêm.

NGỌC HÀ
 

;
;
.
.
.
.
.